Shipper Trung Quốc phải nhảy qua tường rào để đi làm

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong bối cảnh nhiều nơi ở Trung Quốc áp đặt biện pháp hạn chế Covid-19, phong tỏa khu dân cư, tài xế giao hàng phải nhảy qua hàng rào, lẻn vào bóng tối để đi mưu sinh.
Shipper Trung Quốc phải nhảy qua tường rào để đi làm
Ảnh minh họa

Làm việc quá sức nhưng chỉ kiếm được đồng lương ít ỏi với tâm trạng chán nản, tài xế giao hàng Wang thậm chí đang phải đối mặt thêm những khó khăn khi giới chúc trách đột ngột phong tỏa khu chung cư anh sống ở Bắc Kinh vào đầu tháng này.

Giới chức ở thủ đô Trung Quốc đã tăng cường chính sách “Zero Covid-19” trong những tuần gần đây khi số ca nhiễm tăng cao kỷ lục.

Hôm 27/11, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc báo cáo 40.347 ca nhiễm, trong đó 3.822 ca có triệu chứng và 36.525 ca không có triệu chứng. Nước này không ghi nhận trường hợp t‌ử von‌g nào do Covid-19 trong ngày 27/11, từ đó giữ nguyên số ca t‌ử von‌g ở mức 5.233.

Thủ đô Bắc Kinh đã báo cáo 840 ca mắc có triệu chứng và 3.048 ca không có triệu chứng hôm 27/11, theo dữ liệu của chính quyền địa phương. Vì vậy, thành phố đã áp đặt lệnh phong tỏa sâu rộng, xét nghiệm hàng loạt và yêu cầu làm việc từ xa.

Trong bối cảnh đó, Wang không phải là người duy nhất cảm thấy thất vọng. Căng thẳng đang đè nặng lên nhiều người trong số hơn 21 triệu cư dân Bắc Kinh. Theo AP, một số người đang đặt câu hỏi: Các biện pháp này sẽ được áp dụng trong bao lâu nữa?

Một nhân viên giao hàng chờ bên ngoài trung tâm mua sắm đã bị đóng cửa sau đợt bùng phát dịch Covid-19, tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Chiến lược Zero Covid-19 đã được áp dụng khoảng ba năm.

Quốc gia đông dân này là nền kinh tế lớn cuối cùng thực hiện chiến lược “Zero Covid-19”, nhưng việc duy trì số ca mắc và t‌ử von‌g tương đối thấp đã hạn chế sự phục hồi kinh tế của đất nước, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và cản trở việc làm.

"Tôi không có lựa chọn"

Theo New York Times, ít nhất 49 thành phố của Trung Quốc, nơi sinh sống của khoảng 1/3 dân số cả nước, đang nằm dưới các biện pháp phong tỏa hoàn toàn hoặc một phần.

Tại thủ đô Bắc Kinh, các trung tâm thương mại và công viên phải đóng cửa, trong khi giới chức hối thúc người dân hạn chế việc ra ngoài.

Nhu cầu giao hàng đã tăng vọt khi các biện pháp hạn chế thắt chặt. Vì vậy, nhiều người dân thành thị không thể rời khỏi nhà - chủ yếu là người di cư từ các tỉnh khác - đã trở thành một phần trong “đội quân” giao hàng được trả lương thấp, chuyên cung cấp bữa trưa mang đi và các đơn đặt hàng tạp hóa.

Nhưng lần này, những hạn chế phòng dịch đã len lỏi sâu vào nơi mà các tài xế sinh sống, khiến nhiều người không thể rời khỏi nhà, trong khi một số khác buộc phải lựa chọn giữa việc có một nơi để ngủ và kiếm đủ tiền để sinh sống.

Wang, người thường xuyên di chuyển khắp khu tài chính giàu có để giao đồ ăn cho ứng dụng đặt đồ Meituan, chia sẻ khu nhà anh đã bị phong tỏa vào ngày 7/11 sau khi phát hiện hai ca mắc Covid-19.

Trước tình cảnh đó, để không mất thu nhập của mình - khoảng 34 USD/ngày - chàng trai 20 tuổi đã phá vỡ các quy tắc phong tỏa bằng cách trèo qua hàng rào, lẻn vào trong bóng tối để nhận ca làm việc.

Một nhân viên giao hàng lấy hàng tại trạm hậu cần của nền tảng trực tuyến Meituan ở Bắc Kinh vào ngày 23/11. Ảnh: Reuters.

"Tôi không có lựa chọn nào khác. Nếu không kiếm được tiền, tôi không thể trả nổi tiền thuê nhà", người đàn ông gốc tỉnh công nghiệp phía bắc Sơn Tây nói.

"Rất nhiều người giao hàng không có nơi nào để ở vào lúc này", anh nói với AFP bên ngoài khu văn phòng vắng vẻ vào buổi chiều mùa đông lạnh giá tuần trước.

Ngủ không ngon

Khi khu nhà ở của Gu Qiang bị phong tỏa vào tuần trước, một tài xế của ứng dụng Meituan đã chọn ngủ trong xe của anh.

"Tôi chi hơn 4 USD để giữ cho động cơ chạy suốt đêm, nhưng giá này vẫn rẻ hơn so với việc thuê một khách sạn", anh Gu - người dân gốc Đông Bắc Trung Quốc - nói. "Một số bạn bè của tôi đang sống ở bên ngoài. Họ không dám về nhà".

Một số nhân viên giao hàng được AFP phỏng vấn đã mô tả khối lượng công việc nặng nề hơn trong những tuần gần đây do lệnh phong tỏa khiến công ty của họ thiếu lao động.

Một nhân viên bảo hộ chuyển hàng hóa cho một người dân qua cổng của khu dân cư đang bị phong tỏa ở quận Triều Dương. Ảnh: Reuters.

Trong khi một số người cho biết họ rất vui khi nhận được thêm các đơn đặt hàng hái ra tiền, thì hầu hết chia sẻ họ phải chịu đựng thời gian làm việc dài hơn, căng thẳng hơn và nhiều trải nghiệm tương tác tiêu cực hơn với khách hàng.

Họ cũng cho hay họ đã không nhận được bất kỳ hỗ trợ bổ sung nào từ Meituan hoặc các công ty dịch vụ giao hàng thuê ngoài.

Năm 2021, giới chức Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra về các nền tảng giao đồ ăn sau khi có khiếu nại về hành vi bó‌c lộ‌t lao động, bao gồm những thuật toán buộc người giao hàng phải lái xe nguy hiểm để đáp ứng thời gian giao chặt chẽ.

Vào tuần trước, Meituan nói với tờ China Daily rằng họ đã trả tiền phòng khách sạn cho một số công nhân bị mắc kẹt và sẵn sàng đón nhận những lời kêu gọi giúp đỡ từ người giao hàng gặp phải tình huống tương tự.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật