Bầu cử Italy: Mỹ mong chờ hợp tác, Nga tỏ thiện ý, nỗi lo của Đức và phản ứng của các lãnh đạo châu Âu

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau khi các kết quả sơ bộ cho thấy liên minh trung hữu ở Italy đã giành được chiến thắng quyết định trong cuộc bầu cử hồi cuối tuần qua, Mỹ, Nga và lãnh đạo một số nước châu Âu đã đưa ra các phản ứng đầu tiên.
Bầu cử Italy: Mỹ mong chờ hợp tác, Nga tỏ thiện ý, nỗi lo của Đức và phản ứng của các lãnh đạo châu Âu
Từ trái sang phải: Các lãnh đạo đảng Liên đoàn Matteo Salvini, đảng FI Silvio Berlusconi và đảng Fdl Giorgia Meloni thuộc Liên minh trung hữu Italy. (Nguồn: Sky News)

Liên minh trung hữu bao gồm đảng Anh em Italy (FdI) của bà Giorgia Meloni, đảng Liên đoàn của ông Matteo Salvini và đảng Tiến lên Italy (FI) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đã giành được chiến thắng quyết định, khiến Italy sẽ có một chính phủ thiên hữu nhất kể từ sau Thế chiến II.

Ngày 26/9, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, Mỹ sẽ làm việc với chính phủ mới ở Italy về một loạt thách thức toàn cầu.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken viết trên Twitter rằng, nước này mong chờ được làm việc với chính phủ mới của Italy "về các mục tiêu chung của chúng ta như ủng hộ một nước Ukraine tự do và độc lập, tôn trọng nhân quyền và xây dựng một tương lai kinh tế bền vững”.

Cùng ngày, Điện Kremlin tuyên bố, Nga sẵn sàng phát triển quan hệ "mang tính xây dựng" với Italy sau chiến thắng của nhà lãnh đạo Giorgia Meloni trong cuộc tổng tuyển cử ở quốc gia Nam Âu.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: "Chúng tôi sẵn sàng chào đón bất kỳ thế lực chính trị nào có khả năng vượt ra khỏi xu hướng chủ đạo đã được thiết lập, vốn chứa đầy thù địch đối với đất nước chúng tôi... và thể hiện thiện chí mang tính xây dựng trong quan hệ với đất nước chúng tôi".

Về phía các lãnh đạo châu Âu, cũng trong ngày 26/9, Thủ tướng Anh Liz Truss chúc mừng bà Meloni trên Twitter: "Xin chúc mừng Georgia Meloni về thành công của FdI trong cuộc bầu cử tại Italy. Từ việc hỗ trợ Ukraine đến giải quyết các thách thức kinh tế toàn cầu, Anh và Italy là đồng minh thân thiết".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị hai nước tiếp tục hợp tác, đồng thời nhấn mạnh: "Người dân Italy đã đưa ra lựa chọn dân chủ và có chủ quyền. Chúng tôi tôn trọng điều đó”.

Về phía Đức, chính giới nước này tỏ ra lo ngại về chiến thắng của liên minh trung hữu, với việc bà Meloni có khả năng trở thành nhà lãnh đạo cực hữu đầu tiên của Italy kể từ Thế chiến II.

Ông Wolfgang Buechner, người phát ngôn của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, đánh giá: "Italy là một quốc gia rất thân thiện với châu Âu, nơi sinh sống của những công dân rất thân thiện với châu Âu và chúng tôi không mong đợi điều này sẽ thay đổi" sau khi một chính phủ cánh hữu lên nắm quyền.

Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Katharina Barley - cũng là thành viên đảng Dân chủ xã hội trung tả (SPD) của Thủ tướng Scholz - lo ngại rằng, bà Meloni sẽ liên kết với Hungary và Ba Lan. Hai nước này đang xung đột với Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề pháp quyền, với việc Budapest muốn giảm các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga, vốn được áp đặt do chiến dịch ở Ukraine.

Tỏ ra không yên tâm về lập trường của bà Meloni, bà Barley nói: “EU chỉ có thể hoạt động nếu các thành viên cùng nỗ lực để đưa ra các giải pháp chung phù hợp với tất cả mọi người. Điều đó có nghĩa là thỏa hiệp. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, chính phủ này không tham gia vào các thỏa hiệp nào cả”.

Các thành viên của hai đối tác liên minh với SPD cũng bày tỏ lo ngại về khả năng bà Meloni lên nắm quyền.

Ông Alexander Graf Lambsdorff, thuộc đảng Dân chủ tự do (FDP) của Đức, đưa ra quan điểm rằng, các quá trình ra quyết định ở cấp độ EU liên quan những vấn đề như di cư, cải cách tài chính và thị trường nội địa có thể khó khăn hơn.

Trong khi đó, ông Omid Nouripour, đồng lãnh đạo của đảng Xanh bảo vệ môi trường mô tả, kết quả bầu cử là đáng lo ngại. Theo ông, ai cũng biết rõ rằng có mối quan hệ chặt chẽ trong liên minh cánh hữu với Điện Kremlin.

Trước đây, các nhà lãnh đạo của 2 đảng còn lại trong liên minh trung hữu vừa tuyên bố thắng cử tại Italy là các ông Matteo Salvini và Silvio Berlusconi, cùng từng tìm kiếm mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Liên đoàn của ông Salvini đã kêu gọi làm suy yếu các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, trong khi ông Berlusconi từ lâu đã là bạn với nhà lãnh đạo Nga.

Các kết quả sơ bộ mới nhất cho thấy, liên minh trung hữu có thể giành được 43% số phiếu, có được đa số ghế tại cả Hạ viện và Thượng viện, nhưng không đủ đa số 2/3 để có thể sửa đổi Hiến pháp.

Đài Phát thanh và Truyền hình nhà nước RAI của Italy cho biết, liên minh trung hữu có khả năng giành được 227-257 trong số 400 ghế tại Hạ viện và 111-131 trong 200 ghế Thượng viện.

Sau khi có kết quả bầu cử chính thức, các nhà lập pháp sẽ bỏ phiếu bầu Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện khi Quốc hội mới họp lần đầu tiên vào ngày 13/10. Sau đó, các nhà lãnh đạo đảng sẽ bắt đầu tham vấn Tổng thống Sergio Mattarella về việc đề cử thủ tướng.

Nguyên thủ quốc gia sau đó sẽ giao cho thủ tướng việc lên danh sách các bộ trưởng, sẽ phải được Tổng thống xác nhận và sau đó được Quốc hội thông qua bằng một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.

Chờ đón chính phủ mới là những khó khăn nghiêm trọng ở phía trước, với một loạt cuộc khủng hoảng chồng chéo khi tình trạng thiếu hụt năng lượng do xung đột Nga-Ukraine gây ra tình trạng lạm phát cao và làm suy yếu tăng trưởng.

Cử tri Italy đã bỏ phiếu cho liên minh trung hữu với mong muốn có một sự thay đổi chính trị. Người dân Italy, EU và cộng đồng quốc tế đang theo dõi sát sao việc liên minh trung hữu có thể tạo được sự khác biệt và thực hiện được cam kết duy trì một chính phủ ổn định và hiệu quả trong 5 năm hay không.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật