Tiếng kêu cứu từ bên kia biên giới

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thời gian qua, thông qua mạng xã hội, nhiều người bị dụ dỗ xuất cảnh trái phép qua Campuchia để lao động. Thực chất, khi qua đến Campuchia họ bị cưỡng bức, bó‌c lộ‌t sức lao động, buộc làm việc 11 giờ trong ngày; bị ngược đãi, đánh đập, bị chủ công ty mua bán sang công ty khác... Để “cứu mạng“, họ chỉ còn trông chờ gia đình gửi tiền sang chuộc thân.
Tiếng kêu cứu từ bên kia biên giới
Các đối tượng xuất cảnh trái phép bị bắt giữ.

Phòng Cảnh sát Hình Sự Công an Tây Ninh cho biết, đơn vị đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, cảnh báo người dân về việc thông qua mạng xã hội các đối tượng "rủ rê" sang Campuchia làm việc với mức lương cao, hơn 20 triệu đồng/tháng. Người lao động không tốn chi phí, không yêu cầu kinh nghiệm, chỉ cần biết đánh máy... Những thông tin hấp dẫn đó đã thu hút nhiều người đang tìm việc làm tin tưởng cơ hội “đổi đời”, rồi rơi vào những cái bẫy giăng sẵn.

Theo Phòng Cảnh sát Hình Sự Công an Tây Ninh, từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 21 đơn đề nghị giải cứu của những gia đình trên địa bàn tỉnh, có người thân bị lừa sang Campuchia lao động. Họ bị bó‌c lộ‌t, cưỡng bức lao động, nếu muốn trở về Việt Nam thì phải chuộc bằng tiền. 

Mới đây, tại Phòng Cảnh sát Hình Sự Công an Tây Ninh, những gia đình có con em là bạn bè với nhau ngụ ở huyện Gò Dầu và huyện Dương Minh Châu đến trình báo: Con em của họ trốn gia đình đăng ký làm thủ tục qua Vương quốc Campuchia làm việc cho Công ty Thiên đường trò chơi. 

Thông qua điện thoại, các phụ huynh chỉ biết con mình có việc làm, có chỗ ăn ở, còn chi tiết cuộc sống ra sao thì không rõ. Mới đây, các phụ huynh lo lắng vì những cuộc điện thoại của các con gọi về từ bên kia biên giới cho biết rất hoảng loạn, lo lắng công ty sẽ bán họ cho công ty khác quản lý. Nếu muốn về nhà thì gia đình phải chi 1.800 USD (tương đương 40 triệu đồng), còn không sẽ bán các em cho các công ty khác, lúc đó tiền chuộc sẽ tăng lên.

Chị S (ngụ huyện Gò Dầu), một trong những phụ huynh gửi đơn trình báo cho Công an, cho biết con chị đọc được thông tin tuyển lao động qua Campuchia làm việc lương rất cao, nên cùng bạn bè làm hộ chiếu rồi sang nước bạn.

"Qua bên đó chiều nào nó cũng điện thoại về, nói là làm việc thì được, sợ nhất là công ty muốn bán nó lúc nào thì bán thôi. Nó điện thoại đòi về, kêu mẹ chuẩn bị tiền đi chuộc con về, vì có đứa bạn của nó vừa qua là bị bán chỗ khác liền. Nó kêu chuẩn bị 30, 40 chục triệu đồng, chứ không biết là bao nhiêu”- chị S buồn bã nói.

Trường hợp chị H. ngụ huyện Dương Minh Châu có hoàn cảnh khó khăn, chồng mất sớm, một mình chị lo cho cả gia đình. Thương mẹ vất vả, con gái lớn của chị Hồng mới 17 tuổi đã lén xuất cảnh sang Campuchia làm việc với mong muốn kiếm tiền phụ giúp mẹ. Thế nhưng, tiền lương chưa thấy mà người mẹ giờ phải chạy đôn, chạy đáo vay mượn tiền để chuộc con gái về.

Chị H. chia sẻ: Nhà khổ quá, con chị lên mạng tìm việc, nghe bạn bè rủ rê nên đi. Vừa đến cửa khẩu là điện về nhà cho mẹ, bảo qua làm bên chỗ chơi bấm tài xỉu, người ta nói lương hơn 20 triệu đồng chứ không biết cụ thể bao nhiêu. "Đi qua đó đâu được đi ra khỏi chỗ làm, ban đầu nó không sợ, nhưng sau này người ở đó nói làm không được sẽ bán qua chỗ khác, nó hoảng loạn, vì đợt đi chung với nó giờ còn có mấy đứa thôi, nên nó điện thoại kêu mẹ ơi, cứu con về”- chị H. nghẹn ngào.

Theo Phòng An ninh đối ngoại Công an Tây Ninh, từ tháng 9.2021 đến nay, lực lượng chức năng của Campuchia cung cấp 9 trường hợp người Việt nhả‌y lầ‌u, tre‌o c‌ổ; một số trường hợp mất tích không rõ nguyên nhân... Liên quan tội phạm xuất nhập cảnh trái phép, từ ngày 1.1 - 1.4.2022, Công an tỉnh Tây Ninh thụ lý 17 vụ với 38 bị can (có một số vụ từ năm 2021 chuyển sang), truy tố 9 vụ, 16 bị can; đang điều tra 7 vụ, 22 bị can.

Thượng tá Trần Minh Kiệt- Phó trưởng Phòng An ninh đối ngoại Công an Tây Ninh nhận định: "Gần đây tình trạng người dân xuất cảnh trái phép qua Campuchia trên tuyến biên giới diễn biến phức tạp do nhu cầu tìm người làm việc cho các casino ở Campuchia tăng.

Thông qua các mạng xã hội Zalo, Facebook, Wechat, Telegram... các đối tượng ở Campuchia đã đăng tải thông tin, tuyển dụng người ở Việt Nam vào làm việc, với mức lương rất cao, mọi chi phí đi lại được người ở Campuchia chi trả trước. Trong khi đó, số thanh thiếu niên Việt Nam đang có nhu cầu tìm việc làm, khi thấy những lời mời chào hấp dẫn đó đã dễ dàng chấp thuận".

Theo Thượng tá Trần Minh Kiệt, khi có người đăng ký làm việc, đối tượng móc nối với các đối tượng ở Việt Nam để tổ chức thành đường dây sắp xếp, hướng dẫn đưa họ xuất cảnh trái phép qua đường tiểu ngạch sang Campuchia. Các tội phạm này có dấu hiệu mua bán người, vì nạn nhân qua Campuchia làm việc, nếu chủ công ty thấy không đạt yêu cầu thì sẽ bán nạn nhân cho những công ty khác với giá cao hơn trước.

Nếu nạn nhân muốn trở về Việt Nam phải liên hệ gia đình chuyển tiền sang chuộc; gia đình nào không có tiền chuộc con em thì các nạn nhân sẽ bị trừng phạt theo kiểu xã hội đen. Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, có 59 trường hợp công dân Việt Nam được Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia trao trả; sắp tới sẽ có 14 trường hợp được trao trả.

Công an Tây Ninh khuyến cáo người dân không nghe lời dụ dỗ việc nhẹ lương cao nơi đất khách. Muốn tìm việc làm, bà con cần đến những nơi được cơ quan chức năng nhà nước cấp phép để được hỗ trợ, bảo vệ quyền công dân.

Người dân không nghe theo lời lôi kéo xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc; không tiếp tay, giúp đỡ cho số đối tượng đưa người xuất cảnh trái phép. Nếu phát hiện các đối tượng có dấu hiệu đưa người xuất cảnh trái phép, phải thông báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật