Ăn bánh chưng ngày Tết, người bị đái tháo đường cần lưu ý điều gì?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bánh chưng là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Loại bánh này chứa nhiều chất béo và tinh bột nên người bị đái tháo đường cần lưu ý một số điểm sau.
Ăn bánh chưng ngày Tết, người bị đái tháo đường cần lưu ý điều gì?
Bánh chưng không nằm trong diện cấm sử dụng với bệnh nhân đái tháo đường nhưng cần lưu ý cách thức và lượng dùng.

Ăn bao nhiêu bánh chưng là đủ?

Trước băn khoăn của nhiều bệnh nhân đái tháo đường về việc có được sử dụng bánh chưng trong những ngày Tết hay không, nếu được thì lượng ăn thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe,điều dưỡng Phạm Thị Kim Thu, Khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, bệnh viện Nội tiết Trung ương chia sẻ: Mỗi chiếc bánh chưng bao gồm 400g gạo nếp, 200g thịt ba chỉ và 200g đỗ xanh. Năng lượng ước tính mỗi chiếc bánh chưng mang lại khoảng 2.560 kcal, tương ứng 6 bát phở đặc biệt, cũng là mức năng lượng cần thiết cho 1 ngày của một người có cân nặng 70-80 kg.

Đặc điểm của bánh chưng là nhiều năng lượng, chất béo chủ yếu đến từ thịt ba chỉ, loại chất béo không tốt và nhiều chất bột đường gây tăng đường huyết nhanh. Ngoài ra, mọi người còn có thói quen sử dụng bánh chưng rán, điều này làm làm tăng lượng chất béo và tăng năng lượng. Hoặc dùng bánh chưng kết hợp dưa hành muối, giò chả cũng làm tăng lượng muối… tất cả đều không tốt đối với sức khỏe của người bệnh.

Theo bà Kim Thu, bánh chưng không nằm trong khuyến cáo cấm sử dụng với bệnh nhân đái tháo đường mà chỉ cần lưu ý cách thức và lượng dùng. bệnh nhân đái tháo đường khi dùng bánh chưng cần lưu ý 4 điều sau:

- Không nên ăn bánh chưng rán.

- Ăn rau trước để bổ sung chất xơ, giúp ổn định đường huyết. 1/8 chiếc bánh chưng tương ứng 1 miệng bát con cơm. Người đái tháo đường nặng 50-60 kg được ăn 1 miệng bát con cơm, do vậy có thể thay thế bằng 1/8 miếng bánh chưng. Ngoài ra, không sử dụng thêm các thực phẩm chứa tinh bột khác như miến dong, xôi, canh khoai…

- Không nên ăn kết hợp bánh chưng với các thực phẩm chứa nhiều muối như dưa, hành muối, giò, chả…

- Duy trì thói quen tập thể dục giúp tiêu hao năng lượng và kiểm soát đường huyết.

Hạn chế rượu bia, đồ chiên xào

Tết Nguyên đán là dịp để các thành viên trong gia đình trở về đoàn tụ, quây quần bên nhau. Những bữa tiệc ngày Tết không thể thiếu bánh chưng, thịt mỡ, thịt đông, dưa hành, xôi nếp và còn rất nhiều loại ăn vặt bánh kẹo. Những món khoái khẩu ngày Tết luôn hấp dẫn nhưng lại là "kẻ thù" với người bệnh đái tháo đường.

TS.BSCKI Nguyễn Thị Thúy, Phó chủ nhiệm Khoa Nội tiết, BV Trung ương Quân đội 108, khuyến cáo trong chế độ ăn uống các bệnh nhân đái tháo đường cần ghi nhớ nguyên tắc chỉ nên ăn khoảng 70-80% lượng thức ăn so với bình thường, giảm chất glucid (đường bột); Tăng vừa phải lượng protein (đạm) và lipid (béo) để bù lại năng lượng do giảm glucid. Tuy nhiên, không nên tăng quá nhiều vì sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hóa.

bệnh nhân nên hạn chế đồ ăn chiên xào, chứa nhiều chất béo và đồ nếp (xôi, bánh dày, bánh chưng, bánh tét...), tăng cường sử dụng thức ăn có nhiều vitamin, muối khoáng, yếu tố vi lượng, chất xơ như rau xanh, củ, quả ít ngọt và ăn thức ăn nóng, uống nước ấm.

Đặc biệt, người bệnh không nên bỏ bữa để tránh bị hạ đường huyết. Người bệnh nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ, không ăn quá no và phải đầy đủ dinh dưỡng; Không ăn bánh kẹo vào lúc đói, thay vào đó nên ăn ngũ cốc nguyên chất, sữa không đường; Không nên uống nước ngọt có ga vì làm tăng nhanh đường huyết.

Trong ngày Tết, người bệnh đái tháo đường cần hạn chế uống rượu, bia vì rượu có thể gây tăng hoặc hạ đường huyết do ngăn cản quá trình tổng hợp glycogen và ảnh hưởng đến chức năng gan, gây rối loạn chuyển hóa.

Đối với các loại rượu, bệnh nhân đái tháo đường có thể sử dụng rượu vang nhưng không được uống quá nhiều. Theo khuyến cáo, mỗi ngày chỉ sử dụng khoảng 200 ml rượu vang cho bữa ăn thêm ngon miệng. Nên ăn chút tinh bột khi uống rượu, không được uống rượu nếu không ăn để tránh hạ đường huyết.

Sau khi uống rượu khoảng 1 giờ, người bệnh nên chủ động tự kiểm tra đường huyết để thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp. Trong những ngày thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống nên thử đường huyết nhiều lần hơn mọi ngày. Nên theo dõi huyết áp, cân nặng để kịp thời điều chỉnh chế độ ăn, uống.

"bệnh nhân không nên uống rượu và thuốc hạ đường huyết cùng lúc. Nếu có dùng một số loại thuốc đặc biệt theo yêu cầu của bác sỹ, phải ngừng uống rượu hoàn toàn. Nếu đang tiêm insulin và có uống rượu, phải thử đường huyết trước khi đi ngủ, nếu kết quả dưới 6mmol/l thì nên ăn thêm. Nếu không thử được, nên ăn thêm thức ăn có ít tinh bột để tránh nguy cơ hạ đường huyết vào lúc nửa đêm. Cần lưu ý, duy trì tập luyện, ăn uống và tuân thủ thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ", BS Thúy cho biết thêm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật