Nga xuất “vũ khí nông nghiệp”, ra mặt bao thầu lương thực cho châu Phi... đừng thách thức tiềm lực Moscow

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc Tổng thống Nga Putin tuyên bố rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen (ngày 17/7) bị chỉ trích là động thái ’vũ khí hóa nông nghiệp’, bóp nghẹt đường xuất khẩu nông sản chính của Ukraine ra thị trường thế giới.
Nga xuất “vũ khí nông nghiệp”, ra mặt bao thầu lương thực cho châu Phi... đừng thách thức tiềm lực Moscow
Tổng thống Putin tuyên bố sẵn sàng thay thế nguồn cung ngũ cốc từ Ukraine cho châu Phi trên cả cơ sở thương mại và viện trợ miễn phí, tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi 2023, ngày 27/7.

Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen là thỏa thuận được Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đàm phán, ký kết ngày 22/7/2022 tại Istanbul, với thời hạn 120 ngày và sau đó được gia hạn 3 lần, cho phép Ukraine xuất khẩu hàng triệu tấn ngũ cốc và các loại nông sản từ các cảng ở Biển Đen ra thị trường thế giới. Đổi lại, phương Tây loại bỏ rào cản đối với xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga.

Moscow sẽ "ngay lập tức" trở lại thỏa thuận ngũ cốc

Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen giúp Ukraine xuất khẩu được khoảng 3 triệu tấn sản phẩm mỗi tháng. Tính đến 7/2023, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã mua khoảng 80% lúa mì thông qua sáng kiến này và chuyển khoảng 725.000 tấn đến những nơi thiếu lương thực nhất trên thế giới, như Afghanistan, Yemen hay Somalia.

Một số chính trị gia phương Tây đã lên tiếng chỉ trích quyết định đơn phương chấm dứt Thỏa thuận ngũ cốc của Nga là vô cảm, gây đau khổ cho hàng triệu người dân nghèo ở châu Phi.

Tuy nhiên, Giám đốc Chương trình châu Phi tại Nhóm khủng hoảng quốc tế Murithi Mutiga cho hay, trên thực tế, không có nhiều ngũ cốc Ukraine đến được tay các nước nghèo như Liên hợp quốc đã hình dung ban đầu. Trung Quốc là bên nhập khẩu lớn nhất, mua khoảng 25% lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine.

Trong khi đó, Tổng thống Putin gọi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen là “trò chơi một chiều”, cáo buộc phương Tây "trục lợi" từ đó. Ông chỉ rõ, hơn 70% ngũ cốc Ukraine xuất khẩu nhờ thỏa thuận đã được chuyển tới những nước có thu nhập cao hoặc trên trung bình, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), không phải sang các nước nghèo nhất.

Ông Putin cung cấp thêm thông tin rằng, các nước nghèo như Sudan nhận chưa tới 3% số hàng đó.

Nhà lãnh đạo Nga chỉ rõ, từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023, "827 tàu đã rời Ukraine, trong đó chỉ có 3 triệu tấn ngũ cốc được gửi đến châu Phi và 1,3 triệu tấn đến các nước nghèo nhất ở châu Phi", trong khi "gần 45% được chuyển đến những quốc gia châu Âu giàu có".

Tổng thống Putin còn cho biết, biện pháp trừng phạt của phương Tây thậm chí ngăn cản Nga cung cấp phân bón miễn phí cho các nước nghèo: "Thông qua lệnh trừng phạt, phương Tây cản trở nguồn cung ngũ cốc và phân bón của Nga. Song họ còn đổ lỗi cho chúng tôi về tình trạng khủng hoảng hiện nay của thị trường lương thực thế giới".

Đáp lại những chỉ trích của phương Tây về quyết định rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, ông Putin khẳng định, Nga tôn trọng vai trò quan trọng của các bên đối với an ninh lương thực toàn cầu. Moscow chấm dứt thỏa thuận do phần thỏa thuận liên quan đến quyền lợi của Nga không được thực hiện. Cụ thể là, các cam kết về việc tạo điều kiện cho Moscow xuất khẩu ngũ cốc và phân bón đã bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt nhắm vào các công ty bảo hiểm và thanh toán.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết rõ, Moscow sẽ "ngay lập tức" quay trở lại Thỏa thuận khi các quyền lợi của họ được thực hiện.

Vừa mới đây, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và 6 nguyên thủ quốc gia khác, bao gồm Ai Cập và Senegal, tham gia đàm phán về kế hoạch hòa bình Ukraine cũng đã ra lời kêu gọi mở cửa cho xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga để khôi phục thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.

Ngày 3/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên tiếng rằng, "Washington sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo xuất khẩu lương thực từ Nga một cách tự do và an toàn nếu Moscow quay trở lại thỏa thuận về ngũ cốc với Ukraine. Mỹ muốn thấy lương thực sẽ có mặt trên thị trường thế giới và mọi người đều có thể hưởng lợi từ việc giá thành thấp”.

Tuy nhiên, Điện Kremlin ngày 4/8 thẳng thừng tuyên bố “Moscow không còn tin lời hứa của Washington".

Về phần mình, bằng hành động cụ thể, ngay sau khi rời khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, Tổng thống Nga đồng thời cam kết sẽ thay Ukraine đảm bảo nguồn cung lương thực cho các nước nghèo ở châu Phi.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi ở St. Petersburg (27-28/7), Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức công bố Moscow sẽ có vụ mùa bội thu trong năm nay và sẵn sàng thay thế nguồn cung ngũ cốc từ Ukraine cho châu Phi trên cả cơ sở thương mại và viện trợ miễn phí.

Sẵng sàng "bao thầu" lương thực cho châu Phi?

Ngày 27/7, Tổng thống Putin tuyên bố tặng 20-50 nghìn tấn ngũ cốc trong vài tháng tới cho châu Phi, bất chấp lệnh trừng phạt phương Tây.

"Chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somalia, Cộng hòa Trung Phi và Eritrea 25-50 nghìn tấn ngũ cốc miễn phí trong vòng 3-4 tháng tới", nhà lãnh đạo Nga tuyên bố. Ông còn cho biết thêm rằng, Moscow sẽ "vận chuyển miễn phí" số ngũ cốc này tới người tiêu dùng châu Phi.

Trở lại với tuyên bố của Tổng thống Putin rằng Nga có đầy đủ tiềm lực để "bao thầu" lương thực cho các nước nghèo ở châu Phi. Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev cho biết, nước này sẽ có một vụ thu hoạch ngũ cốc bội thu trong năm nay với khoảng 123 triệu tấn, trong đó có 78 triệu tấn lúa mì.

Vụ thu hoạch này tuy thấp hơn khoảng 1/5 so với kỷ lục đã đạt được năm ngoái do năng suất cao hơn và diện tích gieo trồng tăng, nhưng con số kỷ lục 157,7 triệu tấn ngũ cốc của năm 2022, bao gồm hơn 100 triệu tấn lúa mì, lại cao hơn gần 1/3 so với sản lượng mùa trước đó.

Đầu năm 2023, Bộ Nông nghiệp Nga đặt kế hoạch thu khoảng 120 triệu tấn. “Điều này sẽ cho phép chúng tôi đảm bảo đầy đủ an ninh lương thực quốc gia và tiếp tục cung cấp sản phẩm cho các đối tác nước ngoài với số lượng được yêu cầu”, ông Dmitry Patrushev cho biết.

Nga và Ukraine là hai trong số các nhà sản xuất nông nghiệp quan trọng của thế giới và là “những người chơi chính” trong thị trường lúa mì, lúa mạch, ngô, hạt cải dầu, dầu hạt cải, hạt hướng dương và dầu hướng dương. Nga thường là nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới và cũng chiếm ưu thế trên thị trường phân bón.

Chiến dịch quân sự của Moscow đã khiến việc xuất khẩu nông sản của Ukraine rơi vào tình trạng hỗn loạn. Nhưng tại Nga, nông dân đang hy vọng ăn nên làm ra với những vụ mùa thắng lớn, sản lượng kỷ lục để xuất khẩu. Tất nhiên, chiến dịch quân sự đặc biệt cũng khiến một số loại phân bón đắt hơn, nó cũng tác động đến việc cung cấp phụ tùng thay thế, đặc biệt là máy móc nhập khẩu.

Hồi cuối vụ bội thu năm ngoái, ông Viktor Goncharov, Phó Thống đốc thứ nhất của vùng Rostov - một trong những khu vực sản xuất và xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất nước Nga cho biết, nông dân ở đây không lo sợ các biện pháp cấm vận.

Ông nói: "Các biện pháp cấm vận của phương Tây chẳng có tác dụng gì. Nông dân hầu hết sử dụng máy kéo và máy gặt do Nga sản xuất, từ Nhà máy liên hợp Rostselmash. Đồng thời, chính quyền khu vực đã phân bổ 500 triệu Ruble để trợ cấp và mua thiết bị sản xuất".

Có vẻ như giữa bão táp trừng phạt, "người khổng lồ nông nghiệp" không hề hấn gì. Lệnh cấm vận đối với các mặt hàng nông sản của phương Tây và chính sách chủ động của Điện Kremlin đã tạo động lực cho ngành nông nghiệp Nga phát triển nhanh chóng.

Trong nhiều năm liên tiếp, Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất trên thế giới và hiện đang chiếm đến 20% thị trường toàn cầu. Ngũ cốc của nước này vẫn đang thâm nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, tới 138 quốc gia và được cho là có lợi thế hơn nhờ sự ra đi của các doanh nghiệp Phương Tây.

Bộ Nông nghiệp Nga công bố, mục tiêu xuất khẩu ngũ cốc trong năm nay là khoảng 60 triệu tấn. Trong bối cảnh mới, vị thế của Moscow đối với nguồn cung lương thực toàn cầu vẫn đang tiếp tục tăng lên.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật