“Tôi mất việc, tài khoản không còn nổi một triệu đồng”

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mất việc, trắng tay, nợ nần chồng chất vì dịch bệnh kéo dài, nhiều người bị nhấn chìm trong ’nỗi buồn Corona’.
“Tôi mất việc, tài khoản không còn nổi một triệu đồng”
Ảnh minh họa

Covid-19 được coi như một cơn sang chấn tập thể, nghĩa là ai cũng có thể bị ảnh hưởng về mặt tinh thần. Trạng thái hoang mang vô định, không biết ngày nào thoát ra được hay mọi thứ đột ngột bị dở dang là phổ biến nhất. Mỗi độ tuổi lại gặp phải những khó khăn khác nhau. Học sinh, sinh viên lo việc học online, không biết bao giờ được quay trở lại trường và gặp bạn bè. Người già lo về các vấn đề bệnh nền có sẵn và dễ nhiễm virus. Lao động tự do đối mặt với nỗi lo mất việc, gánh nặng chi phí nếu phải cách ly hoặc băn khoăn về thời điểm, điều kiện đi làm lại.

Trước dịch, thu nhập của tôi tầm 25 triệu một tháng, cộng thêm việc mua bán nhà đất bên ngoài, nên cuộc sống khá thoải mái và tự tin khi gặp bạn bè. Nhưng rồi mọi thứ dần đi xuống khi dịch bùng phát, thu nhập giảm, buôn bán nhà đất không được, trong khi hàng tháng tôi vẫn phải "còng lưng" trả nợ ngân hàng. Có lúc, tài khoản không còn nổi một, hai triệu đồng.

Nhiều lúc nhìn lại thời hoàng kim năm 2019, trước khi dịch bệnh ấp đến, công việc chính cũng làm ra tiền, công việc phụ cũng "hái" ra tiền, nhìn đâu tôi cũng thấy màu hồng. Còn giờ, tất cả chỉ còn lại nỗi chán chường. Trước đó, tôi cũng dự tính đến tháng 4/2021 là sẽ mua căn chung cư trả góp, nhưng giờ tôi chỉ mong đủ tiền trả nợ ngân hàng mỗi tháng, cho đến khi tình hình dịch bệnh ổn định trở lại rồi làm lại từ đầu.

Các nghiên cứu khắp thế giới chỉ ra, giãn cách xã hội do Covid-19 tác động mạnh mẽ đến sức khỏe tinh thần của con người. Ở Hàn Quốc thậm chí còn phát sinh thuật ngữ "nỗi buồn Corona" để chỉ tình trạng trầm uất do Covid-19. Nó khiến cả những người khỏe mạnh cũng mệt mỏi. Giới trẻ được cho là có khả năng chống đỡ và phục hồi tốt thì nay lại trở thành nhóm đối tượng chịu tác động tâm lý nặng nề nhất do Covid-19.

Thế nhưng, không phải ai cũng chọn cách gục ngã, chấp nhận số phận. Nhiều người vẫn cố gắng bình tâm, coi đây như một bước nghỉ, để lấy đà, chờ cơ hội bứt phá, lấy lại những gì đã mất:

terrylam66

Trước dịch, tôi có công việc từng thu nhập trăm triệu đồng. Khi dịch bắt đầu hoành hành, tôi bị mất việc vì công ty mất đa số khách hàng và phải xa thải rất nhiều nhân viên. Trong khi mất việc, tôi xin làm thêm cả những việc tay chân, khuân vác, nhưng tất cả đều không cho tôi cơ hội vì lớn tuổi và chưa làm nặng bao giờ.

Sáu tháng ròng thất nghiệp, với rất nhiều áp lực của những cuộc đầu tư dở dang trước đó, đã ngốn hết số vốn mà tôi dành dụm bấy lâu nay. Lúc đó, tôi mới thấy những người có việc làm thật quá hạnh phúc và may mắn, dù đồng lương có thể chỉ khoảng 10-15 triệu một tháng. Lúc đó, tôi ước ao được đi làm như họ.

Trong lúc tuyệt vọng, có một cô bạn làm cùng tôi khi trước đã gọi điện và động viên rất nhiều. Cô ấy nói: "Anh giỏi thế mà, em chỉ muốn được một nửa của anh thôi đã là thành công rồi". Lời nói này đã giúp động viên tôi nộp nhiều đơn xin việc hơn nữa. Sau đó, cũng may, một công ty đang gặp khó khăn vì bị nhân viên nghỉ việc hàng loạt, đã nhận tôi vào làm để hỗ trợ tạm thời. Từ đó, tôi từng bước đi lên, qua ba tháng, giờ đây mức lương của tôi đã trở về bằng lúc trước.

Bài học đây tôi muốn nói là không có công việc nào xấu cả. Bạn đang có việc làm là đã may mắn hơn rất nhiều người rồi. Chẳng có gì phải buồn dù lương thấp vì đây không phải là lỗi của bạn. Khi dịch bệnh qua đi, kinh tế quay trở lại, tôi tin chúng ta sẽ sớm trở lại như xưa.

Theo thống kê mới nhất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến lúc này, đã có hơn hai triệu người mất việc, dừng việc, nghỉ không lương do dịch Covid-19 bùng phát. Trong khi đó, mới có hơn 1,16 triệu công nhân được thụ hưởng chính sách từ nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng).

Dù vẫn buồn vì những mất mát mà Covid-19 gây ra, nhưng không ít người vẫn tự nhủ phải mạnh mẽ để làm lại từ đầu. Độc giả Thido chia sẻ: "Tôi cũng thất bại, phải đóng cửa công ty, chấp nhận lỗ vốn, mất nhà, mất xe. Thế nhưng, thay vì nản chí, tôi đang đứng dậy tìm việc làm, góp nhặt từng đồng để trả nợ. Mục tiêu đến cuối đời của tôi cũng chỉ là gia đình được bình an và trả hết nợ cho những người tốt bụng đã cho tôi vay.

Với tôi, bây giờ vẫn có cái để mất là tốt quá rồi, chỉ cần cả gia đình bình an, có sức khỏe là ta sẽ làm lại được. Càng khó, ta càng phải đi ra ngoài, đi gặp bạn bè để nạp thông tin có ích (không nhậu nhẹt bê tha là được), tránh sĩ diện hão, hay than vãn, kể cả về công việc. Hãy vững tin rằng ’có sức người sỏi đá cũng thành cơm’".

Thất nghiệp, trắng tay vì dịch bệnh kéo dài, bạn đọc Khoa Nguyen vẫn chọn cho mình một tâm thế bình tâm với niềm tin "ngược gió bay cao như cánh diều": "Ở tuổi 33, tôi cũng trải qua tình trạng thất nghiệp, phải để vợ nuôi. Thời gian đó, tôi ở nhà, học tiếng Anh, rồi thi chuyển tiếp bậc đại học. Sau khi đi làm lại, mọi thứ dần ổn định, tôi tốt nghiệp Đại học, có cuộc sống ổn hơn nhiều. Tôi thầm cảm ơn giai đoạn thất nghiệp đó và cả người thân, nhất là vợ khi đã luôn ủng hộ, giúp tôi không tự ti, cố gắng hết sức để học và làm việc tiến thân. Con diều bay lên cao được là nhờ ngược gió và có một sợi dây níu giữ".

Cũng chọn cách đối mặt với khó khăn thay vì trốn tránh, độc giả Dung Nguyễn Thị Mỹ bày tỏ: "Tôi 28 tuổi, từ đầu năm ngoái tới tháng 3 năm nay, tôi rơi vào tình trạng thất nghiệp. Tôi nhận ra rằng, không ai thực sự chê bai, dè bỉu gì khi mình mất việc hoặc không có thu nhập tốt như trước. Hãy cứ trả lời mọi câu hỏi, đối diện với khó khăn để mọi người có thể giúp đỡ. Áp lực phần lớn là đến từ chính bản thân mình tạo ra, bạn bè hay người quen không ai kỳ vọng ở bạn nhiều như chính bản thân bạn cả. dịch này, cứ cốt có việc làm tạm đã, qua dịch rồi tính tiếp".

Giữ vừng niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn sau đại dịch, nhiều người bày tỏ niềm lạc quan và quyết tâm đứng lên từng chính nơi ngã xuống:

Tôi cũng có công việc tốt nhưng do dịch bệnh nên đã phải tạm nghỉ hai tháng nay. Lương lúc trước của tôi khá thấp nhưng vẫn thấy ổn. Tôi biết rằng, không chỉ riêng mình, mà còn rất nhiều người khác cũng đang trong hoàn cảnh tương tự, thậm chí tệ hơn rất nhiều. Nhưng họ vẫn cố gắng để vượt qua, vì còn thở là còn gỡ. dịch bệnh sẽ qua và chúng ta sẽ lại có công việc khác, cứ từ từ gỡ gạc.

Với riêng tôi, sau khi trăng tay, tôi không ngại nói thẳng với bạn bè, người quen rằng mình thất nghiệp, không còn tiền... Thay vì chê cười, họ đã hỗ trợ tôi rất nhiều cả về tinh thần và vật chất, thậm chí họ gửi gắm vài món đồ ăn trong lúc dịch bệnh để giúp đỡ tôi. Thế nên, khi gặp khó khăn, đừng tự ti vì nó chẳng giúp ích được gì cho bạn cả.

Tôi là con gái, cũng đang vào hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh. Thu nhập lúc trước tôi khoảng 15-30 triệu đồng một tháng, chưa lập gia đình, và công việc đang trên đà phát triển. Tôi cũng tự kinh doanh riêng bên ngoài và mọi thứ đều liên quan đến khách sạn. Hai năm nay, ảnh hưởng của Covid-19, cộng thêm việc bị lừa một khoản do mới kinh doanh còn "non đời".

Lúc dịch bùng phát ở Đà Nẵng năm 2020, tôi rất stress, mất năng lượng, nhưng rồi tập dần và cố suy nghĩ tích cực hơn. Hiện tại, tôi đã tìm được lối đi mới và suy nghĩ cũng tích cực hơn. Cách em thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực là tập trung vào việc học nhiều hơn, luôn nghĩ về những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh hơn mình. Thực ra, bản thân mình bây giờ chưa khổ cực, vất vả bằng nhiều người khác ở ngoài kia.
Quan trọng nhất là chúng ta cần cố gắng, giữ sức khỏe, có nhiệt huyết, rồi sẽ lại làm ra tiền và mọi thứ sẽ được giải quyết. Tình hình dịch bệnh như thế này, có thể nhiều người cũng rơi vào tâm lý như tôi từng trải qua. Nhưng u sầu, phiền não mãi cũng không phải các giải quyết cho vấn đề hiện tại. Chúc các bạn sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật