Vườn hồng vui tuổi già của cụ bà 107 tuổi

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bốn năm nay, ngày nào cụ Hơn cũng ra vườn nhổ cỏ, bắt sâu, chăm sóc cho vườn hoa hồng hơn 300 gốc, xếp kín sân và khu vườn 200 m2 của gia đình.
Vườn hồng vui tuổi già của cụ bà 107 tuổi
Ảnh minh họa

Cụ Thái Thị Hơn sinh năm 1994, ở thôn Phụng Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Bốn năm trước, anh Trịnh Hoàng, cháu nội của cụ đưa vợ Phạm Thị Kim Vui và con từ Sài Gòn về đây. Từ đó gia đình 4 thế hệ cùng sống dưới một mái nhà.

Chị Vui để ý thấy trong nhà có vài cây hồng tố nữ ngày nào bà nội cũng ngắm, bố mẹ chồng thích thú khi cây nảy lộc, đơm hoa. Vốn thích hoa lá, nên nàng dâu mua thêm vài chục chậu hồng về cùng chăm.

Lúc đầu chị lấy đất vườn cho vào chậu trồng khiến cây bị chết. Cụ Hơn thấy vậy tiếc, dạy cô cháu dâu trộn đất ruộng vườn, vỏ trấu, vỏ đậu phộng, cát, phân chuồng ủ hoai với vôi và gói trị nấm, ủ 15 ngày rồi mới đem trồng. Bằng cách này, cây hồi nhanh và sống khỏe. Cụ cũng bảo cháu, trồng hoa trong vườn nhà chỉ nên dùng các loại phân và thuốc trừ sâu hữu cơ cho an toàn.

Không có điều kiện để mua cây to, gia đình cứ mua cây con về chăm dần. Từ chỗ có vài chục loại, gia đình chiết cành nhân ra cây mới, đến nay đã có hơn 300 gốc.

"Một phần trồng trên 200 m2 đất ở nhà, một phần gửi nhà chùa cạnh đó. Do ở quê chậu xi măng chỉ 10.000 đồng một chiếc nên gia đình toàn trồng trong chậu", chị Vui, 38 tuổi, cho biết.

Vợ chồng chị Vui bận kinh doanh cửa hàng thiết bị điện nên một tay cụ Hơn chăm sóc vườn hồng. Hàng ngày sau khi thức dậy khăn nón đầy đủ, cụ đi dạo một vòng quanh vườn, nhổ cỏ rồi mới vào ăn sáng. Năm nay đã 107 tuổi, tay cụ nhổ vẫn thoăn thoắt giống như "ngày xưa nhổ mạ tính điểm".

Cụ có sở thích đi xung quanh vườn ngắm hoa, không thể đếm được một ngày bao nhiêu lần. Nhiều lúc con cháu sợ cụ ngã nên phải gọi vào. Cụ Hơn bị lãng tai nên mỗi lần gọi cả xóm nghe.

Chị Vui kể, buồn cười nhất một lần hai bà cháu đang làm vườn, cụ đứng lên thì bị gai hồng vướng vào quần, thế là cất giọng móm mém: "Ai ghẹo mấy người mà kéo quần tui?". Cụ gỡ gai ra nhưng chưa hết, đi được vài bước mang cả gốc cả rễ theo. Thấy vướng, cụ quay lại mới phát hiện cây bị nhổ lên lại moi đất trồng lại, cây vẫn sống như chưa hề bị tác động gì.

Từ lúc đó, ngoài các cây hồng ta quen thuộc, trong vườn xuất hiện nhiều loại hồng lai, hồng ngoại màu vàng, cam, tím, đỏ và đa dạng dáng hoa khiến người lớn trong nhà thấy lạ. Nhất là cụ Hơn, mỗi lúc thấy màu hoa nào đậm lạ, dáng khum khum hay cánh viền xoăn, cụ trầm trồ khen.

"Cụ ngắm các bông hoa đẹp lâu lắm, rồi bâng khuâng kể ngày xưa chạy ăn còn chưa đủ, lấy đâu ra hoa đẹp như này", chị Vui kể.

Từ lúc trồng vườn hồng sạch gia đình thường lấy nụ và cánh hoa phơi khô làm trà, kết hợp với một số loại lá trong vườn để nấu nước uống hàng ngày.

Nhiều khi hoa rộ, chị Vui hái chưng cất nước hoa hồng cho mấy mẹ con, bà cháu dùng. Lúc con cháu xịt cho thì cụ khen nước thơm, nhưng tính tiết kiệm nên cứ bảo để dành cho mấy người trẻ dùng.

Con cháu cho biết, dù không còn răng, cụ Hơn vẫn thích nhâm nhi đậu phộng, hạt điều rang, ăn cơm chứ không thích ăn cháo.

"Người già đôi khi như ngọn đèn sắp tắt. Có hôm nội mệt, nửa đêm còn tìm đồ rồi khóc như đứa trẻ. Con cháu quây quần dụ nội tiêm mũi thuốc bổ và ru ngủ, sang ngày hôm sau nội khỏe trở lại", anh Hoàng, cháu nội cụ cho biết.

Cụ Hơn hiện có 4 con, 16 cháu, 21 chắt và 6 chút.

Những ngày nghỉ, cả gia đình thường cùng làm vườn và cắt hoa cắm bình. Mỗi lúc vậy, chị Vui, mẹ chồng và bà nội đi dạo vườn ngắm hoa lá, cười nói vì những chậu đã chật kín cả sân. Lúc đó cụ Hơn nói "Hoa đẹp đó mà để hết cái sân vầy rồi khi nội chết làm sao", rồi cười.

"Với gia đình hiện tại, vườn hồng và cụ là niềm vui lớn nhất mỗi ngày", chị Vui nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật