Một người Việt được bổ nhiệm Giáo sư Luật ở ĐH Oxford

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khoa Luật - Đại học Oxford vừa thông báo về việc phong hàm Giáo sư cho ông Bùi Ngọc Sơn, chuyên ngành Luật Châu Á. Ông Sơn từng là sinh viên và giảng viên Khoa Luật của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Một người Việt được bổ nhiệm Giáo sư Luật ở ĐH Oxford
Ông tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ tại Khoa Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội, đồng thời có thời gian làm giảng viên tại đây.

Trong thông báo ngày 18/8/2022 của Khoa Luật – ĐH Oxford (Vương quốc Anh), cùng được phong hàm với GS Bùi Ngọc Sơn là GS Andrew Higgins và GS Roderick Bagshaw.

Ông Bùi Ngọc Sơn hiện là Giáo sư trong lĩnh vực Luật Châu Á tại Khoa Luật, ĐH Oxford, và là nghiên cứu viên của Trường St Hugh (ĐH Oxford).

Ông nhận bằng tiến sĩ tại ĐH Hong Kong; làm trợ lý Giáo sư tại Khoa Luật - ĐH Trung Văn Hong Kong; là thành viên nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Pháp lý châu Á của Khoa Luật, ĐH Quốc gia Singapore. Ông cũng đã từng tham gia nghiên cứu tại Trường Luật Harvard, ĐH Melbourne và ĐH Thanh Hoa.

Giáo sư Bùi Ngọc Sơn làm việc về luật so sánh và luật hiến pháp ở Châu Á. Ông là tác giả của cuốn sách Thay đổi Hiến pháp trong Thế giới Xã hội Chủ nghĩa Đương đại (Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2020) và Chủ nghĩa Hiến pháp Nho giáo ở Đông Á (Nhà xuất bản Routledge, 2016).

Hiện nay, GS Sơn đang viết một chuyên khảo mới về Cải cách pháp lý trong Thế giới Xã hội Chủ nghĩa đương đại của Nhà xuất bản Đại học Oxford. Ông cũng đang đồng biên tập bốn tập về Luật Hiến pháp So sánh Châu Á cho Nhà xuất bản Hart, đồng thời là thành viên Ban biên tập của Tạp chí Luật So sánh Châu Á và làm việc trong Ban cố vấn của Tạp chí Luật Ấn Độ.

Theo giới luật Việt Nam, việc GS Bùi Ngọc Sơn được ĐH Oxford phong Giáo sư là một sự kiện đáng ghi nhớ, bởi một người Việt được đào tạo cơ bản trong nước đến bậc Thạc sĩ, sau hơn mười năm học tập và làm việc ở nước ngoài đã trở thành học giả luật học đẳng cấp thế giới ở một trong những đại học lâu đời và danh giá nhất thế giới. Đặc biệt, Luật học là một ngành khoa học xã hội được coi là nền tảng, cao quí ở phương Tây và có rất ít cơ hội cho một học giả đến từ châu Á không dùng tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật