Ì ạch giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay ưu đãi nước ngoài

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết, vốn đầu tư công thực hiện năm 2022 rất lớn, với tổng số khoảng 700 nghìn tỷ đồng, bao gồm vốn kế hoạch 2022, vốn kéo dài từ các năm trước chuyển sang, vốn giao thêm của các địa phương, nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và nguồn vốn giao bổ sung từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025...
Ì ạch giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay ưu đãi nước ngoài
Cùng một điều kiện, song tỷ lệ giải ngân của các bộ, ngành, địa phương vẫn chênh lệch lớn. Ảnh minh họa

Có thể nói đây là nguồn lực rất lớn, lớn nhất từ trước đến nay, góp phần quan trọng cho phục hồi nền kinh tế, do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trong đó có Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm để thúc đẩy giải ngân.

Mặc dù thế, nhưng kết quả giải ngân còn chậm so với kế hoạch đề ra cũng như so với năm trước. Đến nay, giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài mới chỉ đạt trên 9% so với kế hoạch được giao. “Cùng một điều kiện, cơ chế chính sách như nhau nhưng có một số bộ, ngành, địa phương lại có kết quả giải ngân cao, một số bộ, ngành địa phương giải ngân thấp, đặc biệt có những đơn vị chưa giải ngân vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA” - Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn thông tin.

Thông tin cụ thể, ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, kế hoạch vốn đầu tư công nguồn nước ngoài năm 2022 là 34.800 tỷ đồng, trong đó khối bộ, ngành là 12.110,283 tỷ đồng và địa phương 22.689,717 tỷ đồng. Đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện phân bổ kế hoạch vốn chi tiết và nhập dự toán trên hệ thống Tabmis của Kho bạc Nhà nước 33.289 tỷ đồng, đạt 95,66% kế hoạch vốn được giao.

Bên cạnh kế hoạch vốn đầu tư công nguồn nước ngoài năm 2022, vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài kế hoạch vốn năm 2021 được kéo dài sang năm 2022 là 5.321,942 tỷ đồng, trong đó của bộ, ngành là 1.666,648 tỷ đồng, của địa phương là 3.655,294 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chỉ đạt 9,12% kế hoạch vốn được giao, trong đó, các bộ, ngành đạt 16,12%, các địa phương đạt 5,38%. Tính từ đầu năm, thời gian xử lý đơn rút vốn đảm bảo đúng quy định. Tỷ lệ hoàn trả lại đơn rút vốn 4,7% cho thấy, việc chuẩn bị đơn rút vốn đã cải thiện hơn so với trước đây.

Chia sẻ những khó khăn thực tế, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, năm 2022, TP Hà Nội có 5 dự án ODA được giao. Tuy nhiên, trong quý I do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên tiến độ triển khai các dự án bị ảnh hưởng, ngoài ra còn có các nguyên nhân, vướng mắc từ các năm trước như: chậm giải phóng mặt bằng, khác biệt về quản lý hợp đồng giữa Việt Nam với nhà tài trợ nước ngoài; việc chỉnh lại chủ trương đầu tư cũng mất nhiều thời gian. Đại diện của Bộ GTVT cũng cho rằng việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, hiệp định vay… mất nhiều thời gian nên dẫn tới chậm giải ngân. Cùng với đó, việc giá nhiên liệu cao gây khó khăn cho chủ đầu tư trong quản lý giá thành, triển khai thi công. Thậm chí nhiều nhà thầu có tâm lý chờ giá xuống, chưa kể, một số địa phương đưa ra thông báo giá nhiên liệu chưa sát thực tế…

Qua tham luận của các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho rằng, nguyên nhân dẫn tới chậm giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài chủ yếu xuất phát từ việc không có khối lượng hoàn thành để giải ngân. Bên cạnh nguyên nhân trên, ông Trương Hùng Long cũng nêu những vướng mắc của dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi như: Vướng mắc liên quan đến nhà tài trợ Ngân hàng Thế giới áp dụng phương thức giải ngân theo kết quả; vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu...

Để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, cũng như đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay nước ngoài cho các dự án đầu tư, thời gian tới, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch vốn của các chủ dự án, kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân, chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng; tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.

Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra, phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao, phần kế hoạch vốn còn lại sau khi đã được điều chỉnh giảm, người đứng đầu các Bộ, ngành cam kết giải ngân hết 100%; bố trí đủ vốn đối ứng để thanh toán theo dự toán được giao; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để giải quyết các vướng mắc phát sinh…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật