Mẫu chiến đấu cơ châu Á được 7 quốc gia ưa thích nhưng không ai chọn mua: Vì đâu nên nỗi?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Được đánh giá cao hơn tiêm kích JF-17 do Trung Quốc sản xuất nhưng mẫu máy bay này đến nay vẫn chưa giành được hợp đồng xuất khẩu nào.
Mẫu chiến đấu cơ châu Á được 7 quốc gia ưa thích nhưng không ai chọn mua: Vì đâu nên nỗi?
tiêm kích Tejas của Không quân Ấn Độ bay trình diễn tại Triển lãm hàng không Singapore ngày 15/2/2022.

Trong báo cáo đệ trình lên quốc hội ngày 5/8, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết hiện có ít nhất 7 quốc gia bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ đến mẫu máy bay chiến đấu hạng nhẹ (LAC) Tejas do Ấn Độ tự chế tạo trong nước.

Trong văn bản hồi đáp loạt câu hỏi đến từ các thành viên quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Ajay Bhatt thông báo, doanh nghiệp chế tạo máy bay HAL (Hindustan Aeronautics Limited) đã phản hồi Đề nghị mời thầu do Không quân Hoàng gia Malaysia đưa ra.

Ngoài ra, Tejas cũng dành được sự chú ý của nhiều quốc gia khác, gồm Argentina, Australia, Ai Cập, Mỹ, Indonesia và Philippines.

Truyền thông Ấn Độ vui mừng quá sớm

Theo tờ EurAsian Times, nhiều kênh truyền thông Ấn Độ đã tỏ ra vui mừng quá đỗi và quá sớm trước thông báo của ông Bhatt, họ nhấn mạnh tới ý "Ngay cả Mỹ và Australia cũng đang quan tâm tới mẫu máy bay nội địa của Ấn Độ". Tuy nhiên, thực tế là cho tới nay, Tejas vẫn chưa dành được hợp đồng xuất khẩu nào.

Chưa kể, các báo cáo gần đây cho thấy Mỹ và Australia chưa hoàn toàn chấp nhận mẫu Tejas. Tháng trước, tờ New Indian Express đưa tin, các quan chức quốc phòng hàng đầu của Australia đã thông báo với Ấn Độ qua các kênh không chính thức rằng Canberra có thể không chấp nhận thỏa thuận hợp đồng quốc phòng liên chính phủ về việc cung cấp phiên bản huấn luyện hai chỗ ngồi của Tejas.

Vào tháng 9/2021, HAL đã phản hồi yêu cầu cung cấp thông tin của Không quân Hoàng gia Australia về việc cung cấp các máy bay huấn luyện tương lai. Canberra muốn thay thế phi đoàn 33 chiếc Hawk MK-127 do hãng BAE Systems chế tạo.

Trong cuộc đấu thầu này, Tejas phải cạnh tranh với mẫu máy bay huấn luyện T-7A Red Hawk do Being hợp tác với Saab (Thụy Điển) chế tạo, mẫu M-346 của Leonardo, và mẫu T-50 do KAI (Công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc) đồng phát triển với Lockheed Martin. Trong khi đó, hãng BAE Systems đề xuất phương án nâng cấp các máy bay Hawk.

Cho tới tháng 2 năm nay, BAE Systems đã giành được hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD để nâng cấp phi đoàn Hawk MK-127 hiện có của Australia. Theo EurAsian Times, điều đó cho thấy Ấn Độ đã bị loại khỏi cuộc đua giành hợp đồng cung cấp máy bay huấn luyện cho Canberra.

Trước khi tham gia gói thầu của Australia, Ấn Độ từng chào bán phiên bản huấn luyện của Tejas cho Hải quân Mỹ vào năm 2020 để thay thế phi đoàn máy bay Boeing T-45 Goshawks của họ.

Tuy nhiên, Hải quân Mỹ được cho là sẽ có ít xu hướng lựa chọn Tejas sau khi họ thấy Hải quân Ấn Độ từ chối mẫu máy bay này vào năm 2016 vì quá nặng.

Các báo cáo mới nhất cho thấy T-7B Red Hawk - máy bay huấn luyện do Boeing hợp tác với Saab sản xuất, đang cạnh tranh với các sản phẩm của Leonardo và Lockheed Martin trong gói thầu của Hải quân Mỹ.

tiêm kích Tejas thuộc phi đoàn 18 của Ấn Độ. Ảnh: Wiki

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đúng là từng thể hiện sự quan tâm đến mẫu Tejas vào năm 2018. Song, vào tháng 2 năm nay, Bộ Quốc phòng UAE thông báo họ đang mua máy bay huấn luyện-chiến đấu L-15 từ Tổng công ty xuất nhập khẩu công nghệ hàng không quốc gia Trung Quốc (CATIC). Đây được xem là một tín hiệu ’hắt hủi’ đối với Tejas.

Đáng nói, L-15 ra mắt lần đầu tiên tại Triển lãm hàng không Dubai tháng 11/2021. Tejas cũng tham gia sự kiện này và đã có màn biểu diễn trên không ấn tượng, thu hút sự đánh giá cao từ UAE. Do đó, không rõ lý do tại sao UAE lại không cân nhắc biến thể máy bay huấn luyện (phát triển dựa trên biến thể chiến đấu Mk1A mới nhất) của Tejas.

Vì sao Tejas ế ẩm?

Tờ EurAsian Times đã có có cuộc trò chuyện với các chuyên gia để tìm hiểu vì sao Tejas vẫn chưa đạt được hợp đồng xuất khẩu nào.

Chuyên gia phân tích quốc phòng Ấn Độ Girish Linganna cho rằng cấu trúc ’mở’ của phiên bản Tejas Mk1A có thể là một trong những lý do.

Cấu trúc mở cho phép HAL Tejas kết hợp vũ khí của cả và Nga và phương Tây, tạo điều kiện cho mẫu máy bay do Ấn Độ sản xuất. Ông Linganna cho biết, cấu trúc này còn cho phép bổ sung thêm nhiều thứ khác sau khi mua Tejas, nhưng điều đó tùy thuộc vào khách hàng.

"Điểm tích cực là tùy thuộc vào nhu cầu và mối quan hệ mà một quốc gia khách hàng có thể lựa chọn sử dụng vũ khí Nga hay phương Tây. Tuy nhiên, điều này cũng kéo theo những chi phí tiềm ẩn nhất định so với các sản phẩm khác" - Ông Linganna lưu ý.

Ngoài ra, hiện mới chỉ có Không quân Ấn Độ sử dụng phiên bản Tejas Mk1A. Do vậy, nó lép vế so với mẫu Golden Eagle của KAI và Lockheed Martin.

Trong khi mẫu Tejas của Ấn Độ đang gặp khó khăn trên con đường tìm kiếm khách hàng thì mẫu JF-17 - do Pakistan và Trung Quốc cùng phát triển - đã được xuất khẩu sang một số quốc gia, trong đó có Myanmar và Nigeria.

Khi được hỏi về điều này, ông Linganna cho biết, các thỏa thuận của Myanmar và Nigeria đã khép lại vào năm 2015 và 2014. Thời điểm ấy, Tejas chưa sẵn sàng triển khai, chứ chưa nói gì tới việc xuất khẩu. Phải tới năm 2019, Tejas mới được thông qua khả năng hoạt động đầy đủ.

tiêm kích JF-17 và tên lửa chống tàu CM-400AKG (Ảnh: Twitter)

Theo các phương tiện truyền thông gần đây đưa tin, Argentina có thể sớm được bổ sung vào danh sách khách hàng nước ngoài của JF-17. Tháng 5 vừa qua, một phái đoàn của Argentina, bao gồm phi công và kỹ thuật viên, đã đến Trung Quốc để đánh giá kỹ thuật máy bay chiến đấu JF-17.

Ấn Độ được cho là cũng chào bán Tejas cho Argentina. Thế nhưng, sự có mặt của các bộ phận máy bay do Anh sản xuất dường như là một trở ngại đáng kể với Tejas (do quan hệ Anh-Argentina căng thẳng). Trước đó, Argentina từng có kế hoạch mua mẫu máy bay Dassault Super Etendard của Pháp nhưng không thể thực hiện được bởi lệnh cấm vận vũ khí được áp đặt cho ghế phóng MK6 (do Anh sản xuất) lắp đặt trên Super Etendard.

"Pakistan và Trung Quốc đang hậu thuẫn mẫu JF-17. Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ các sản phẩm xuất khẩu và đã đạt được những tiếng tăm nhất định" - cựu phi công Ấn Độ Vijainder K. Thakur nói với tờ EurAsian Times" - Trong khi đó, Tejas mới chỉ được hậu thuẫn bởi HAL - công ty quốc nội vẫn chưa tạo dựng được uy tín lớn trên thị trường quốc tế".

Cũng theo ông Thakur, do hạn chế về chi phí và khả năng tiếp cận công nghệ nên khách hàng tiềm năng của Tejas sẽ khác với JF-17.

Hy vọng vẫn còn cho Ấn Độ

Tuy nhiên, theo EurAsian Times, Ấn Độ vẫn nên tiếp tục kiên trì vì Tejas vẫn có cơ hội gặt hái được thành công trên con đường xuất khẩu. New Delhi dường như đang đàm phán với Không quân Ai Cập về thỏa thuận tiềm năng cung cấp phiên bản Tejas Mk1A, trong đó, Ấn Độ còn đề nghị thành lập các cơ sở sản xuất chung của hai nước dành cho mẫu máy bay này.

Ngoài ra, Tejas Mk1A còn được cho là một trong những ứng cử viên lọt vào danh sách vòng cuối trong gói thầu của Không quân Malaysia, bên cạnh 2 mẫu Hurjet (Thổ Nhĩ Kỳ) và F-50 (Hàn Quốc).

Tejas có thể có lợi thế hơn trong gói thầu này do chi phí tương đối thấp và HAL cung cấp hợp đồng trọn gói, bao gồm việc thiết lập cơ sở bảo trì, sửa chữa và đại tu ở Malaysia, dành cho cả các phi đội Sukhoi Su-30 của nước này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật