Trung thực trong giáo dục: Những điểm 10 dối trá

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ông Giản Tư Trung - viện trưởng viện Giáo dục IRED - kể: Một học sinh được giao vẽ bức tranh gia đình ngày Tết. Học sinh này cầu cứu cha mẹ. Cha mẹ bó tay, “may sao“ trong xóm một sinh viên chuyên ngành thiết
Trung thực trong giáo dục: Những điểm 10 dối trá
Ảnh minh họa

Những ngày qua, khi mở diễn đàn "Trung thực trong giáo dục", Tuổi Trẻ đã nhận được rất nhiều ý kiến bạn đọc tham gia, cho thấy đây là một vấn đề cần phải được xem xét nghiêm túc hơn nữa để chúng ta có một nền giáo dục lành mạnh, phát triển.

Để khép lại diễn đàn này, Tuổi Trẻ đăng bài phỏng vấn với ông Giản Tư Trung - viện trưởng viện Giáo dục IRED. Ông Trung kể:

- Nhiều năm trước, tôi có chia sẻ câu chuyện về một bài tập vẽ. Một học sinh được giao bài tập về nhà là vẽ bức tranh gia đình ngày Tết. Sau nhiều ngày "vò đầu bứt tai" vẫn không vẽ được, học sinh này bèn cầu cứu phụ huynh vẽ giúp. 

Thế rồi ba mẹ em cũng bó tay, nhưng may sao trong xóm có một sinh viên chuyên ngành thiết kế. Ba mẹ cháu đến nhờ cậu ta vẽ giúp.

Kết quả bức tranh được cô chấm 10 điểm. Điểm 10 này đã mang lại niềm vui cho rất nhiều người. Cậu học sinh vui vì đã có điểm tuyệt đối. Ba mẹ vui vì con mình học giỏi. 

Cô giáo vui vì thành tích chung của lớp. Nhưng sự sung sướng này có thể sẽ "giết chết" một con người. Những điểm 10 kiểu này đã "nhét" vào người đứa trẻ một thứ chúng không cần trong cuộc sống này: sự dối trá.

Cần xây dựng mục tiêu và thước đo giáo dục cho cả 12 năm phổ thông, cho từng cấp học, lớp học, môn học, tiết học... Thước đo thành tích đúng sẽ có cơ sở để thay đổi sự dạy và sự học của cả hệ thống.

Ông GIẢN TƯ TRUNG

Ông Giản Tư Trung

* Theo ông, gốc rễ của vấn đề trung thực trong giáo dục là gì?

- Với bất cứ sự học nào, tôi nghĩ ta nên trả lời được 3 câu hỏi 2W+1H. Đó là "Why to learn?" (Vì sao phải học, học để làm gì?), "What to learn?" (Học cái gì?) và "How to learn" (Học như thế nào?). 

Chỉ khi làm rõ 3 câu hỏi trên trước khi học thì ta mới có thể có được sự thực học. Sẽ không thể lĩnh hội thêm bao nhiêu hay thấy bản thân trưởng thành hơn nếu chính mình không biết học để làm gì, học cái gì và học như thế nào.

Với môn mỹ thuật, nếu trên nguyên tắc 2W+1H và xác định thông qua môn học này, học sinh có thể nâng cao năng lực mỹ cảm (năng lực cảm thụ cái đẹp), có lẽ sẽ không còn những đề bài thi bắt buộc một đứa trẻ phải vẽ bức tranh ngày Tết hay câu chuyện dở khóc dở cười về điểm 10 như trên. 

Khi đó, đề bài giáo viên đưa ra có thể linh hoạt theo hướng nếu không vẽ được hay không thích vẽ thì các em có thể chia sẻ cảm nhận về một bức tranh nào đó. 

Qua chia sẻ này, giáo viên sẽ hiểu hơn về đứa trẻ và có thể giúp các em nâng cao năng lực mỹ cảm, phát triển óc tưởng tượng, tâm hồn phong phú, khả năng diễn đạt bằng hình ảnh của bạn trẻ.

Các môn học khi kết hợp với nhau sẽ phục vụ cho một mục đích quan trọng hơn. Theo tôi, 12 năm học phổ thông là học để hình thành năng lực văn hóa để làm người. Tất cả các môn học ở giáo dục phổ thông đều có giá trị xuyên suốt là giúp trẻ phát triển toàn diện về trí dục, đức dục, thể dục và mỹ dục để làm người.

* Phải chăng chung quy lại, chúng ta vẫn phải đương đầu với một căn bệnh trầm kha trong giáo dục: bệnh thành tích?

- Thành tích chưa bao giờ và không bao giờ là "bệnh". "bệnh" ở đây là bệnh ngụy tạo thành tích và thước đo cho những thành tích ấy bị "bệnh". 

Trong giáo dục, nếu đưa ra một thước đo sai, cả hệ thống (gồm Nhà nước, nhà trường, nhà giáo, gia đình và học sinh) sẽ phải vất vả chạy theo thước đo sai ấy. 

Nhiều người biết thước đo đó không hay, không đúng, không tốt, nhưng nếu không chạy theo thước đo đó có được không? Có lẽ không, bởi họ sẽ bị bỏ lại hay bị loại bỏ trong cả hệ thống.

Chẳng hạn, khi thước đo một nền giáo dục tốt là số học sinh giỏi, các địa phương rồi các trường, các thầy cô và các học sinh sẽ chạy theo cho bằng được thước đo này và tạo ra rất nhiều "lò luyện gà chọi" để lấy thành tích. 

Hay khi xét tuyển đại học, nếu các trường chỉ đo kết quả điểm số trong học bạ, không thể tránh khỏi chuyện học sinh hay các trường phổ thông chạy đua "làm đẹp" học bạ.

* Theo ông, đâu là liều thuốc có thể chữa căn bệnh này tận gốc?

- Riêng bệnh liên quan đến ngụy tạo thành tích hay thước đo thành tích bị bệnh, tôi nghĩ hoàn toàn có thể chữa được, quan trọng là có muốn chữa hay không, có quyết tâm hay không và tốn thời gian bao lâu?

Trước hết, theo tôi, cần quay lại mục tiêu của giáo dục và thước đo của mục tiêu này. Cần xây dựng mục tiêu và thước đo giáo dục cho cả 12 năm phổ thông, cho từng cấp học, lớp học, môn học, tiết học; từ đó sẽ thiết kế nội dung học và cách học cho từng cấp học, lớp học, môn học và tiết học. 

Các mục tiêu môn học được truyền cho các giáo viên thực hiện. Thước đo thành tích đúng sẽ có cơ sở để thay đổi sự dạy và sự học của cả hệ thống. Bởi hiện nay không thể bắt mọi người đừng chạy theo thành tích. Sự thay đổi trước tiên là xác định đúng những "thành tích" này ngay từ đầu.

Cần khẳng định lại 12 năm học phổ thông là học để làm người. Từ đó chúng ta có thể phân ra mục tiêu của từng cấp học, lớp học, môn học là sẽ làm gì. Các môn học sẽ hỗ trợ cho học sinh có được những năng lực và phẩm cách mà các em sẽ có.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật