Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: “Tôi muốn đưa tới công chúng một cách nhìn mới về thi sĩ Xuân Quỳnh”

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Tôi muốn đưa tới công chúng một cách nhìn mới về thi sĩ Xuân Quỳnh thông qua đêm thơ - nhạc - kịch “Hoa cúc xanh“ dù đương nhiên không phủ nhận cách nhìn cũ“, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ với Báo .
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: “Tôi muốn đưa tới công chúng một cách nhìn mới về thi sĩ Xuân Quỳnh”
Đạp diễn Nguyễn Hoàng Điệp. (Ảnh: FBNV)

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của nhà thơ Xuân Quỳnh, gia đình nữ thi sĩ và Lưu Quang Vũ kết hợp với Báo Nông thôn Ngày nay/Báo cùng ê-kíp "Se sẽ chứ" sẽ tổ chức đêm thơ – nhạc – kịch mang tên "Hoa cúc xanh" diễn ra vào lúc 20h ngày 5 và 6/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình quy tụ của một ê-kíp sáng tạo hùng hậu với tổng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp; Nhạc sĩ Quốc Trung – Giám đốc Âm nhạc; NSƯT Trần Lực – Đạo diễn Sân khấu; Họa sĩ Hà Nguyên Long – Thiết kế sân khấu…

PV Báo đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - người "cầm trịch" chương trình nghệ thuật này:

Thưa chị, đâu là điều khó nhất khi chị bắt tay vào việc dàn dựng đêm thơ - nhạc - kịch "Hoa cúc xanh"?

- Cái khó nhất là tôi làm việc với những người vô cùng chuyện nghiệp. Họ nổi tiếng không phải bởi vì họ chuyên nghiệp mà bởi tài năng mà những giá trị mà họ tạo ra. Cũng bởi thế, họ có những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng nghệ thuật. Bản thân tôi đang bước chân vào một lĩnh vực cũng rất mới, bởi trước đó tôi làm điện ảnh. Để xây dựng kịch bản chương trình, kịch bản thơ, kịch bản âm nhạc, chúng tôi đều mất nhiều thời gian để cân nhắc và bàn bạc. Những ngày vừa qua, sự đòi hỏi của các anh chị trong đội ngũ sản xuất âm nhạc khiến tôi lao động mãi vẫn không thấy đủ.

Cái khó nữa là yêu cầu rất cao từ nhà sản xuất (nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập báo Nông thôn ngày nay/ Báo ). Chúng tôi đã có nhiều cuộc tranh luận nhằm đưa ra những ý kiến, quan điểm và tôi tin chính những đòi hỏi khắt khe của anh giúp tăng giá trị nghệ thuật của chương trình.

Trong đêm thơ - nhạc - kịch "Hoa cúc xanh", vở kịch "Ai sẽ lấp cái đầm lầy mãi mãi" của chị sẽ được biểu diễn bởi Lucteam (nhóm kịch của đạo diễn Trần Lực). Được biết, đây là một vở kịch rất "khó" cả trong lời thoại và cách triển khai ý tưởng?

- (Cười) Vở kịch "Ai sẽ lấp cái đầm lầy mãi mãi" được tôi viết ra vào năm 2011. Sau đó, tôi đã gửi cho nhiều nghệ sĩ, đạo diễn nổi tiếng mà tôi vô cùng quý trọng, họ cũng rất yêu quý tôi. Nhưng mọi người đều nói: "Điệp ạ, nó quá khó để dàn dựng". Khi ấy, tôi không biết làm sao nên đành cất lại nó vào ngăn kéo.

Sau đó, may mắn thay, lời mời của nhà báo Lưu Quang Định, gia đình nhà thơ Xuân Quỳnh và Báo điện tử Báo đã động viên tôi mở ngăn kéo tủ, kéo kịch bản ra và gửi nó đến cho anh Trần Lực.

Thực sự, tôi đã manh nha ý nghĩ rằng, chắc anh Lực sẽ lại nói khó lắm, không được đâu, nhưng cuối cùng anh chỉ nhắn tin cho tôi vỏn vẹn một câu: "Ừ, làm được".

Thế rồi, chúng tôi đã có buổi nói chuyện rất dài về ngôn ngữ ước lệ mà Lucteam theo đuổi. Tôi nhận ra rằng, đây chính là nơi vô cùng thích hợp để vở kịch "Ai đã lấp đầm lầy mãi mãi" được thành hình.

Hiện tại, các diễn viên Lucteam đang tập luyện và khớp vở. Tôi đã đồng hành cùng họ đến buổi thứ 4 và càng ngày, tôi càng hạnh phúc vì nó khác với những gì mà tôi tưởng tượng. Không phải nội dung của vở kịch thay đổi mà "Ai đã đánh mất cái đầm lầy mãi mãi" giờ đây mang một hình hài đặc biệt. Tôi không thể nghĩ nó lại sinh động, sáng tạo đến như vậy. Tôi quá là thích cách dàn dựng mà Trần Lực và Lucteam đang làm.

Các diễn viên trong Lucteam của đạo diễn Trần Lực đang tích cực luyện tập cho vở kịch "Ai đã lấp cái đầm lầy mãi mãi". (Ảnh: Viết Niệm).

Trong chương trình nghệ thuật "Hoa cúc xanh", một loạt ca khúc mới cũng sẽ được sáng tác bởi những nhạc sĩ quen thuộc như Nguyễn Vĩnh Tiến, Giáng Son thông qua sự thể hiện của diva Hồng Nhung và hai ca sĩ trẻ đang được công chúng yêu mến: Bùi Lan Hương, Vũ. Chị có thể tiết lộ về những tác phẩm này?

- Anh Nguyễn Vĩnh Tiến là người rất mê các loại hoa. Anh đã có nhiều sáng tác về hoa mà tôi vô cùng thích thú. Cũng bởi vậy, ngay khi bắt tay làm chương trình, tôi đã liên hệ ngay với anh Tiến và nói: "Anh ơi! Anh hãy viết cho em một ca khúc về "Hoa quỳnh". Anh ấy nhận lời ngay.

Sau khi viết xong "Hoa quỳnh", anh Tiến đọc kịch bản vở kịch "Ai sẽ đánh mất cái đầm lầy mãi mãi" và nói với tôi: "Anh nghĩ anh có thể viết một ca khúc cho vở kịch này". Và thế là tác phẩm "Hoa cúc xanh" của anh ra đời. Ngoài anh Nguyễn Vĩnh Tiến, chị Giáng Son cũng đang thai nghén một ca khúc về tình yêu mà tôi cũng đang rất hồi hộp chờ đợi bản chính thức.

Có thể nói, trong chương trình "Hoa cúc xanh" sẽ có khá nhiều yếu tố được làm mới từ đầu, với hơi thở đương đại. Tôi tin điều đó sẽ tạo nên dấu ấn đặc biệt đối với khán giả.

Chị từng chia sẻ, chị muốn thông qua chương trình nghệ thuật "Hoa cúc xanh" để đem tới công chúng một hình tượng thi sĩ Xuân Quỳnh rất khác. Cụ thể, sự khác biệt đó là gì?

- Trên diễn ngôn chính thống, chúng ta hay coi chị Xuân Quỳnh như điểm tựa dịu dàng, an yên phía sau của một người chồng. Độc giả cảm nhận điều đó thông qua các bài thơ tình của chị, một phần do văn bản, một phần bởi lăng kính của khuôn mẫu giới, định kiến giới trong giai đoạn đó.

Tôi thì nghĩ khác. Xuân Quỳnh từng viết: "Dữ đội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ". Người ta hay nhấn mạnh tới sự dịu êm nhưng đừng quên bên cạnh đó còn có những dữ đội cồn cào. Tôi muốn công chúng nhìn chị Xuân Quỳnh như một cá thể độc lập, cá tính, mặc dù không hề phủ nhận cách nhìn cũ.

Hãy chia sẻ những kỳ vọng của chị về chương trình nghệ thuật sắp tới?

- Sau 6 mùa làm "Se sẽ chứ", tôi hạnh phúc khi các tác phẩm của thi sĩ Xuân Quỳnh có thể đứng trên sân khấu Nhà hát Lớn - thánh đường vừa rộng lớn, vừa đáng ao ước với nhiều người. Tôi vẫn nghe mọi người nói, khán giả Hà Nội không có ý định nghe thi ca đâu, rằng thi ca thì đừng mong bán vé. Thế nhưng, chúng tôi đã quyết định bán vé chương trình nghệ thuật này. Và thật vui khi công chúng đang đón nhận một cách vô cùng tích cực.

Tôi kỳ vọng công chúng sẽ tới vì thơ của Xuân Quỳnh, vì tình yêu với thi ca, nghệ thuật, qua đó có niềm tin vào chính kiến, tính biến hóa của thi ca trong các loại hình nghệ thuật khác. Bạn sẽ thấy thi ca trong vở kịch, trong phần âm nhạc của anh Quốc Trung, Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến… Bạn sẽ thấy thi ca trong bầu không khí mà nhạc sĩ Lưu Quang Minh, nhạc sĩ Thành Chu xây dựng. Cũng không thể không kể tới tiết mục thơ do các em học sinh lớp 6A6 trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) thể hiện. Tôi tin, "Hoa cúc xanh" sẽ là một nguồn cảm xúc đặc biệt cho khán giả trong mùa thu này.

Cảm ơn những chia sẻ của chị!

 

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật