Nhức nhối những bãi rác trong lòng Thủ đô

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hà Nội hiện có rất nhiều điểm tập kết rác ngay trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường và cũng là một trong những nguyên nhân phát sinh muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, tình trạng đổ rác bừa bãi, không đúng nơi quy định cũng khá phổ biến tại nhiều nơi, trong khi hành vi này đã có quy định xử phạt nhưng hầu như không có trường hợp nào bị phạt tiền.
Nhức nhối những bãi rác trong lòng Thủ đô
Nhiều năm sống chung “bãi rác” di động Theo phản ánh của người dân ở cụm 1, phường Bưởi, quận Tây Hồ, từ nhiều năm nay, đối diện ngõ 324 Thụy Khuê là bãi tập kết rác thải sinh hoạt tồn

Nhiều năm sống chung “bãi rác” di động

Theo phản ánh của người dân ở cụm 1, phường Bưởi, quận Tây Hồ, từ nhiều năm nay, đối diện ngõ 324 Thụy Khuê là bãi tập kết rác thải sinh hoạt tồn tại. Điểm tập kết rác này luôn bốc mùi hôi thối, nước bẩn tồn đọng, có khi kéo dài đến gần chục xe chở rác tập kết, gây ô nhiễm môi trường cho các hộ dân xung quanh.

xTổ dân phố kiến nghị nhiều lần di dời bãi rác này mà chưa được, đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục hộ dân. “Người dân kiến nghị di chuyển điểm tập kết rác này ra chỗ khác nhưng nghe nói chưa có đất trống nào khác nên nó vẫn tồn tại nhiều năm nay. Chúng tôi sống xung quanh lúc nào cũng phải ngửi mùi hôi thối, rất khổ sở, nhất là vào giờ ăn cơm”, một người dân cho biết.

Không những thế, khoảng 1 năm nay, tại khu vực Cống Đõ nằm giáp ranh giữa phường Bưởi và Thụy Khuê (Tây Hồ) cũng trở thành điểm tập kết rác thải gây bức xúc cho người dân và khách du lịch. Cống Đõ nằm trên đường Trích Sài, là một khoảng sân rộng trong quần thể vỉa hè, vườn hoa phía hồ Tây, là nơi khách du lịch, người dân đi bộ, tập thể dục qua lại nườm nượp.

Đặc biệt, nơi đây còn lắp các dụng cụ thể dục để người dân luyện tập. Thế nhưng, nó lại biến thành bãi tập kết rác khi cứ chiều đến rác thải được tập kết lên các xe rác nhỏ, nước thải, cá chết ở hồ Tây cũng tập kết ở đây bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Chiều tối 19/11, khi đến đây, tôi cũng như rất nhiều người không thể chịu được mùi hôi thối bốc ra từ các xe rác và nước thải đen ngòm đầy trên nền sân. Chị Nguyễn Thị Minh, phường Thụy Khuê cho biết: “Bao người đi qua đây phải lấy tay bịt mũi vì không thể chịu nổi mùi hôi thối nồng nặc. Một phong cảnh nên thơ và đẹp của hồ Tây, một điểm du lịch nổi tiếng của Thủ đô mà lại bị rác thải và mùi hôi thối làm mất hết. Rất nhiều khách nước ngoài đi qua đây họ phải ngán ngẩm, nhún vai, lắc đầu”.

Theo phản ánh của nhiều người dân phường Bưởi và Thụy Khuê, họ rất bức xúc khi từ ngày có “bãi rác” này khiến cho người dân không còn điểm tập thể dục ngoài trời. Máy móc, dụng cụ thể dục lắp đặt bị bỏ không vì bãi rác chiếm giữ, bốc mùi, không ai tập được. Hơn nữa, khi đêm đến, xe ôtô đến bốc rác đi nhưng không rửa sân, khiến cho nước thải đọng trên sân bốc mùi hôi thối suốt cả ngày. “Chúng tôi kiến nghị phải di dời điểm tập kết rác này đi ngay để bảo vệ cảnh quan môi trường du lịch, đảm bảo trật tự vệ sinh môi trường cho khu vực công cộng, vui chơi của người dân”, chị T.T.H, phường Bưởi, kiến nghị.

Vô tư đổ rác bừa bãi

Dọc đường Trích Sài, chúng tôi cũng ghi nhận một vài điểm tập kết rác nhỏ lẻ ở quanh các gốc cây do người dân, hàng quán “xả” ra, gây ảnh hưởng đến lối đi bộ của đường dạo ven hồ và gây mất vệ sinh môi trường. Tình trạng xả rác bừa bãi, đổ trộm rác lâu nay lại tái diễn, do ý thức của một bộ phận người dân và cũng do chính quyền địa phương không có lực lượng đi kiểm tra, phát hiện và xử lý hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Không riêng gì khu vực trên, tình trạng tiện đâu vứt rác ở đấy rất phổ biến, dọc các tuyến phố nhỏ như phố Hoàng Như Tiếp (phường Bồ Đề, quận Long Biên), cứ 200-300m lại xuất hiện một đống rác nhỏ ven đường. Từ xỉ than, gốc rau đến thùng xốp vỡ nát, chăn màn cũ… thứ gì vứt được ra đường cũng bị một số người ý thức kém “ném” ra. Nhiều người dân bức xúc muốn xử phạt những người vứt rác bừa bãi, nhưng nhiều năm nay, hầu như chẳng có ai đi phạt và cũng chẳng ai bị phạt vì hành vi đổ rác bừa bãi nơi công cộng.

Cách đây hơn một năm, ngày 24/5/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo Nghị định này, hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Thậm chí, quy định cũng nêu rõ, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố. Chế tài đã có, nhưng ai là người đi xử phạt những hành vi này thì chưa có câu trả lời.

Ở nhiều nơi, bức xúc trước vấn nạn vứt rác bừa bãi, người dân ghi lên tường chỗ hay bị đổ rác những dòng chữ to: “Đổ rác ở đây phạt 250.000 đồng” như ở ngõ 266, phố Nguyễn Văn Cừ (Long Biên). Và đa số, mỗi khu dân cư, tổ trưởng tổ dân phố là người thường xuyên đi nhắc nhở người dân không vứt rác bừa bãi. Thời điểm này, dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội đang vào đỉnh điểm, chỉ tính từ đầu năm đến nay, đã có 13.437 ca mắc sốt xuất huyết (số mắc tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021 thì những bãi tập kết rác giữa khu dân cư và những đống rác tự phát ven đường chính là nguy cơ khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn vì đó là nơi trú ngụ ưa thích của muỗi và bọ gậy.

Rõ ràng, vấn nạn ô nhiễm môi trường từ rác thải đã trở thành vấn đề “nóng” trên địa bàn Hà Nội từ nhiều năm, nhưng để giải quyết triệt để lại chưa có biện pháp hữu hiệu. Thiết nghĩ, các phường, xã cần tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý hành vi đổ rác bừa bãi, để người dân dần hình thành ý thức, thói quen văn minh đổ rác đúng nơi quy định.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật