Bắt đầu cấp thẻ căn cước công dân có gắn chíp: Mẹ nắm rõ để biết khi nào cần đi làm

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử sẽ tích hợp đầy đủ các thông tin cá nhân, bao gồm cả thuế, BHYT, bằng lái xe và các giấy tờ có giá trị khác.
Bắt đầu cấp thẻ căn cước công dân có gắn chíp: Mẹ nắm rõ để biết khi nào cần đi làm
Ảnh minh họa

Xem Video: Bộ Công an chính thức công bố mẫu thẻ căn cước công dân gắn chíp

Việc tích hợp thông tin này để phòng tránh giấy tờ bị làm giả và người dân đi làm các thủ tục hành chính và giao dịch sẽ không phải mang theo quá nhiều loại giấy tờ, giảm thời gian và chi phí cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện các giao dịch trực tuyến của Chính phủ điện tử.

Để xác thực danh tính cá nhân, với chiếc thẻ căn cước công dân có gắn chíp, có thể thực hiện offline, mà không cần đường truyền Internet.

Nguồn tin từ báo Đồng Nai cho biết, bắt đầu từ hôm nay, 25/02/2021, sẽ thực hiện việc cấp thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử.

Ảnh: Công an thành phố Biên Hòa thu nhận hồ sơ làm căn cước công dân lưu động cho đối tượng ưu tiên tại phường Thống Nhất. Nguồn: Báo Đồng Nai. 

Tuy nhiên, nhằm mục đích góp phần tiết kiệm, tránh lãng phí ngân sách nhà nước, gây quá tải hệ thống thu nhập thông tin và giảm sự phiền hà, mất thời gian cho người dân nhất là thời điểm dịch bệnh vẫn đang diễn ra, Công an khuyến cáo thời gian đầu thực hiện việc cấp thẻ này nếu chưa thật sự cần thiết thì không nên ồ ạt đi làm thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử.

Theo quy định của Luật căn cước công dân năm 2014 thì các trường hợp được cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân như sau:

- Cấp mới: Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên.

- Đổi thẻ căn cước công dân: Khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi; thẻ bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin họ tên, đặc điểm nhận dạng; xác định lại giới tính và quê quán; có sai sót thông tin trên thẻ và khi công dân có yêu cầu.

Lưu ý về mốc tuổi phải đổi thẻ, nếu trong vòng 2 năm trước khi đến tuổi đổi thẻ mà mẹ đã làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thì thẻ này vẫn có giá trị sử dụng đến mốc tuổi đổi thẻ tiếp theo.

- Cấp lại thẻ căn cước công dân: Bị mất thẻ căn cước công dân; được trở lại quốc tịch Việt Nam.

Khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân, mẹ cần mang theo Sổ hộ khẩu và đến cơ quan Công an cấp huyện nơi đăng ký thường trú để xin Mẫu tờ khai điền vào và thực hiện các bước chụp hình thẻ,  lấy dấu vân tay. Hoàn tất thủ tục, mẹ nhận được giấy hẹn trả kết quả.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Nhân dân. 

Tương tự với thủ tục đổi và cấp lại cũng vậy, tuy nhiên, theo quy định mới, để linh hoạt và thuận tiện hơn cho người dân, mẹ có thể làm thủ tục tại cơ quan Công an cấp huyện nơi tạm trú, nghĩa là đối với các trường hợp hộ khẩu ở tỉnh, mẹ không cần phải về quê để thực hiện việc này.

Thời hạn cấp, đổi và cấp lại như sau:

- Tại thành phố và thị xã: Không quá 07 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới và đổi và không quá 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại.

- Tại các huyện miền núi, vùng cao, biên giới và hải đảo: Không quá 20 ngày làm việc, áp dụng với tất cả trường hợp cấp, đổi và cấp lại.

- Tại các khu vực còn lại: Không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả trường hợp cấp, đổi và cấp lại.

Theo lộ trình, thời hạn này sẽ còn được rút ngắn hơn nữa đó các mẹ ơi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng. 

Lệ phí để cấp, đổi và cấp lại thẻ căn cước công dân

Đối với trường hợp cấp mới lần đầu thẻ căn cước công dân, đổi thẻ căn cước công dân theo độ tuổi quy định, đổi thẻ do có sai sót thông tin trên thẻ do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân hoặc đổi thẻ do thay đổi địa giới hành chính sẽ không phải nộp lệ phí.

Các trường hợp còn lại đều phải nộp lệ phí. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, lệ phí cấp, đổi và cấp lại thẻ được giảm từ nay đến hết 30/6/2021, cụ thể:

- Trường hợp chuyển từ CMND 9 số, 12 số sang cấp thẻ căn cước công dân: 15.000 đồng/thẻ (thay vì trước là 30.000 đồng/thẻ).

- Đổi thẻ do bị hỏng không dùng được; thay đổi thông tin họ tên, đặc điểm nhận dạng; xác định lại giới tính, quê quán hay có sai sót thông tin trên thẻ, hoặc là khi công dân có yêu cầu: 25.000 đồng/thẻ (trước là 50.000 đồng/thẻ).

- Cấp lại thẻ căn cước công dân khi bị mất thẻ hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam: 35.000 đồng/thẻ (trước là 70.000 đồng/thẻ).

Áp dụng theo quy định tại Thông tư 112/2020/TT-BTC và Thông tư 59/2019/TT-BTC về lệ phí cấp căn cước công dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Hà Tĩnh. 

Mẹ đang sử dụng CMND thì khi nào phải đổi thẻ căn cước công dân?

Khi CMND hết hạn sử dụng (theo quy định là 15 năm kể từ ngày cấp), lúc này, mẹ phải làm thủ tục chuyển đổi sang cấp thẻ căn cước công dân.

Dùng CMND hoặc thẻ căn cước công dân hết hạn sử dụng sẽ khiến mẹ gặp trở ngại khi thực hiện giao dịch với cơ quan nhà nước, với ngân hàng và với các cơ quan, tổ chức khác (nếu có).

Vừa rồi, Công an thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch tiếp nhận, thu thập thông tin cấp thẻ căn cước công dân theo từng phường, xã. Trên cơ sở đó, người dân sẽ biết khi nào đến lượt mình đi làm thủ tục, tránh quá tải bộ phận cấp thẻ. Các địa phương cũng cần nhanh chóng thực hiện kế hoạch này, có thông báo rõ ràng để người dân cùng biết.

Ảnh minh họa. Nguồn: Công an Tuyên Quang và báo Hưng Yên. 

Vậy nên nếu không thuộc trường hợp phải đổi ngay, mình khuyên mẹ không nên ồ ạt đi làm thủ tục cấp đổi thẻ ngay lúc này, để tránh tình trạng quá tải nè. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật