Ngọn lửa kháng chiến chống Taliban lụi dần

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một năm sau khi Kabul thất thủ, nhiều chỉ huy phe đối lập ở thung lũng Panjshir vẫn lưu vong tại nước ngoài, trong khi cuộc kháng chiến chống Taliban trong nước ngày càng yếu ớt.
Ngọn lửa kháng chiến chống Taliban lụi dần
Ahmad Massoud (trung tâm) cùng lực lượng dân quân tại thung lũng Panjshir, tháng 10/2020. Ảnh: WSJ.

Khi Afghanistan thu hút sự chú ý của thế giới ngay sau khi Taliban tiếp quản nhanh chóng vào ngày 15/8/2021, nhiều ánh mặt đổ dồn vào thung lũng Panjshir, nơi được xem là thành trì vững chãi nhất chống lại Taliban.

Cố chỉ huy Ahmad Shah Massoud đã cầm chân Taliban khỏi thung lũng trong những năm 1990, nhưng nhóm này đã không thể bảo vệ toàn bộ Panjshir trước sức công phá của đối thủ vào năm ngoái. Con trai của ông Ahmad Shah Massoud là Ahmad Massoud đã thề sẽ chiến đấu chống lại Taliban để đẩy họ khỏi Panjshir một lần nữa.

Nhưng đến tháng 9, Massoud đã trốn sang nước láng giềng Tajikistan cùng với các chỉ huy kháng chiến khác, để lại lực lượng chống chọi yếu ớt tại thung lũng, một chiến thuật mà các chuyên gia nhận định là sai lầm, theo AFP.

Panjshir đã khác

Kế hoạch rõ ràng của Massoud là phát triển ở Tajikistan để tạo nền tảng đối đầu với Taliban ở trong nước. Vào thời điểm đó, các nhà phân tích đã nhận định rằng đó là một "triển vọng không khả thi".

Kể từ đó, một số ít nhà báo có quyền tiếp cận Panjshir đã đưa tin về các cuộc tấn công kháng cự thường xuyên nhắm vào Taliban.

Các nhà báo của Washington Post đến thăm Panjshir vào tháng 6 đã viết: “Người dân nói rằng các cuộc tấn công nhắm vào Taliban là điều thường xuyên xảy ra và hàng chục dân thường dân đã chết, với một số người dân bị giam giữ trong các vụ bắt bớ”.

Tình huống này hoàn toàn trái ngược với tình trạng ở Panjshir dưới thời Ahmad Shah Massoud - khi thung lũng này là thành trì duy nhất chống chọi được Taliban trong lần đầu tiên họ cai trị Afghanistan từ năm 1996 đến 2001.

Omar Sadr, trước đây là trợ lý giáo sư chính trị tại Đại học Mỹ Afghanistan, hiện là học giả nghiên cứu cấp cao tại Đại học Pittsburgh, cho biết: “Panjshir đã bị chiếm đóng. Ít nhất Ahmad Shah Massoud có thể duy trì một thành trì để chống lại Taliban. Bây giờ quân kháng chiến ở trên các ngọn núi, họ không kiểm soát các ngôi làng hoặc cung đường. Điều đó làm cho nhiệm vụ của họ trở nên khó khăn hơn nhiều trong việc duy trì các chuỗi cung ứng cần thiết để chiến đấu".

Nhìn tổng thể Afghanistan, phe đối lập “rất yếu”, Vanda Felbab-Brown, thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh, Chiến lược và Công nghệ của viện Brookings, đánh giá. "Trên thực tế, họ đã trở nên yếu ớt hơn nhiều nhà phân tích dự đoán”

“Phe đối lập đã phải vật lộn để huy động sự ủng hộ của các cộng đồng trong khu vực cũng như tiến hành các hoạt động quan trọng. Có khá nhiều kỳ vọng rằng mùa xuân này họ có thể mở các cuộc tấn công, nhưng Taliban đã truy quét được họ một cách hiệu quả", bà Felbab-Brown cho biết thêm.

Vị trí thung lũng Panjshir. Ảnh: AFP.

Trong bối cảnh vốn đã khó khăn này, ông Sadr cho rằng việc Ahmad Massoud và các chỉ huy quân kháng chiến khác đặt căn cứ ở bên ngoài biên giới Afghanistan là một sai lầm chiến lược.

“Nhóm lãnh đạo cấp cao ở Tajikistan trong khi các chiến binh tập trung ở Panjshir. Ahmad Massoud là một nhà lãnh đạo chính trị, không phải là một nhà lãnh đạo quân sự. Sẽ tốt hơn nhiều nếu ông và các nhân vật cấp cao khác có thể tham gia cùng quân của họ ở thực địa. Điều này sẽ giúp nâng cao tinh thần của chiến binh", ông gợi ý.

Không có "Taliban 2.0"

Khi Taliban chiếm Kabul vào năm ngoái, họ đã cố gắng thể hiện sự thay đổi theo hướng ôn hòa hơn so với cách cai trị cách tàn bạo cách đây hai thập kỷ. Họ nói về một “Taliban 2.0”.

Nhưng những hành động của họ trong suốt thời gian sau đó đã cho thấy “Taliban 2.0” chỉ là một công cụ tuyên truyền.

Ông Sadr tin rằng điều này chỉ làm gia tăng sự phẫn nộ bên trong Afghanistan, đồng thời đẩy tư tưởng chống Taliban ra rộng hơn khỏi biên giới thung lũng Panjshir.

“Có thể thấy Taliban 2.0 không có thật. Hãy nhìn vào cách họ phân biệt đối xử về cả chính trị lẫn kinh tế đối với những người không phải là người Pashtun, họ cấm giáo dục trẻ em gái, họ giết người phi pháp”, ông Sadr nói.

Chiến binh Taliban đang kiểm tra các phương tiện tại một trạm kiểm soát ở huyện Bazarak, tỉnh Panjshir, ngày 8/7. Ảnh: AFP.

Sadr cho rằng Taliban đã lợi dụng tâm lý muốn sớm chấm dứt xung đột của người dân để có được một dàn xếp chính trị và thuyết phục cộng đồng chấp nhận.

“Nhưng Taliban chưa bao giờ tin vào dàn xếp hòa bình. Họ chỉ trở nên cực đoan và đàn áp hơn. Vì vậy, mọi người cảm thấy bị lừa dối”, vị chuyên gia nói thêm.

Mệt mỏi vì chiến tranh

Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa việc có ác cảm với Taliban với hành động chống lại chế độ này.

Một cuộc nổi dậy chống lại Taliban sẽ tái dựng một chuỗi xung đột vũ trang kéo dài mà nước này đã trải qua suốt 4 thập kỷ từ những năm 1980, khiến hàng triệu người chết.

“Dù họ đang phải chịu đựng sự đàn áp ngày càng gia tăng của Taliban và tình trạng kinh tế tồi tệ, người dân Afghanistan đã quá mệt mỏi với chiến tranh. Cực kì mệt”, bà Felbab-Brown nói.

Các tỉnh phía đông bắc của Afghanistan từng là xương sống của quân đội của nước này trong thời kỳ cộng hòa do phương tây hậu thuẫn từ năm 2004 đến năm 2021, khi Mỹ dẫn đầu một liên minh chống lại Taliban và giành lại chính quyền từ tay nhóm này vào cuối thập niên 1990.

Chiến binh Taliban canh gác tại một tiền đồn ở làng Tawakh, huyện Anaba, tỉnh Panjshir, ngày 8/7. Ảnh: AFP.

Nhưng các cuộc giao tranh kéo dài và khốc liệt đã bào mòn tinh thần chiến đấu chống lại Taliban, đặc biệt là sau khi Mỹ rút quân vào năm ngoái.

“Hãy nhìn vào tỉnh Baghlan, tỉnh Badakhshan, họ đã đóng góp số lượng binh lính nhiều nhất cho quân đội của chế độ cũ và họ đã phải chịu đựng thương vong lớn nhất. Ngày nào cũng có xác chết được đưa về”, ông Sadr nói.

“Đã hơn 40 năm chiến tranh. Đây có thể là thế hệ thứ ba liên tục hy sinh. Vì vậy, có rất nhiều người đang nhủ rằng: ‘Không phân biệt loại chính phủ, có lẽ chúng ta nên chấp nhận’”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật