Vụ 7 doanh nghiệp đầu mối bị tước giấy phép: Kiên quyết trong quản lý kinh doanh xăng dầu

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các chuyên gia kinh tế đều đánh giá rất cao việc Bộ Công Thương công khai danh sách 7 doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu bị tước giấy phép do thiếu một số điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định.
Vụ 7 doanh nghiệp đầu mối bị tước giấy phép: Kiên quyết trong quản lý kinh doanh xăng dầu
Ảnh minh họa

Bộ Công Thương vừa công khai danh sách 7 doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu bị tước giấy phép do thiếu một số điều kiện cho hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định, như: Thiếu cửa hàng sở hữu và cửa hàng chung, thiếu các đại lý hoặc kho, cầu cảng, phương tiện vận tải theo quy định đăng ký; không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định; không duy trì mức dự trữ xăng dầu bắt buộc hoặc duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định; nhập khẩu xăng dầu thấp hơn hạn mức tối thiểu về số lượng, chủng loại được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân giao hằng năm….

Đối với các trường hợp vi phạm, bên cạnh hình thức xử phạt chính (phạt tiền) còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung (tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 1,5 - 2 tháng) và biện pháp khắc phục hậu quả (buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính) căn cứ theo quy định của Pháp Luật.

Các chuyên gia kinh tế đều đánh giá rất cao việc Bộ Công Thương công khai danh sách 7 doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu bị tước giấy phép do thiếu một số điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định nhằm giúp cho thị trường xăng dầu ngày càng lành mạnh, minh bạch hơn. 

Mạnh tay “loại” những doanh nghiệp sai phạm

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh việc xử lý trên cho thấy sự minh bạch của Bộ Công Thương trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, qua đó không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp xăng dầu trong nước kinh doanh một cách nghiêm túc mà còn giúp cho thị trường xăng dầu ngày càng lành mạnh, minh bạch hơn. Theo đó, những doanh nghiệp không đủ điều kiện sẽ bị “loại” khỏi thị trường, còn doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc sẽ tiếp tục được hoạt động.

“Hành động này của Bộ Công Thương cũng cho thấy, Bộ không có sự phân biệt khác nhau giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Ngay cả những doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương, nếu không đáp ứng đủ điều kiện cũng sẽ bị tước giấy phép kinh doanh”, TS Lê Đăng Doanh nói.

“Hiến kế” thêm về các biện pháp để quản lý chặt thị trường xăng dầu, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, bên cạnh thường xuyên lập các đoàn kiểm tra đối với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tại 3 miền như Bộ Công Thương đã làm thời gian qua, Bộ Công Thương cũng cần số hóa hoạt động kinh doanh xăng dầu.

TS Lê Đăng Doanh dẫn chứng như, có thể yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu công khai, minh bạch số lượng hàng nhập về, hàng bán ra trên hệ thống điện tử, để tất cả mọi người có thể kiểm tra được một cách dễ dàng, minh bạch, tránh trường hợp cứ sắp đến thời điểm tăng giá xăng thì doanh nghiệp lại thông báo hết xăng và đóng cửa hàng như đã từng xảy ra nhiều lần trước đây.

Kiên quyết trong quản lý kinh doanh xăng dầu

Cũng đồng tình với sự kiên quyết của Bộ Công Thương trong hoạt động quản lý kinh doanh xăng dầu từ việc tước giấy phép 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vừa qua, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng điều này đã cho thấy sự kiên quyết trong hoạt động quản lý kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương.

“Điều này sẽ giúp tạo tiền đề tốt và gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm, hiệu quả hơn chủ trương, chính sách của Nhà nước xung quanh vấn đề kiểm soát lạm phát nói chung và giá xăng dầu nói riêng”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc Bộ Công Thương công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh xăng dầu là rất đáng hoan nghênh, vì đây cũng là yêu cầu mà Chính phủ đã nêu ra, các đơn vị chức năng phải thực hiện và Bộ Công Thương cũng đã thực hiện.

Tuy vậy, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, việc công khai cần có sự phổ cập rộng hơn qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, truyền hình để lan tỏa hơn nữa khẳng định, quyết tâm có hiệu lực hiệu quả của ngành trong quản lý thị trường.

Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng lưu ý, cần tăng cường các hoạt động về tiếp cận thông tin, tiếp nhận ý kiến của thị trường, của người dân, của hội tiêu dùng về xăng dầu nhằm giúp nhận diện nhanh hơn, đầy đủ, toàn diện hơn những sai phạm cần tháo gỡ trong quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Còn chuyên gia kinh tế, PGS, TS Ngô Trí Long cũng đánh giá cao sự minh bạch trong việc công khai thông tin xăng dầu của Bộ Công Thương. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp nắm bắt được thông tin kịp thời, người dân cũng theo dõi được diễn biến giá xăng, thông tin thị trường...

Theo PGS, TS Ngô Trí Long, hiện nay cả nước có đến 38 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. 7 doanh nghiệp vi phạm không phải là các doanh nghiệp lớn, nên việc thiếu nguồn cung là không hề thuyết phục. Theo nguyên tắc kinh doanh, không một doanh nghiệp nào chỉ sử dụng một nguồn cung, họ sẽ có nhiều nguồn cung khác để bảo đảm lợi nhuận tốt nhất trong kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh thì cho rằng, trong số 7 doanh nghiệp bị tước giấy phép lần này có 2 doanh nghiệp đã từng bị tước giấy phép vì liên quan đến việc buôn lậu xăng dầu. Theo TS Vũ Đình Ánh, cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm tra, giám sát thường xuyên, bởi vấn đề buôn lậu xăng dầu tại Việt Nam hiện nay khá trầm trọng.

Đồng tình với việc tước giấy phép kinh doanh xăng dầu đối với các doanh nghiệp vi phạm, song TS Vũ Đình Ánh cũng lưu ý, sau khi hết thời hạn tước giấy phép, việc cấp phép lại cơ quan quản lý nhà nước cần siết chặt hơn, để các doanh nghiệp nhận thấy bài học thích đáng khi kinh doanh không lành mạnh và không đủ điều kiện.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật