Những nữ doanh nhân ‘quê hương 5 tấn‘ đảm đang, tài năng và sở hữu khối tài sản đáng nể

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sự nghiệp đáng nể, khối tài sản kếch xù là những gì người ta biết khi nhắc tới 3 nữ doanh nhân giỏi việc nước, đảm việc nhà của tỉnh Thái Bình.
Những nữ doanh nhân ‘quê hương 5 tấn‘ đảm đang, tài năng và sở hữu khối tài sản đáng nể
Nữ doanh nhân Phạm Thị Ngắn được tôn vinh vì những đóng góp của mình trong nghề cói. (Ảnh: Vnexpress)

Nữ doanh nhân khởi nghiệp từ nghề đan cói

Sinh ra tại vùng quê nghèo huyện Tiền Hải, Thái Bình, doanh nhân Phạm Thị Ngắn là tấm gương vươn lên trong nghèo khó khiến nhiều người nể phục.

Cách đây hơn 30 năm, gia đình chị Ngắn rơi vào cảnh lao đao sau trận bão lớn. Khó khăn, túng quẫn, chị bươn chải đủ nghề để nuôi con, từ nhận trông trẻ, gánh phân, đi cấy, đi gặt và tập tành đan cói...

Sau nhiều năm làm thuê, năm 1996, chị Ngắn quyết định khởi nghiệp với những sản phẩm từ cây cói ở quê nhà. Chị tham khảo, sưu tầm các mẫu được ưa chuộng và cách tân, sáng tạo thêm các mẫu mã mới rồi đem đi giới thiệu, chào hàng. Năm 2004, chị thành lập doanh nghiệp tư nhân Tây An chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và xuất khẩu các sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Không chỉ dừng lại ở nguyên liệu cói, chị Ngắn sử dụng thêm các nguyên liệu khác thân thiện với môi trường như bẹ ngô, bèo bồng, dây giấy, mây tre... vào các sản phẩm mới.

Theo thông tin báo điện tử Vnexpress (năm 2016), doanh nghiệp Tây An có mạng lưới trên 60 tổ sản xuất rải khắp 8 huyện, thành phố Thái Bình với hơn 7.000 lao động, đa số là nữ. Chị còn đầu tư 500-700 triệu đồng để mở lớp nâng cao tay nghề cho người lao động, đóng góp vào các chương trình gây quỹ từ thiện xã hội như ủng hộ trẻ mồ côi, quỹ trái tim nhân đạo, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng nông thôn mới…

Nhờ những đóng góp của mình chị đã được vinh danh với danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam và nhận giải thưởng “Phụ nữ tự tin tiến bước”, “Doanh nhân tiêu biểu khu vực duyên hải phía Bắc” vì thành tích xuất sắc trong trong lao động.

Nữ doanh nhân có tấm lòng nhân hậu

Trong giới kinh doanh, không ai không biết tới nữ doanh nhân Nguyễn Thị Dương (Thái Bình). Không chỉ có tài kinh doanh giỏi, chị còn được được đông đảo người dân trong, ngoài tỉnh ngưỡng mộ nhờ tấm lòng nhân hậu, thường xuyên giúp đỡ người nghèo.

Vợ chồng doanh nhân Nguyễn Thị Dương được nhiều người ngưỡng mộ. (Ảnh: VietQ)

    

Kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, chị Dương đã trải qua không ít khó khăn từ khi khởi nghiệp cho tới lúc công ty vững mạnh, vươn lên trở thành một thương hiệu được nhiều người biết đến. Với những cống hiến của mình, năm 2015, chị vinh dự được chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng kỉ niệm chương công nhận nữ doanh nhân xuất sắc.

Sở hữu khối tài sản khủng trong tay, vợ chồng chị Dương không quên nghĩ tới những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Theo thông tin đăng tải trên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống, mỗi năm chị đều giúp đỡ người nghèo có gạo ăn, đứng lên tổ chức các chương trình từ thiện như: Xây nhà tình nghĩa, Tết Trung thu cho trẻ em nghèo, phát cháo miễn phí trong một số bệnh viện.

Dành phần lớn thời gian cho công việc và những người có hoàn cảnh bất hạnh, vậy nhưng nữ doanh nhân Nguyễn Thị Dương vẫn nổi tiếng là người vợ đảm đang khi luôn chu toàn công việc gia đình. Vợ chồng chị cũng nổi tiếng bởi luôn dành sự yêu thương, quan tâm cho nhau và luôn “làm mới” cuộc sống của mình với những lần chi tiền mạnh tay tổ chức tiệc sinh nhật cho vợ, hay kỷ niệm 10 năm ngày cưới.

Nữ doanh nhân từng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt

Bà Chu Thị Bình từng là nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt. (Ảnh: Trí thức trẻ)

Sinh ra tại quê lúa Thái Bình, sau khi tốt nghiệp THPT, bà Chu Thị Bình theo người thân vào Nam lập nghiệp. Bà đã từng trải qua nhiều công việc khác nhau như làm công nhân, kế toán, thủ quỹ... Dù ở vị trí nào, đảm nhận công việc nào, bà Bình cũng đều làm việc với sự nhiệt huyết, say mê.

      

Năm 1992, vợ chồng bà Bình thành lập doanh nghiệp tư nhân Minh Phú (sau đổi tên thành Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Minh Phú) với số vốn ban đầu là 120 triệu đồng. Nhờ nỗ lực không ngừng, đến năm 2006, Minh Phú đã có vốn điều lệ là 700 tỷ đồng với 5.000 công nhân làm việc trong nhà máy.

Theo báo điện tử Trí thức trẻ khi cổ phiếu Minh Phú lên sàn chứng khoán, số cổ phần của hai vợ chồng bà Bình nắm trong tay tương đương hơn 50% cổ phần của toàn công ty. Việc sở hữu một số lượng lớn cổ phiếu MPC đã khiến tài sản trên sàn chứng khoán của bà ước tính đạt 1.145 tỷ đồng. Bà Bình xếp thứ 5 trong top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt và ở vị trí đầu tiên đối với các nữ doanh nhân. Bà chính là "nữ hoàng" chứng khoán đầu tiên của Việt Nam.

Tuy nhiên, năm 2015, 70 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) chính thức hủy niêm yết toàn bộ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM. Khi đó, bà Bình nắm 17.475.010 cổ phiếu MPC tương đương 25,29% cổ phần doanh nghiệp này.

Tính theo trị giá khi đó, số cổ phiếu này tương đương 2.132 tỷ đồng.

Số tài sản này nếu đem so sánh với những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt năm 2015 thì bà Bình có thể đứng ở vị trí thứ 6 trong danh sách người giàu nhất Việt Nam và là thứ 3 trong Top những nữ doanh nhân giàu nhất Việt Nam, báo Trí thức trẻ khẳng định.

Đây chỉ là 3 trong số rất nhiều nữ doanh nhân “giỏi việc nước, đảm việc nhà” của tỉnh Thái Bình. Không chỉ tạo dựng được cho bản thân một sự nghiệp riêng bền vững, họ còn khiến nhiều người khâm phục bởi những đóng góp nhiệt tình cho công tác xã hội.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật