Trung Quốc chưa hết bất an về vụ việc Evergrande

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nguy cơ vỡ nợ của tập đoàn Evergrande đã giảm thiểu đáng kể sau khi nhà phát triển bất động sản này cam kết thanh toán lãi trái phiếu cho các nhà đầu tư vào ngày 22/9 vừa qua, nhưng rủi ro từ “quả bom nợ“ Evergrande đối với nền kinh tế vẫn chưa dừng lại tại đây.
Trung Quốc chưa hết bất an về vụ việc Evergrande
Ảnh minh họa

Hôm thứ Tư tuần này, Evergrande tuyên bố sẽ thanh toán 232 triệu nhân dân tệ (35,9 triệu đô la) cho khoản nợ bằng nhân dân tệ đến hạn vào ngày hôm nay.

Trong một bức thư gửi cho nhân viên nhân dịp Tết Trung thu hôm thứ Ba, người sáng lập kiêm Chủ tịch Hứa Gia Ấn bày tỏ sự tin tưởng rằng Evergrande có thể "vươn ra khỏi bóng tối".

Việc Evergrande thanh toán nợ là một tin tốt lành đối với Trung Quốc, chính phủ nước này đã nói rõ rằng giải quyết tình trạng bất ổn tài chính là ưu tiên hàng đầu hiện nay, nhưng cũng muốn tránh một gói cứu trợ có thể làm lu mờ thông điệp "thịnh vượng chung" của Đảng cộn‌g sả‌n Trung Quốc.

Thử nghiệm thực sự về tình hình dòng tiền của Evergrande diễn ra vào năm tới, khi khoản nợ 7,6 tỷ USD trên 6 loại trái phiếu tới kỳ đáo hạn. Lợi tức của khoản nợ này đã tăng vọt lên từ 320% đến 560%, khiến việc chuyển đổi sang trái phiếu mới trở nên khó khăn.

Một cuộc khủng hoảng tín dụng doanh nghiệp gây ra rắc rối tại các tổ chức tài chính, có khả năng đóng băng dòng tiền vượt ra khỏi lĩnh vực bất động sản, là viễn cảnh mà chính phủ Trung Quốc không hề muốn xảy ra.

Tình trạng nợ của Evergrande có thể gây ra những rủi ro như vậy. Nhà phát triển bất động sản này là cổ đông hàng đầu của Ngân hàng Shengjing, có trụ sở tại tỉnh Liêu Ninh. Ngân hàng Shengjing có tài sản 1 nghìn tỷ nhân dân tệ nhưng vốn chỉ có khoảng 80 tỷ nhân dân tệ.

Trong khi không có thông tin công khai về giao dịch giữa các công ty, một cơ quan xếp hạng tín dụng của Trung Quốc đã hạ cấp Shengjing Bank vào cuối tháng 7.

Giải quyết rủi ro đối với hệ thống tài chính là vấn đề được Ủy ban Kinh tế và Tài chính Trung ương Đảng cộn‌g sả‌n Trung Quốc thảo luận vào tháng trước, cùng với sự thúc đẩy thịnh vượng chung.

Mặc dù chính quyền Bắc Kinh có ý định cho phép một số vụ vỡ nợ xảy ra, nhưng là để nhằm mục đích ngăn chặn các cuộc khủng hoảng lan rộng như sụp đổ hệ thống ngân hàng.

Phản ứng của thị trường tài chính Trung Quốc đối với tình trạng hỗn loạn của Evergrande đang khá yên ắng. Lãi suất giao dịch liên ngân hàng Thượng Hải, hay còn gọi là Shibor, vẫn ở mức thấp 2%.

Các nhà chức trách Trung Quốc được biết đến với việc bơm ngân sách vào các ngân hàng thất bại trong việc giữ cho hệ thống tài chính ổn định. Năm ngoái, Bắc Kinh đã cho phép sử dụng 200 tỷ nhân dân tệ thu được từ trái phiếu cơ sở hạ tầng do các chính quyền khu vực phát hành để hỗ trợ các ngân hàng nhỏ gặp khó khăn.

Nhưng với Evergrande, chính phủ Trung Quốc đang ở một thế khó. Trong bối cảnh thịnh vượng chung thúc đẩy phân phối lại thu nhập từ những người giàu có, ngành bất động sản phải đối mặt với các quy định nghiêm ngặt về việc đi vay và giá bán.

Tác động của các vụ vỡ nợ của hai công ty HNA Group và Tsinghua Unigroup là rất hạn chế, do cả hai công ty đều bước vào quá trình tái cơ cấu phá sản. Nhưng nếu Evergrande - với khoản nợ 19,5 tỷ USD - gây ra một cú sốc tài chính, thì hậu quả có thể lây lan với mức độ toàn cầu.

"Chúng tôi không mong đợi chính phủ cung cấp bất kỳ hỗ trợ trực tiếp nào cho Evergrande", S&P Global cho biết hôm thứ Hai. "Chúng tôi tin rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ chỉ bị buộc phải can thiệp nếu hàng loạt doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng và gây ra rủi ro hệ thống cho nền kinh tế."

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật