Bộ Xây dựng muốn thoái toàn bộ 108 triệu cổ phiếu IDICO (IDC)

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giá khởi điểm dự kiến là 26.930 đồng/cổ phiếu nhưng không được thấp hơn giá tham chiếu cổ phiếu IDC trên thị trường trong 30 phiên giao dịch liên tiếp trước ngày công bố thông tin.
Bộ Xây dựng muốn thoái toàn bộ 108 triệu cổ phiếu IDICO (IDC)
Ảnh minh họa

Bộ Xây dựng dự thu hơn 2.900 tỷ đồng từ thương vụ thoái sạch vốn IDICO (IDC)

Bộ Xây dựng mới đây đã phê duyệt phương án thoái toàn bộ 108 triệu cổ phiếu, tương ứng 36% vốn tại Tổng công ty IDICO – CTCP (mã IDC). Phương thức thoái vốn là đấu giá công khai thông thường tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM theo quy định.

Thời gian thực hiện theo Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6 của Thủ tướng Chính phủ và thời hạn hiệu lực quy định của Chứng thư thẩm định giá số 139/2020/CTTDG-CPAVIETNAM. Theo đó, doanh nghiệp phải thoái vốn trước ngày 30/11/2020, nếu không hoàn thành thoái vốn thì hoàn thành chuyển giao về SCIC trước 31/12/2020.

Giá khởi điểm là 26.930 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền dự kiến thu về 2.908 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu giá tham chiếu IDC trong 30 phiên giao dịch liên tiếp trước ngày công bố thông tin cao hơn 26.930 đồng/cổ phiếu thì lấy giá tham chiếu bình quân 30 ngày đó để làm giá khởi điểm.

IDICO đưa cổ phiếu lên sàn UpCOM từ 24/11/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 23.940 đồng/cổ phiếu sau đó chuyển sang niêm yết trên HNX từ 10/12/2019 với giá tham chiếu 18.500 đồng/cổ phiếu.

Hiện IDICO có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng trong đó cổ đông lớn nhất là Bộ Xây dựng với 36% cổ phần. Hai cổ đông chiến lược là Tập đoàn SSG và Tập đoàn Bitexco đều đang sở hữu 65 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 22,5%.

Trên thị trường, cổ phiếu IDC bắt đầu “dậy sóng” từ tuần cuối tháng 8 với thanh khoản liên tục được cải thiện. Cùng với đó, thị giá cổ phiếu này cũng tăng gần 33% trong 2 tháng qua đó leo lên mức 26.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay. Tạm tính tại mức thị giá này, vốn hóa của IDICO vào khoảng 7.800 tỷ đồng.

Vinaconex (VCG) muốn mua cổ phiếu quỹ tối đa 10% lượng cổ phiếu lưu hành làm cổ phiếu quỹ

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – mã VCG) đã thông qua chủ trương mua lại tối đa 44,17 triệu cổ phiếu (tương đương 10% vốn điều lệ) để làm cổ phiếu quỹ. Mục đích là tăng hiệu quả cho doanh nghiệp, tăng giá trị cho cổ đông.

Nguồn vốn mua lại cổ phiếu là từ nguồn thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính kiểm toán/soát xét gần nhất trước khi thực hiện, cụ thể 1.644 tỷ đồng. 

Trên thị trường, cổ phiếu VCG đang có giá 43.900 đồng/cp, tương đương vốn hóa thị trường gần 19.400 tỷ đồng. Tạm tính theo giá này, số tiền Vinaconex dự chi 1.936 tỷ đồng khi mua tối đa lượng cổ phiếu trên.

Vinaconex đang cấu trúc lại các khoản đầu tư của mình. Cụ thể, doanh nghiệp đã bán xong 50% vốn tại An Khánh JVC; hoàn tất giao dịch chuyển nhượng 100% vốn tại Giáo dục Phúc Yên; chuẩn bị bán hơn 17 triệu cổ phiếu Đầu tư và Phát triển điện miền Bắc (mã ND2); dừng thực hiện việc tăng vốn điều lệ Vinaconex Xây dựng và không tiếp tục triển khai tăng vốn điều lệ Vinaconex Đầu tư.

Ngày 29/9, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã thông báo nhận hồ sơ đăng ký niêm yết 441,7 triệu cổ phiếu của Vinaconex.

Mẹ Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu Gelex (GEX)

Bà Đào Thị Lơ mới đây đã đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu, tương đương 3,19% vốn Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (Gelex – mã GEX). Giao dịch dự kiến được thực hiện trong khoảng thời gian 26/10 - 21/11/2020. Trước giao dịch, Bà Lơ chưa sở hữu cổ phần Gelex.

Được biết, Bà Lơ là mẹ ruột của ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc Gelex. Mới đây, ông Tuấn đã hoàn tất mua thêm 20 triệu cổ phiếu GEX qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên 11,7% cổ phần và là cổ đông lớn thứ 2 tại Gelex sau Công ty TNHH MTV Đầu tư GEX (tỷ lệ 15,74%).

Trên thị trường, cổ phiếu GEX đang trong nhịp điều chỉnh sâu sau giai đoạn tăng mạnh từ đầu tháng 8. Kết phiên 23/10, cổ phiếu này dừng ở mức 21.250 đồng/cổ phiếu, giảm 18% so với mức đỉnh 2 năm. Tạm tính tại mức thị giá này, số tiền bà Lơ dự chi cho giao dịch trên vào khoảng 320 tỷ đồng.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, cổ đông Gelex đã thông qua việc ông Tuấn và người có liên quan được mua/nhận chuyển nhượng cổ phiếu GEX để tăng tỷ lệ sở hữu lên 36% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.

Trong một diễn biến khác, Gelex mới đây đã mua thành công 94,6 triệu cổ phiếu Tổng công ty Viglacera – VGC (mã VGC). Sau giao dịch, nhóm Gelex đã nắm giữ tổng cộng 206,5 triệu cổ phiếu VGC, tương đương 46,07% vốn Viglacera. Được biết, Gelex đặt mục tiêu chi phối 51% cổ phần để hợp nhất báo cáo tài chính Viglacera.

Sau cổ đông Nhật, đến nhóm quỹ Hàn thoái bớt vốn và không còn là cổ đông lớn tại An Gia

Nhóm quỹ Hàn Quốc là Korea Investment Managament đã công bố thông tin trên HOSE đã bán ra 1,5 triệu cổ phiếu AGG của CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia và không còn là cổ đông lớn tại AGG từ ngày 16/10. Trước giao dịch, nhóm quỹ này sở hữu 5,17 triệu cổ phiếu AGG, tương đương tỷ lệ 6,27%.

Ngày 14/10, nhóm quỹ trên đã bán ra 1,5 triệu cổ phiếu AGG, giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 3,67 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 4,45% vốn và không còn là cổ đông lớn tại Bất động sản An Gia.

Như vậy trong thời gian ngắn vừa qua, cổ đông lớn nước ngoài của An Gia đã liên tiếp thực hiện thoái bớt vốn tại doanh nghiệp.

Hồi đầu tháng 8, Creed Investments đã thực hiện bán hơn 3,7 triệu cổ phiếu AGG, qua đó giảm sở hữu từ hơn 12% xuống còn 7,2%. Đợt thoái vốn này giúp cổ đông tổ chức thu về khoảng 4 triệu USD.

Đến phiên 8/10, cổ đông lớn trên đã bán tiếp cổ phiếu AGG giảm tỷ lệ sở hữu từ hơn 5,9 triệu cổ phiếu, tương đương 7,2% xuống còn hơn 5,1 triệu cổ phiếu, tương đương 6,2%. Và ở phiên 12/10 vừa qua, Creed Investments đã thực hiện bán ra cổ phiếu AGG để giảm tỷ lệ sở hữu từ hơn 5,12 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 6,2% xuống còn hơn 4,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 5,5%.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật