Mỹ, EU sắp trừng phạt Iran sau vụ tấn công Israel

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mỹ và các đồng minh châu Âu đã tăng cường nỗ lực gây sức ép với Israel, buộc nước này kiềm chế sau khi bị Iran tấn công chưa từng có vào cuối tuần qua, đồng thời cam kết sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn với Iran.
Mỹ, EU sắp trừng phạt Iran sau vụ tấn công Israel
Iran phóng tên lửa về phía Israel đêm 13/4. Ảnh: IRNA/TTXVN

Theo tờ The Times of Israel ngày 16/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết nước này sẽ phối hợp với các đồng minh và thông qua các biện pháp trừng phạt trong những ngày tới để tiếp tục áp đặt lên Iran. Bà Yellen nói: “Chúng tôi không nói trước các công cụ trừng phạt. Nhưng trong các cuộc thảo luận, chúng tôi tiếp tục bàn bạc tất cả các lựa chọn nhằm ngăn chặn tài trợ cho Iran”.

Bộ Tài chính Mỹ đang nỗ lực tranh thủ sự hỗ trợ của Trung Quốc, các đối tác trong Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) và các nhà cung cấp lớn khác trên toàn cầu để làm suy giảm hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, ngăn chặn Iran có được các thiết bị vi điện tử cần thiết để sản xuất máy bay không người lái.

Theo bà Yellen, trước đó, Bộ Tài chính và Ngoại giao Mỹ đã có hành động ngăn chặn hành vi của Iran thông qua làm giảm khả năng xuất khẩu dầu của nước này.

Theo một số nhà phân tích, chính quyền Mỹ khó có thể tìm cách tăng cường biện pháp trừng phạt hoạt động xuất khẩu dầu của Iran do lo ngại về giá dầu tăng đột biến và lo ngại về phản ứng của Trung Quốc.

Còn theo Thủ tướng Anh Sunak, G7 đã và đang nghiên cứu một gói biện pháp phối hợp chống Iran. Italy, nước đang giữ chức Chủ tịch G7, cho rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ nhằm vào các cá nhân.

Ông Josep Borrell phát biểu trong cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ) ngày 20/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell cũng thông báo rằng EU đang tìm cách mở rộng các biện pháp trừng phạt Iran sau khi một số quốc gia thành viên yêu cầu. Ông nói: “Tôi sẽ đề nghị Cơ quan Hành động Đối ngoại bắt đầu các công việc cần thiết liên quan đến các lệnh trừng phạt này”.

Theo ông Borrell, đề xuất này sẽ mở rộng chế độ trừng phạt để ngăn Iran giao vũ khí cho cả các lực lượng thân Iran ở Trung Đông. Đức, Pháp và một số thành viên EU khác đã công khai ủng hộ đề xuất này.

Thông tin về các biện pháp trừng phạt xuất hiện trong bối cảnh các nước phương Tây lo ngại hành động trả đũa của Israel có thể đẩy khu vực vào cuộc chiến tranh lớn hơn, có thể lôi kéo họ vào cuộc, đồng thời khiến quốc tế ngày càng giảm ủng hộ Israel. Các quan chức cấp cao Israel đã tuyên bố sẽ đáp trả Iran, nhưng cũng cam kết sẽ xem xét quan điểm của Mỹ và các đồng minh khác.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã nói với người đồng cấp Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc điện đàm tối 16/4: “Leo thang hơn nữa sẽ chỉ làm khu vực thêm bất ổn. Đây là thời điểm cần bình tĩnh”.

Trước đó, đêm 13/4 và rạng sáng 14/4, Iran đã phóng trên 300 máy bay không người lái và tên lửa để tấn công Israel. Mục đích là đáp trả vụ Đại sứ quán Iran ở Syria bị tấn công ngày 1/4 mà Iran cáo buộc Israel là thủ phạm. Tham mưu trưởng Các Lực lượng vũ trang Iran, Tướng Mohammad Bagheri kêu gọi Iran không đáp trả và nói rõ các hành động đáp trả của Israel sẽ dẫn đến phản ứng nghiêm trọng hơn nhiều từ phía Iran.

Tuy vậy, ngày 15/4, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi tuyên bố nước này sẽ đáp trả vụ tấn công trên của Iran. Nội các chiến tranh Israel đã xem xét các kế hoạch quân sự đáp trả cũng như cân nhắc các phương án ngoại giao khác.

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và ngừng leo thang căng thẳng ở Trung Đông.

Ngày 16/4, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa bày tỏ quan ngại về cuộc tấn công của Iran và lo ngại căng thẳng có thể lan rộng ở khu vực. Bà Kamikawa đã đưa ra thông điệp như vậy trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Hossein Amir Abdollahian. Thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết bà Kamikawa cũng kêu gọi Iran kiềm chế để tránh leo thang căng thẳng ở Trung Đông.

Trước đó, ngày 15/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Israel cân nhắc thận trọng và có chiến lược trước khi đưa ra phản ứng vì có thể khiến xung đột lan rộng.

Quốc vương Jordan Abdullah II bày tỏ quan ngại rằng những diễn biến hiện nay ở Trung Đông có thể khiến xung đột leo thang, gây nguy hiểm cho an ninh và ổn định khu vực.

Từ châu Âu, ông Borrell cũng cho rằng khu vực Trung Đông đang đứng "trên bờ vực" và kêu gọi giảm leo thang căng thẳng giữa Israel và Iran.

Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh cần phải tránh leo thang hơn nữa, kêu gọi các bên kiềm chế các hành động mà có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật