Dạy môn tích hợp: Thầy hết tự tin “biết 10 dạy 1”, gặp câu hỏi khó còn phải tra Google!

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong quá trình thực hiện giảng dạy theo Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, nhiều thách thức, khó khăn đã xảy ra ở các trường, nhất là việc đáp ứng yêu cầu của những môn học mới.
Dạy môn tích hợp: Thầy hết tự tin “biết 10 dạy 1”, gặp câu hỏi khó còn phải tra Google!
Ảnh minh họa

Đây là năm thứ ba Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 (GDPT 2018) triển khai với nhiều thách thức đến từ sự thiếu hụt nguồn nhân lực giáo viên ở nhiều môn học mới, khó khăn trong khâu chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp đáp ứng yêu cầu đổi mới hướng đến nền giáo dục thực học, thực nghiệp.

Năm học 2022-2023, chương trình GDPT 2018 được triển khai đến khối lớp 7 ở bậc THCS. Tuy nhiên, việc giảng dạy bộ môn tích hợp ở các trường đang gặp rất nhiều khó khăn.

Hai môn học tích hợp đang khiến giáo viên than thở nhiều nhất là môn Khoa học Tự nhiên (gồm ba môn Lý, Hóa, Sinh) và môn Lịch sử và Địa lý. Gọi là môn học tích hợp nhưng kiến thức các phân môn lại tách bạch khá rõ trong cùng một quyển sách.

Là giáo viên môn Hóa học, sau 2 năm hoàn thành chương trình bồi dưỡng thêm môn Sinh học, Vật lý, năm học này cô giáo N.T.K (giáo viên một trườn THCS trên địa bàn Hà Nội) được phân công dạy môn Khoa học Tự nhiên trong chương trình mới.

Để có thể tự tin đứng lớp và dạy học tích hợp theo yêu cầu của chương trình, cô K. tự mua thêm sách, tự học và sẵn sàng trao đổi phần kiến thức chưa nắm rõ. Vậy nhưng, giáo viên này chia sẻ rằng, bản thân là giáo viên được đào tạo chuyên về Hóa học nên khi học sinh hỏi về Hóa học thì không sao, còn khi học sinh hỏi sâu về Sinh học và Vật lý thì cô không tự tin.

“Sợ nhất là dạy sai kiến thức và trả lời cho học sinh sai đáp án. Thực tế là môn Khoa học Tự nhiên đòi hỏi giáo viên phải tổ chức thực hành rất nhiều để các em khám phá kiến thức, do vậy càng là thách thức với giáo viên một lúc phụ trách đa môn.

Trong khi đó, càng lên các lớp cao hơn càng đòi hỏi kiến thức ở mức chuyên sâu hơn, sẽ cực kỳ khó khăn cho giáo viên, thậm chí tôi còn lo không kham nổi", cô K. nói.

Chia sẻ về việc giảng dạy bộ môn tích hợp trong chương trình mới, nhiều giáo viên cho biết mặc dù cũng tự học, tự trau dồi kiến thức nhưng cũng có lúc giáo viên rất thiếu tự tin. Thậm chí trước những câu hỏi của học sinh, có lúc giáo viên phải tra Google để trả lời cho các em.

Là giáo viên dạy môn tích hợp Khoa học Tự nhiên, cô giáo Nguyễn Thị Hoàng - Tổ trưởng Tổ Tự nhiên, Trường THCS Phúc Xá (Hà Nội) cho biết, cùng với việc tham gia các lớp bồi dưỡng tập huấn do cơ quan quản lý tổ chức, tổ bộ môn cũng chủ động lên phương án tự bồi dưỡng.

Đây là năm thứ hai triển khai Chương trình GDPT 2108, đến nay, về cơ bản giáo viên của tổ có thể đảm nhận tốt bộ môn Khoa học Tự nhiên. Tuy nhiên, các giáo viên của trường cũng bày tỏ mong muốn được tham gia thêm các lớp bồi dưỡng chuyên sâu.

Các giáo viên có thâm niên hoàn toàn không phủ nhận những ưu điểm của việc dạy học tích hợp nhưng vấn đề ở đây là cần lộ trình, thời gian cụ thể, vì dạy một môn đã khó, đằng này dạy tích hợp 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học.

Dạy học tích hợp là dạy theo từng chủ đề, đòi hỏi ở giáo viên rất sâu ở trình độ chuyên môn, kiến thức chuẩn xác thì mới có thể truyền đạt bài giảng cho học sinh. Nói là vậy nhưng khi áp dụng thực tế là vô cùng khó, bởi trước đây giáo viên chỉ được đào tạo ở một lĩnh vực cụ thể. Vậy nên câu chuyện giáo án sẽ soạn ra sao, cho điểm đánh giá học sinh sẽ như thế nào và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn ra sao... hiện là vấn đề khá nan giải.

Người thầy đứng lớp phải tạo dựng được vị thế của một nhà giáo “biết 10 dạy 1”, tường tận và thông hiểu nhiều điều về lĩnh vực kiến thức, năng lực để truyền dạy cho trò. Thế mà giờ đây khi dạy tích hợp lại tồn tại tình trạng người thầy “biết 2 dạy 1”, “biết 3 dạy 1” và bất an khi học trò có câu hỏi khó!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật