Doanh nghiệp Lâm Đồng “gồng mình” duy trì sản xuất

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bắt đầu bước vào những tháng cuối năm, dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất tại tỉnh Lâm Đồng vẫn “gồng mình” duy trì hoạt động để kịp đáp ứng các đơn hàng cho giai đoạn cao điểm như hiện nay.
Doanh nghiệp Lâm Đồng “gồng mình” duy trì sản xuất
Công ty Trách nhiệm Dệt tơ tằm Việt Silk phải tổ chức phương án 3 tại chỗ cho gần 50 công nhân đi làm để duy trì sản xuất, đáp ứng đơn hàng xuất khẩu.

 Nỗ lực 3 tại chỗ

Những tháng cuối năm là thời điểm bắt đầu vào cao điểm cho thị trường xuất khẩu của ngành ươm tơ, dệt lụa ở thủ phủ tơ tằm Bảo Lộc. Mặc dù trong nhiều ngày qua, phố núi này không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng nhưng quy định bắt buộc về phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương như thực hiện phương án 3 tại chỗ, một cung đường hai điểm đến đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh làm việc trong nhà từ giữa tháng 8/2021 đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều công ty sản xuất tơ lụa buộc phải nỗ lực duy trì hoạt động. Trong khi một số khác không thể đáp ứng được 3 tại chỗ phải đóng cửa nhà xưởng, cho công nhân nghỉ việc.

Bà Hà Thị Hoa, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Xe tơ dệt lụa Hà Bảo, thành phố Bảo Lộc, cho biết, ban đầu do không thể đáp ứng được tiêu chí 3 tại chỗ nên công ty phải nghỉ hoạt động trong khoảng 1 tháng để chuẩn bị. Hiện nay đơn vị này đã quay trở lại sản xuất, vận động được 18 công nhân đi làm và ăn, ở tại nhà xưởng nhưng cũng chỉ đáp ứng được một nửa các đơn hàng.

“Thời điểm tháng 9 trở đi là cao điểm của ngành dệt may, đặc biệt khi các nước tình hình dịch ổn định tăng đơt đặt hàng nhưng chúng tôi cũng không dám nhận vì không đủ nhân lực hoạt động nếu cứ buộc phải hoạt động theo phương án 3 tại chỗ như thế này”, bà Hà cho biết thêm.

Tương tự, để duy trì hoạt động, Công ty TNHH Dệt tơ tằm Việt Silk cũng phải tổ chức 3 tại chỗ nhưng chỉ có gần 50 công nhân được đi làm, 100 công nhân khác phải nghỉ ở nhà. Chị Nguyễn Thị Minh Châu, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Dệt tơ tằm Việt Silk bày tỏ: do phải làm việc, ăn ở tại chỗ có những bất lợi về cá nhân, về gia đình nhưng bản thân phải cố gắng để cùng công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Dệt tơ tằm Việt Silk, để kịp tiến độ các đơn hàng đã đặt trước, công ty phải thực hiện 3 tại chỗ dù vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn và chi phí sản xuất tăng hơn 30%. Nếu phải tiếp tục kéo dài thêm một vài tháng nữa, chắc chắn đơn vị sẽ không thể duy trì được.

“Bảo Lộc đang là vùng xanh, nên chúng tôi cũng đề xuất cho công ty hoạt động trở lại bình thường để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kịp thời đáp ứng đơn hàng đã ký kết”, ông Dũng cho biết.

Công nhân mong được tiêm vaccine

Công ty TNHH Dalat Hasfarm là đơn vị đi đầu trong sản xuất hoa cắt cành xuất khẩu ở Lâm Đồng. Để phòng chống dịch, công ty đã thực hiện phương án 3 tại chỗ trong khu sản xuất tại Đạ Ròn (huyện Đơn Dương) rộng hàng trăm ha. Tuy nhiên, sau 3 tuần thực hiện, do chi phí tăng cao và phát sinh nhiều vấn đề bất cập, công ty này đã chuyển sang phương án chia ca hoạt động, thực hiện 5K trong quá trình làm việc.

Ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Dalat Hasfarm, cho biết: "Chúng tôi cũng chỉ biết cố gắng thực hiện các biện pháp phòng dịch để duy trì hoạt động, tới đâu hay tới đó để qua giai đoạn khó khăn này. Tuy nhiên hiện nay Công ty có 4.000 công nhân nhưng mới có khoảng 250 người, chủ yếu ở Đà Lạt, được tiêm 1 mũi vaccine, số còn lại chưa biết khi nào được tiêm mặc dù chúng tôi đã đăng ký qua rất nhiều đầu mối ở địa phương.

Công nhân Công ty TNHH Dalat Hasfarm làm việc tại trang trại ở Đạ Ròn (huyện Đơn Dương) đảm bảo khoảng cách an toàn và chia 2 ca làm việc khác nhau trong ngày để phòng, chống dịch. 

Tương tự, Công ty cổ phần Viên Sơn, huyện Đức Trọng là đơn vị chuyên chế biến khoai lang, rau củ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Để đảm bảo duy trì hoạt động đều đặn đáp ứng đơn hàng xuất khẩu, công ty phải áp dụng nhiều giải pháp phòng dịch như test COVID-19 cho công nhân mỗi tuần, siết chặt quản lý đội ngũ lái xe chở hàng đi, đến công ty, thực hiện khai báo y tế đối với công nhân, người ra vào đơn vị…

Giám đốc Công ty cổ phần Viên Sơn, ông Nguyễn Duy Đa cho biết:  dù chi phí tăng khoảng 20% nhưng đơn vị phải cố gắng duy trì nguồn cung cho thị trường, đặc biệt là những khách hàng mới ở thị trường khó tính như Nhật Bản trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Ngoài các khoản chi phí vận chuyển tăng, nhập nguyên liệu khó khăn, công ty cũng đang gặp khó trong việc tiêm vaccine cho hơn 200 công nhân. Mặc dù đơn vị đã đăng ký nhiều lần nhưng đến nay chưa công nhân nào được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết: do nguồn phân bổ vaccine về địa phương thời gian qua còn rất ít nên hiện tại ngành y tế mới phủ được mũi 1 cho công nhân ở hai khu công nghiệp lớn của tỉnh gồm Phú Hội và Lộc Sơn (khoảng 6.000 người). Sau đó tùy vào nguồn vaccine và tình hình dịch tại địa phương, tỉnh sẽ tiêm cho công nhấn tại các nhà máy, đơn vị sản xuất bên ngoài các khu công nghiệp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật