Đức Cơ: Lò sấy cà phê gây ô nhiễm môi trường

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cứ đến vụ thu hoạch cà phê, hàng trăm hộ dân làng Chư Bồ 1 (xã Ia Kla, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) lại phải hứng chịu khói bụi và mùi hôi từ các lò sấy cà phê của ông Trần Cường và ông Nguyễn Văn Đoàn. Mặc dù chính quyền địa phương vào cuộc xử lý nhưng vẫn chưa dứt điểm.
Đức Cơ: Lò sấy cà phê gây ô nhiễm môi trường
Chị Trần Thị Tài chỉ về khu vực lò sấy đang hoạt động gây khói bụi mù mịt. Ảnh: Nhật Hào

Có nhà ở phía sau 2 lò sấy cà phê nên gia đình chị Trần Thị Tài phải hứng cảnh khói bụi mỗi khi lò hoạt động. Chị Tài cho biết: Mỗi năm, lò sấy hoạt động khoảng 1,5-2 tháng. Tần suất hoạt động liên tục cả ngày và đêm gây ảnh hưởng không nhỏ đến mọi sinh hoạt của các hộ xung quanh. Đặc biệt, vào ban đêm, do ảnh hưởng của sương mù nên khói tỏa ra ở tầm thấp, dày đặc gây khó thở. “Khói từ hoạt động các lò sấy tỏa ra gây khó chịu, nhất là mùi vỏ cà phê tươi rất gắt. Hai đứa con tôi nhiều đêm không ngủ được vì khó thở do khói bụi. Áo quần thường xuyên bị bụi bám gây ố màu”-chị Tài than thở.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hoa cũng cho hay: “Gia đình tôi không ở gần các lò sấy nhưng cũng bị ảnh hưởng bởi mùi hôi và khói bụi từ hoạt động sấy cà phê. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần và các cơ sở cũng đã tìm cách khắc phục nhưng không triệt để. Chúng tôi mong các cơ sở sấy cà phê di dời ra xa khu dân cư để không ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân”.

Nói về sự việc này, ông Tô Nguyên Hùng-Trưởng thôn Chư Bồ 1-cho biết: Lò sấy cà phê của ông Cường và ông Đoàn hoạt động từ năm 2017 đến nay. Cứ đến mùa thu hoạch, ngoài sấy cà phê của gia đình, ông Cường và ông Đoàn còn thu mua cà phê của người dân trên địa bàn về sấy bán. Tuy thời gian sấy chỉ khoảng 1-1,5 tháng nhưng gây ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của hơn 100 hộ dân trong khu vực. “Ủy ban nhân dân xã Ia Kla đã làm việc và hướng dẫn các hộ có lò sấy khắc phục nhưng vẫn chưa dứt điểm. Cơ quan chức năng cần có phương án hỗ trợ để 2 hộ này di dời lò sấy ra xa khu dân cư”-Trưởng thôn Chư Bồ 1 nói.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kla-cho hay: Năm 2017, xã đã mời ông Đoàn, ông Cường và các hộ dân lên làm việc để tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, 2 lò sấy của ông Cường và ông Đoàn được xây dựng trên địa bàn xã Ia Pnôn. Do đó, xã đã vận động 2 hộ thực hiện che chắn để hạn chế khói bụi. Sau đó, xã không còn nghe người dân phản ánh liên quan đến sự việc này. Cách đây hơn 1 tuần, người dân tiếp tục phản ánh về hoạt động của 2 lò sấy. Xã đã cử cán bộ đến kiểm tra, yêu cầu 2 hộ này che chắn, đồng thời hướng dẫn đầu tư hệ thống thu gom, xử lý khí thải. Tuy nhiên, cả 2 hộ đều cho rằng hoạt động của lò sấy chỉ trong khoảng thời gian ngắn mà đầu tư hệ thống xử lý khí thải sẽ rất tốn kém. Tới đây, chúng tôi phối hợp với xã Ia Pnôn để vận động di dời hoặc tìm các biện pháp phù hợp.

Trong khi đó, ông Lê Bá Nam-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Cơ thì cho biết: “Tới thời điểm này, Phòng vẫn chưa nhận được ý kiến phản ánh nào của người dân về tình trạng hoạt động sấy cà phê của 2 hộ dân nói trên gây ảnh hưởng môi trường.

Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với các xã xuống kiểm tra hiện trường để có phương án xử lý”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật