Thủ thành U23 Việt Nam: “Tôi làm mọi thứ để không bị thủng lưới“

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chia sẻ với Báo Giao thông, Quan Văn Chuẩn cho biết, mỗi khi vào sân, suy nghĩ duy nhất là “phải làm mọi cách để không bị thủng lưới”.
Thủ thành U23 Việt Nam: “Tôi làm mọi thứ để không bị thủng lưới“
Văn Chuẩn luôn thi đấu máu lửa trên sân

Tại Giải U23 châu Á 2022, Quan Văn Chuẩn chỉ là sự lựa chọn số 2 trong khung gỗ U23 Việt Nam. Dù vậy, khi có cơ hội (Văn Toản bất ngờ chấn thương), anh đã làm rất tốt.

Chia sẻ với Báo Giao thông, anh cho biết, mỗi khi vào sân, suy nghĩ duy nhất là “phải làm mọi cách để không bị thủng lưới”.

Mẫu thủ môn hiện đại

Tuy còn non kinh nghiệm thi đấu quốc tế nhưng Văn Chuẩn đã chơi rất bản lĩnh, vững vàng, thực hiện nhiều pha cứu thua xuất sắc để đưa U23 Việt Nam vào tới tứ kết trước khi thua U23 Ả Rập Xê Út - đội sau đó lên ngôi vô địch Giải U23 châu Á 2022.

Sở hữu thể hình không quá lý tưởng, gương mặt hiền lành nhưng trên sân cầu thủ biên chế Hà Nội FC lại thi đấu lăn xả, không ngại va chạm.

“Khi đã xỏ găng vào sân, suy nghĩ duy nhất của tôi là không để thủng lưới và tôi sẵn sàng làm mọi việc, kể cả đối mặt với chấn thương để giữ sạch lưới”, anh chia sẻ.

Mục tiêu của tôi trong 3 năm tới là tìm chỗ đứng tại V-League và khoác áo đội tuyển Việt Nam. Không con đường nào tới thành công mà trải toàn hoa hồng. Tôi sẽ phải vượt qua nhiều chông gai nhưng tôi không sợ hãi và đã chuẩn bị tâm lý để đối mặt.

Thủ thành Quan Văn Chuẩn

Màn thể hiện tốt tại giải đấu cấp châu lục đã giúp thủ thành quê Tuyên Quang được chú ý nhiều hơn, nhiều fan hâm mộ hơn. Nhưng anh chia sẻ sẽ không để những thứ ngoài chuyên môn tác động tiêu cực tới sự nghiệp.

“Tôi chỉ tập trung vào các bài tập, rèn luyện thêm kỹ năng. Chính bởi vậy cuộc sống của tôi khi trở về từ giải U23 châu Á 2022 không có nhiều thay đổi. Với cầu thủ chuyên nghiệp, mọi thứ như được lập trình sẵn rồi. Khác một chút là giờ tôi ra đường có nhiều bạn nhỏ nhận ra, xin chụp ảnh chung”, Văn Chuẩn kể.

Cầu thủ sinh năm 2001 vốn trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của CLB Hà Nội nhưng sau đó được cho Phú Thọ mượn đá giải hạng Nhì rồi hạng Nhất. Đầu mùa giải năm nay, anh được “triệu hồi” về sân Hàng Đẫy nhưng không thể cạnh tranh vị trí với hai đàn anh dày dặn kinh nghiệm là Trần Văn Công và Bùi Tấn Trường.

“Là cầu thủ ai cũng muốn ra sân và tôi cũng đã từng có suy nghĩ tìm kiếm đội bóng khác để được thi đấu nhiều hơn. Nhưng đây là thời điểm Hà Nội đang cần tôi để kiện toàn đội hình nên tôi quyết tâm ở lại. Dù biết rất khó để được bắt chính nhưng tôi luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để khi cơ hội đến sẽ nắm bắt”, cầu thủ 21 tuổi quả quyết.

HLV thủ môn Thế Anh của Hà Nội FC cũng cho rằng, việc phải ngồi dự bị tại CLB không quá đáng ngại với Văn Chuẩn: “Bạn ấy còn rất trẻ và đây là thời điểm cần trau dồi, học hỏi thêm để hoàn thiện bản thân. Nếu xét năng lực, tôi cho rằng bạn ấy không thua kém hai đàn anh và có thể cạnh tranh sòng phẳng nếu thể hiện tốt.

Chuẩn có sải tay dài hơn bình thường, rất phù hợp cho vị trí thủ môn, phản xạ và ra vào tốt. Đặc biệt là bạn ấy chơi chân hiệu quả, không chỉ dùng để cản phá mà còn phối hợp với đồng đội, phát động tấn công. Chơi chân cũng là xu hướng hiện đại của các thủ môn trên thế giới”.

Bản thân tuyển thủ U23 Việt Nam cũng tự đánh giá mình chơi chân ổn và tự tin với kỹ năng này: “Tôi theo dõi nhiều thủ thành hàng đầu thế giới và cả những đàn anh tên tuổi ở Việt Nam để học hỏi những cái hay. Tôi sẵn sàng dâng cao khi cần phối hợp hoặc cản phá sớm tình huống của đối thủ. Điều này buộc tôi phải sử dụng đôi chân tốt, nếu không rất dễ mắc lỗi”.

Nói thêm về những điểm thủ thành sinh năm 2001 cần phát triển thêm, ông Thế Anh nhấn mạnh hai yếu tố gồm thể hình và khả năng điều tiết tình huống: “Chiều cao của Chuẩn tạm ổn nhưng người mỏng cơm quá, sức tì đè kém. Bạn ấy cần tập để cho người dày hơn, nhất là phần thân trên. Ngoài ra, Chuẩn chưa giỏi điều tiết diễn biến trên sân sao cho hợp lý, khi nào cần nhanh, khi nào cần chậm. Cái này thì phải trải nghiệm và đúc rút từ thực tế”.

Động lực từ gia đình

Văn Chuẩn trong màu áo U23 Việt Nam tại Giải U23 châu Á

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Chiêm Hóa, Tuyên Quang, giống như bao đứa trẻ nông thôn khác, Quan Văn Chuẩn mê bóng đá từ nhỏ và thường cùng anh trai đi đá bóng sau giờ học.

“Tôi nhớ mình thích đá bóng từ khoảng 6 tuổi khi cùng anh trai tham gia các trận đấu của các anh lớn trong làng. Ban đầu tôi chỉ đứng xem nhưng sau đó cũng xin vào chơi cùng. Thấy tôi đá được nên các anh cho phép nhập đội. Khi thì tôi được giao bắt gôn, khi lại đá, nói chung vui lắm”, Chuẩn cười nói.

Cũng theo lời kể của chàng trai Tuyên Quang, trái bóng khi đó chỉ là những quả bưởi rụng hoặc rơm nhồi vào tất.

“Sau này khi tôi học lớp 2 thì chúng tôi mới có quả bóng nhựa rồi bóng da do một bác trong làng xin ở đâu đó về cho. Tuy nhiên, trái bóng làm bằng gì không quan trọng bằng việc chúng tôi luôn chơi một cách ngon lành”, thủ thành U23 Việt Nam nhớ lại.

Năm anh học lớp 4, Trung tâm Huấn luyện TDTT Tuyên Quang có tuyển lớp năng khiếu bóng đá. Các thày động viên anh tham gia và cậu bé dáng người mảnh khảnh không mất nhiều thời gian để vượt qua hai vòng sát hạch cấp huyện rồi tỉnh.

Tập luyện một năm ở Tuyên Quang thì anh được tuyển vào lò đào tạo trẻ Hà Nội, bắt đầu hành trình đến với bóng đá chuyên nghiệp. “Bố mẹ biết tôi mê đá bóng nên ủng hộ tôi theo con đường này. Tôi vẫn nhớ trước khi đi bố dặn, cố mà chơi cho tốt để khỏi phải về làm ruộng. Sau này, bố vẫn thường nhắc lại câu nói đó với tôi”, Văn Chuẩn bộc bạch.

“Nhà tôi bố mẹ đều làm nông nghiệp, cuộc sống nhìn chung vất vả. Thế nên tôi càng lấy đó làm động lực để vươn lên, tôi phải tập luyện và chơi bóng chuyên nghiệp, có thành tích để giúp đỡ bố mẹ. Tiền lương hàng tháng tôi vẫn gửi một phần về cho gia đình, phần còn lại tôi dùng để chi phí sinh hoạt, mua thêm sữa uống để tăng cường sức khỏe”, tiếp lời chàng trai 21 tuổi.

Trở lại với giai đoạn đầu gia nhập lò đào tạo Hà Nội, tuy phải xa nhà nhưng Chuẩn lại không hề cảm thấy nhớ bố mẹ, nhớ anh bởi bị hút theo trái bóng.

“Cứ được chơi bóng là tôi thích rồi, chẳng nghĩ gì hết. Sau này, khi lớn hơn một chút mới nghĩ, mình đi như vậy chắc bố mẹ nhớ lắm. Gia đình tôi không có điều kiện, bố mẹ lại làm lụng suốt ngày nên mỗi năm chỉ xuống thăm tôi một hai lần”, cầu thủ sinh năm 2001 chia sẻ

Đây cũng là giai đoạn cậu bé tới từ thành Tuyên chuyển hẳn sang trấn giữ khung thành chứ không “nay đây mai đó” như khi còn tập luyện ở quê nhà.

Vốn đam mê cháy bỏng, cộng thêm nỗ lực tập luyện không ngừng và được đặt trong môi trường huấn luyện chất lượng cao, Văn Chuẩn nhanh chóng trưởng thành, khẳng định mình ở nhiều giải trẻ rồi hạng Nhì, hạng Nhất.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật