4 điều cần ghi lại khi phỏng vấn nhân sự

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vòng phỏng vấn nhân sự luôn đòi hỏi sự tập trung và tương tác giữa cả phía nhà tuyển dụng lẫn ứng viên để mang lại hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh việc lắng nghe, chia sẻ trong vai trò một nhà tuyển dụng hiện đại, bạn cần biết cách khái quát và tóm tắt những thông tin quan trọng.
4 điều cần ghi lại khi phỏng vấn nhân sự
Ảnh minh họa

Ghi chép chính là bí quyết quan trọng để giúp bạn dễ dàng hơn trong việc đánh giá và ra quyết định tuyển chọn ứng viên. Dưới đây là 4 điều bạn cần ghi lại trong quá trình phỏng vấn nhân sự.

Điểm mạnh, điểm yếu

Những đặc điểm nổi bật của ứng viên chính là cơ sở để nhà tuyển dụng phân loại và đánh giá tùy vào ưu nhược điểm của từng người. Vì vậy đây chính là nội dung đầu tiên cần được ghi chú trong quá trình phỏng vấn.

Không ít nhà tuyển dụng thường có thói quen chỉ lắng nghe ứng viên trình bày điểm mạnh và điểm yếu và tự tin rằng mình có thể nhớ được. Thế nhưng như đã nói, mỗi ứng viên sẽ có những đặc điểm rất cụ thể và chi tiết vì vậy sẽ rất khó để bạn tìm ra đâu là ứng viên phù hợp nhất.

Cách lập bảng so sánh điểm mạnh và điểm yếu của từng người cũng sẽ rất hiệu quả để đánh giá. Ví dụ, hãy chú thích nếu ứng viên A có thế mạnh trong sáng tạo nội dung, hoặc ứng viên B giỏi tổ chức và quản lý dữ liệu, điểm yếu của cả A và B đều là chưa có nhiều kinh nghiệm,…

Câu trả lời chuyên môn

Khi bước đến những yêu cầu về chiều sâu kiến thức chuyên ngành thì đòi hỏi nhà tuyển dụng cần tập trung để nắm bắt câu trả lời của các ứng viên. Đây đều là những nội dung có tính phức tạp và tương đối quan trọng bởi lẽ mỗi câu trả lời sẽ là đại diện cho thói quen tư duy, phong cách làm việc hay thậm chí những tiềm năng, giá trị ở mỗi cá nhân.

 Vì vậy việc hời hợt trong cách tiếp nhận những thông tin này sẽ làm bạn bỏ qua các chi tiết hữu ích. Bên cạnh đó đây sẽ là cơ sở tham khảo khách quan mà cấp trên hoặc những nhân sự có chuyên môn, kinh nghiệm có thể xem qua và cho bạn một số ý kiến.

Mức lương đề xuất

Những thông tin về đề xuất lương bổng mà ứng viên cung cấp nên được quan tâm và ghi chú rõ ràng. Bạn không nên chỉ ghi mỗi con số lương, đây không phải nội dung đầy đủ để các bộ phận khác xem xét và đánh giá.

Thay vào đó, hãy hỏi cụ thể hơn về những cơ sở mà ứng viên đưa ra mức lương này, tìm hiểu thêm ngoài lương thì đâu là chế độ đãi ngộ mà ứng viên mong muốn khi làm việc ở vị trí này.

Hãy ghi chú rõ nhân viên đã xây dựng mức lương dựa vào nhu cầu cá nhân hay tham khảo số liệu, mức lương cũ hay là sự kết hợp giữa giá trị hiện tại và tiềm năng tương lai,… Nếu có thể, hãy ghi kèm nếu ứng viên có thái độ tự tin, dứt khoát hay rụt rè, ấp úng khi nói về vấn đề này.

Những câu hỏi của ứng viên

Ở giai đoạn cuối buổi phỏng vấn nhân sự, hãy dành thời gian để các ứng viên có cơ hội đặt câu hỏi hoặc trình bày những nguyện vọng của bản thân. Sẽ có những câu hỏi mà bạn hoàn toàn có thể trả lời cho ứng viên ngay tại thời điểm đó như văn phòng làm việc, thời gian làm việc,… Thế nhưng khi ứng viên thắc mắc hoặc muốn hỏi sâu hơn vào các vấn đề chuyên môn mà bạn không thể chắc thì đừng ngại ghi chú lại vào sổ và hẹn sẽ giải đáp qua email.

Hành động lắng nghe và ghi chép nghiêm túc này không chỉ giúp bạn thể hiện sự chuyên nghiệp, quan tâm đến những câu hỏi của ứng viên mà còn là sự chủ động để chuẩn bị câu trả lời đầy đủ và chính xác, tránh gây hiểu nhầm hoặc trả lời sai thông tin.

Trên đây là 4 điều nhà tuyển dụng nên ghi lại khi phỏng vấn nhân sự. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm những kinh nghiệm hữu ích khi trò chuyện với những ứng viên trong thời gian sắp tới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật