Quảng Ninh tăng trưởng kinh tế xếp thứ 4 khu vực phía bắc

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Để đưa Quảng Ninh đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm nay, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký khẳng định phải tập trung vào những ngành trọng điểm, chủ lực, có sản phẩm thực tế.
Quảng Ninh tăng trưởng kinh tế xếp thứ 4 khu vực phía bắc
Quảng Ninh không thay đổi chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trên 2 con số trong năm 2021.

Dù chịu tác động bởi dịch Covid-19, các lĩnh vực kinh tế của tỉnh Quảng Ninh vẫn duy trì mức tăng trưởng khả quan. Theo thống kê 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tăng 8,02%.

Những con số nổi bật

6tháng đầu năm, khu vực nông, lâm, thủy sản của tỉnh Quảng Ninh tăng 4,02%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,64%; khu vực dịch vụ tăng 7%. Nguyên nhân giúp Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng kinh tế xếp thứ 4 khu vực phía bắc là sự bứt phá của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 38,95% so với cùng kỳ, đóng góp 3,74 điểm phần trăm trong tốc độ tăng trưởng GRDP. Đây là ngành chiếm tỷ trọng lớn thứ 3 trong nền kinh tế của tỉnh với 11,7%.

Tính từ đầu năm đến tháng 8, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 30.471 tỷ đồng, bằng 60% dự toán, 93% cùng kỳ. Công tác quản lý chi ngân sách tiếp tục được tăng cường. Chi thường xuyên ngân sách tỉnh thực hiện 8 tháng đạt 5.973 tỷ đồng, bằng 46% dự toán, 95% cùng kỳ.

Trong điều kiện khó khăn của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, Quảng Ninh vẫn đạt kết quả tích cực khi thu hút số lượng lớn nguồn vốn ngoài ngân sách. Trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn ngoài ngân sách đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt 269.497 tỷ đồng, gấp 5 lần kịch bản đề ra.

Tính riêng trong tháng 8, tổng vốn thu hút vốn ngoài ngân sách đạt hơn 8.700 tỷ đồng, lũy kế 8 tháng đạt 268.095 tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu năm, tỉnh cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 27 dự án có vốn đăng ký và tăng thêm là 26.921 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ.

Theo số liệu mới nhất tính đến tháng 8, tỉnh đã phê duyệt mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 42 dự án với tổng vốn đăng ký 242.173 tỷ đồng. Một số dự án tiêu biểu trên địa bàn có thể kể đến dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam, khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, nhà máy sản xuất công cụ y khoa tại xã Quảng Phong, (huyện Hải Hà)…

Bên cạnh đó, Quảng Ninh giữ vững vị trí đứng đầu toàn quốc trong bảng xếp hạng 4 chỉ số, gồm: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS).

Tại phiên họp thường kỳ tháng 6, sau khi đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Tường Văn - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - nhấn mạnh tỉnh quyết tâm không thay đổi chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 trên 2 con số. Khi tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm mới đạt 8,02%, mục tiêu của tỉnh 6 tháng cuối năm là đảm bảo tăng trưởng kinh tế trên 11,78% để đến hết năm đạt kế hoạch.

Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng từ nay đến cuối năm

Tại cuộc họp giao ban của Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh cuối tháng 8, nhiều giải pháp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cho từng quý và cả năm đã được đưa ra. Thống nhất với các ý kiến tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký khẳng định từ nay đến cuối năm, tỉnh phải tập trung vào những ngành, lĩnh vực trọng điểm, chủ lực, có sản phẩm thực tế để đóng góp tăng trưởng.

Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Trong các ngành trọng điểm, ngành than được đánh giá có nhiều tín hiệu lạc quan và hứa hẹn khởi sắc giai đoạn tới. Ông Ký đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam lên kế hoạch tổng động viên để tăng sản lượng từ 1 triệu đến 1,5 triệu tấn so với kịch bản đề ra đầu năm. Tổng Công ty Đông Bắc phấn đấu tăng sản lượng 350.000-500.000 tấn so với đầu năm.

Với mục tiêu hỗ trợ tối đa, tỉnh cam kết sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn giúp ngành than ổn định sản xuất, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần thực hiện mục tiêu về tăng trưởng chung của tỉnh.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, Quảng Ninh xác định đầu tư công là trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hoàn thành tiến độ các dự án; tập trung tháo gỡ, giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch, đất san lấp, giấy phép mặt bằng, lao động và các điều kiện thi công; phải chỉ rõ địa chỉ, gắn trách nhiệm cụ thể.

Đối với các dự án trọng điểm ở khu vực ngoài Nhà nước, các ngành cần tích cực vào cuộc đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ, nhất là những dự án liên quan đến hạ tầng khu công nghiệp, du lịch dịch vụ, đô thị và khu vực dân doanh.

Trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, tỉnh sẽ tập trung cho các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo có thể ra sản lượng vào cuối năm, cũng như tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà, Việt Hưng và Cái Lân… tăng năng suất, sản lượng, đóng góp tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh đánh giá ngành dịch vụ, dịch vụ bán lẻ, dịch vụ thương mại biên giới và vận tải năm nay có chuyển biến tích cực. Việc tiếp tục giữ địa bàn an toàn sẽ là cơ hội để thúc đẩy các ngành này đóng góp cho tăng trưởng của Quảng Ninh.

Ngành dịch vụ tại Quảng Ninh được kỳ vọng khởi sắc dịp cuối năm.

Đối với khu vực nông, lâm, thủy sản, sản lượng thủy sản phục vụ thị trường trong và ngoài nước, sản lượng lâm nghiệp cần giữ vững. Công tác phòng chống dịch bệnh ngành nông nghiệp và phòng chống rét trên gia súc, gia cầm cũng cần được chủ động triển khai.

Về thu chi ngân sách, các cấp, ngành cần chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành thu chi ngân sách; rà soát khoản thu ngân sách, nhất là thu thuế, phí, thu từ tiền sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản; tập trung khai thác nguồn thu mới để bù đắp khoản giảm thu, thất thu ở ngành dịch vụ, du lịch và nhiều ngành kinh tế khác.

Nhấn mạnh đến trách nhiệm của địa phương, ông Ký yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn ngân sách trung ương, vốn tỉnh, vốn cấp huyện do huyện làm chủ đầu tư theo đúng chủ trương của tỉnh.

Các địa phương cần vào cuộc tích cực hơn nữa để tập trung giải quyết giấy phép mặt bằng và các vấn đề liên quan đến dự án đầu tư công, dự án hợp tác công tư; tập trung thu ngân sách theo kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, địa phương cần tăng cường công tác phối hợp với sở, ngành trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Quảng Ninh quyết tâm không điều chỉnh mục tiêu đề ra. Thay vào đó, tỉnh tập trung chỉ đạo, bổ sung những giải pháp trọng tâm, trọng điểm để thực hiện, kiên trì bảo vệ thành trì chống dịch và tăng cường phát triển kinh tế.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật