“Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” – số phận con người trong cuộc chiến vô tri

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chiến tranh được tái hiện lại trên từng trang tiểu thuyết ’Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín’ của tác giả Nguyễn Một qua cách kể chuyện dữ dội, gai góc, nhưng đôi khi lớp vỏ ngôn ngữ lại tỏ ra điềm nhiên, bình thản, như thể tất cả sự dữ dội đó chỉ đơn giản là sự thật.
“Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” – số phận con người trong cuộc chiến vô tri
Bìa sách Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín.

Từng thành công với hai tiểu thuyết Đất trời vần vũNgược mặt trời, lần này, với tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín nhà văn Nguyễn Một tạm rời phong cách huyền ảo quen thuộc của hai tác phẩm trước, để đào sâu mảnh đất hiện thực bằng những chiêm nghiệm đời sống của chính mình.

Tại buổi ra mắt sách, nhà văn Nguyễn Một chia sẻ, sau nhiều năm cầm bút tôi nhận ra sự chân thật trong cuộc sống là rất cần thiết và có giá trị. Có lẽ càng những tác phẩm lớn càng cần đến sự đơn giản và chân thật. Cũng giống như trong tình yêu, mọi lời nói hoa mỹ đều thành thừa và không có trọng lượng bằng ba từ đơn giản. Đó cũng là lý do mà tôi sử dụng bút pháp chân thực trong cuốn tiểu thuyết mới nhất này.

Nhà văn Nguyễn Một chia sẻ về cuốn tiểu thuyết.

Nguyễn Một chọn cách kể giống như hồi kí. Nhà văn đặt tên nhân vật dựa theo nhiều nhân vật có thật, dễ gợi liên tưởng. Tác giả cũng đưa vào tiểu thuyết nhiều trích dẫn thơ, văn, âm nhạc của các tác giả có thật trong giai đoạn cuộc chiến đang ở thời kì cam go nhất (1970-1975), để người đọc có cảm giác, họ đang đi theo hồi ức, truyện kể của một nhân vật có thật.

Tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín là câu chuyện chân thực về cuộc tình của một chàng trai nông thôn trốn lính lên thành phố rồi đem lòng yêu một cô bé ở vùng ven phố thị. Câu chu‌yện tìn‌h của họ diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến đang giai đoạn rực lửa.

Sơn - nhân vật chính của tiểu thuyết - được đặt tên một cách có chủ ý. Cuộc đời Sơn có nhiều biến cố trùng lắp, gợi nhắc đến một nhân vật có thật. Sơn có tình yêu với một nữ sinh “đẹp như Đức Mẹ” tên Diễm. Mối tình của họ được miêu tả nhẹ nhàng, dịu dàng nhưng thấm đẫm cảm xúc như bản thánh ca trong những buổi lễ trong giáo đường nhà thờ.

Tình yêu của họ vừa chớm nở đã bị chiến tranh chia cắt, Sơn bỏ chạy khỏi nhà Diễm để lưu lạc trên hành trình trốn lính. Cuộc đời của Sơn, của Diễm, của những người bạn cùng trang lứa như Hoàng, như Trang... đều phải bước vào cơn lốc xoay vần của thời cuộc. Mỗi người có lựa chọn riêng, mỗi lựa chọn đều cuốn họ vào muôn trùng đau khổ của phiêu bạt, của giằng xé, của những đấu tranh lý tưởng khi cuộc chiến diễn ra khốc liệt.

Tuy nhiên, suy cho cùng đây không phải là một tiểu thuyết diễm tình, bởi xung quanh mối tình này còn chằng néo hàng loạt mối quan hệ với những nhân vật, những con người mang thân phận khác nhau. Và bao trùm lên số phận mỗi nhân vật là vận mệnh của đất nước khi đang bị chia cắt bởi cuộc chiến lịch sử. Sơn, nhân vật chính, luôn bị giằng xé bởi tình cảm, bởi lý trí, khi anh ta không đứng về bên nào cả trong cuộc chiến này.

Ngoài ra, các nhân vật chính còn là ba người tử trận, cùng là anh em ruột trong một gia đình. Hai người chết vì “tận nghĩa với quốc gia”, còn một người “hy sinh vì Tổ quốc”. Họ sống và chiến đấu cho các lý tưởng khác nhau. Nhưng họ chết thì giống nhau, đều bị bắn và đều phơi xác dưới mặt trời, ngay trên chính mảnh đất chôn rau cắt rốn của họ.

Và nhân vật ấy đã chứng kiến tất cả, đã dõi theo tất cả và bây giờ ngồi ghi chép lại cho Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín. Nên khi đọc tiểu thuyết giống như được xem lại những thước phim về một thời máu lửa, ở đó, thân phận con người bị chiến tranh làm cho chia cắt, làm cho vùi dập, làm cho tan nát, làm cho bi kịch.

Là người đã tiếp xúc với Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín từ lúc còn là bản thảo sơ khai, nhà báo Yên Ba bày tỏ: “Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này khá lạ. Là một nhân vật không ác, không thiện. Cuốn sách trải dài theo chiều lịch sử trong giai đoạn tang thương của đất nước. Ở đó, sự vô minh của con người trong thời chiến và số phận con người trở nên nhỏ bé trong cuộc chiến vô tri được nhấn mạnh bằng một thủ pháp hoàn toàn khác hai tiểu thuyết trước của Nguyễn Một”.

Bên cạnh đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cảm nhận đọc tác phẩm của Nguyễn Một cho thấy cuộc chiến tranh xé chúng ta ra, chia cắt chúng ta và vẫn còn nhiều đau đớn. Cuốn sách cho thấy hậu chiến, tiếng vọng đằng sau chiến tranh còn lại với chúng ta quá lâu dài.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cảm ơn nhà văn Nguyễn Một với cách nhìn khác, với cảm quan khác mà ở đó chúng ta không chỉ nhìn thấy bi thương mà còn cả những điều khác nữa.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ tại sự kiện ra mắt sách Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín.

Nhà văn Tạ Duy Anh cũng nhận định: “Đọc những đoạn văn như vậy chỉ thấy hãi hùng. Và nó sẽ khiến ta phải gào lên những câu hỏi không bao giờ có lời đáp. Nhưng chiến tranh là như thế. Nó biến tất cả thành vô lý, vô nghĩa. Ý nghĩa nhân văn lớn lao nhất mà ta nhận được sau khi khép lại cuốn sách là lời kết án: chiến tranh, mi đừng có sinh ra trên thế gian này! Tôi nghĩ đây là cuốn tiểu thuyết nên đọc bởi không chỉ là câu chu‌yện tìn‌h dang dở mà qua đó, Nguyễn Một đã kỳ công đưa lại cho chúng ta những nỗi đau của người dân trong cuộc chiến”.

Tại buổi ra mắt sách, nhiều đồng nghiệp văn chương cũng đã tỏ ra bất ngờ với ngòi bút Nguyễn Một với sự biến hóa linh hoạt cũng như “đa tài”. Nếu khi gặp nhà văn rất hài hước ngoài đời, hẳn nhiều người sẽ nghĩ văn chương của Nguyễn Một cũng sẽ có nhiều tiếng cười. Nhưng ngược lại, trong văn chương Nguyễn Một lại để lại rất nhiều khoảng trống để độc giả phải suy tư, ngẫm ngợi nhiều hơn.

Nhà văn Nguyễn Một (1964) còn có bút danh là Dạ Thảo Linh khi viết những cuốn sách dành cho thiếu nhi như Hoa dủ dẻ, Năm đứa trẻ xóm đồi, Long lanh giọt nắng, Múa trái chín… Ông là tác giả của gần 20 đầu sách đa dạng thể tài: truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, tản văn, tiểu thuyết.

Truyện ngắn Trước mặt là dòng sông từng được đạo diễn Khải Hưng chuyển thể thành phim truyền hình. Tiểu thuyết Đất trời vần vũ được giải C cuộc thi tiểu thuyết Hội nhà văn 2010, cũng được dịch và đưa vào thư viện Quốc hội Mỹ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật