Vụ tàu hàng đâm sập cầu ở Mỹ: Cứu hộ kết thúc dù 6 người còn mất tích, điều tra tiếp tục

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giới chức địa phương vẫn tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ sập cầu Francis Scott Key (bang Maryland, Mỹ), trong khi công tác cứu hộ đã kết thúc và tuyên bố 6 nạn nhân đã chết sau vụ tai nạn.
Vụ tàu hàng đâm sập cầu ở Mỹ: Cứu hộ kết thúc dù 6 người còn mất tích, điều tra tiếp tục
Tàu container Dali đâm vào và gây sập cầu Francis Scott Key ngày 26-3. Ảnh: GETTY IMAGES

Cầu Francis Scott Key (bang Maryland, Mỹ) đã sập vào sáng sớm 26-3 (giờ địa phương) sau khi bị tàu container Dali đâm trúng, khiến nhiều xe và 8 người rơi xuống sông, theo hãng tin Reuters.

Tàu Dali do Tập đoàn Synergy có trụ sở tại Singapore điều hành, và đã được hãng vận tải khổng lồ Maersk của Đan Mạch thuê để vận chuyển hàng hóa.

Theo thống đốc bang Maryland, giới chức địa phương đã ngăn người dân sử dụng cây cầu sau khi tàu Dali gửi tín hiệu khẩn cấp, nhờ đó đã cứu được nhiều mạng sống.

Có thể phải mất một thời gian nữa, cảng Baltimore - một trong những cảng đông đúc nhất ở Bờ Đông nước Mỹ mới có thể mở cửa hoạt động trở lại.

Điều gì đã xảy ra ở Baltimore?

Vào khoảng 1 giờ 30 phút sáng 26-3 (giờ địa phương), tàu Dali đang đi xuôi dòng sông Patapsco trên đường đến Sri Lanka thì bị mất điện hoàn toàn. Chỉ khoảng 3 phút khi mất điện, tàu container tông vào trụ cầu Francis Scott Key, khiến gần như toàn bộ cây cầu đổ sập.

Tàu đã ngay lập tức thả neo để tránh va chạm nhưng vẫn không thể cứu vãn tình hình. Tất cả 22 thủy thủ đoàn đều không có ai bị thương.

Cơ quan Giao thông Vận tải bang Maryland cho biết tất cả làn đường ở cả hai đầu cầu đã bị phong tỏa và giao thông đang được điều phối chuyển sang hướng khác, đài CNN đưa tin.

Về phần cầu Francis Scott Key, Thống đốc bang Maryland Wes Moore cho biết cây cầu đã hoạt động đúng quy định và không có vấn đề gì về cấu trúc.

Cảnh sát Baltimore cho biết không có bằng chứng nào cho thấy vụ tàu hàng đâm sập cầu Francis Scott Key là do khủ‌ng b‌ố.

Theo chính quyền địa phương, một đội xây dựng đang vá ổ gà trên cầu khi đó. Vụ sập cầu khiến 8 người rơi từ độ cao 56 m xuống sông.

Các đội cứu hộ nhanh chóng được triển khai tới hiện trường vụ sập cầu. Giám đốc Sở cứu hỏa Baltimore - ông James Wallace cho biết chính quyền đã giải cứu 2 người, 1 người không bị thương và người còn lại đã được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nghiêm trọng.

Lực lượng tuần duyên Mỹ kết thúc hoạt động cứu nạn sau hơn 18 giờ liên tục nỗ lực tìm kiếm 6 nạn nhân còn lại mất tích.

Ông Moore tuyên bố 6 nạn nhân này đã không qua khỏi.

“Đây là một kết luận thật sự rất đau lòng. Chúng tôi đã huy động mọi phương tiện có thể, từ trên không, trên bộ và trên biển để tìm kiếm những người mất tích” - ông Moore nói.

Thị trưởng Baltimore - ông Brandon Scott cũng mô tả vụ việc là một “thảm kịch không thể tưởng tượng được” và gửi lời cầu nguyện cho tất cả những người bị ảnh hưởng cũng như lời cảm ơn đến những chiến sĩ cứu hộ.

Danh tính 6 nạn nhân vẫn chưa được công khai.

Theo Bộ Ngoại giao Guatemala, 2 trong số nạn nhân là công dân Guatemala. Bộ cho biết cả hai đều là thành viên của một nhóm công tác “sửa chữa đường trên cầu vào thời điểm xảy ra vụ sập cầu”.

Một quan chức Mỹ cho biết Nhà Trắng đang “theo dõi chặt chẽ” vụ tàu hàng đâm sập cầu Francis Scott Key. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng cho biết đang điều tra nguyên nhân vụ va chạm.

Sự cố này tác động thế nào tới cảng Baltimore?

Vụ sập cầu đã làm gián đoạn vô thời hạn dòng tàu ra vào cảng Baltimore và điều này có thể gây tổn hại cho nền kinh tế địa phương, làm căng thẳng chuỗi cung ứng và gây xáo trộn việc giao hàng dọc Bờ Đông nước Mỹ.

Góc chụp khác về tàu container Dali đâm sập cầu Francis Scott Key ngày 26-3. Ảnh: GETTY IMAGES

Baltimore là cảng lớn thứ 9 nước Mỹ về hàng hóa quốc tế, xử lý kỷ lục 52,3 triệu tấn hàng hóa trong năm 2023. Theo chính quyền bang Maryland, cảng giúp tạo ra 15.330 việc làm trực tiếp tại cảng và 139.180 việc làm trong các lĩnh vực liên quan.

Baltimore cũng là cảng hàng đầu của Mỹ về máy móc nông nghiệp và xây dựng, nhập khẩu đường và thạch cao, đồng thời là cảng đứng thứ 2 cả nước về xuất khẩu than.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ Pete Buttigieg cho biết rằng vụ sập cầu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng ở khu vực.

“Không nghi ngờ gì nữa, đây sẽ là một tác động lớn và lâu dài đối với chuỗi cung ứng. Còn quá sớm để đưa ra ước tính về những gì cần làm để lưu thông tuyến đường thủy này và mở lại cảng” - ông nói.

Cho đến khi kênh được mở lại, các tàu hàng có thể sẽ chuyển hướng đến các cảng khác ở Bờ Đông nước Mỹ.

Ngoài ra, ông Buttigieg cũng cho biết con đường phục hồi và xây dựng lại cầu sau vụ sập cầu sẽ "không thể nhanh chóng" và chắc chắn sẽ tốn kém.

Ông Buttigieg tái khẳng định cam kết trước đó của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng chính phủ liên bang sẽ cung cấp tất cả sự hỗ trợ và nguồn lực cần thiết để xây dựng lại cầu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật