Thủ đoạn tinh vi lấn chiếm đất rừng ở Thừa Thiên - Huế

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thủ đoạn tinh vi của các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng rất tinh vi khiến nhiều diện tích rừng tự nhiên ở Thừa Thiên - Huế đang mất dần.
Thủ đoạn tinh vi lấn chiếm đất rừng ở Thừa Thiên - Huế
Nhiều cây rừng chết khô dần ở nơi tiếp giáp giữa cánh rừng tự nhiên và rừng keo trồng.

Thực trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng ở huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) - nơi tiếp giáp vùng đệm vườn Quốc gia Bạch Mã lâu nay đã là một thực tế dai dẳng. Lần theo phản ánh của người dân ở xã Hương Phú (huyện Nam Đông), PV Người đưa tin Pháp Luật đã có mặt tại các điểm lấn chiếm rừng tự nhiên tại địa phương này để ghi nhận.

Theo người dân địa phương, trước đây tại những điểm rừng này là bạt ngàn màu xanh của các cánh rừng tự nhiên. Tuy nhiên, hiện tại những diện tích rừng tự nhiên đã được thay thế bằng các rừng keo trồng 2-3 năm tuổi.

Ghi nhận của PV, xen lẫn trong những rừng keo trồng này vẫn còn dấu vết của các gốc cây rừng bị đốn hạ. Theo người phản ánh, thủ đoạn của các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng rất tinh vi. Chúng thường tiến hành đẽo vỏ hoặc cho đốt các gốc cây rừng để những cây này chết dần chết mòn. Trong quá trình đó, kết hợp với việc phát quang các bụi rậm xung quanh, những cây keo sẽ được trồng lớn dần thay thế các cây gỗ rừng tự nhiên đang chết dần.

Xen lẫn trong những rừng keo trồng nơi tiếp giáp rừng tự nhiên vẫn còn dấu vết của các gốc cây rừng bị đốn hạ.

Ngoài thủ đoạn đẽo vỏ cho cây rừng chết dần, những đối tượng này còn lợi dụng việc đốt thực bì để khiến nhiều diện tích cây rừng giáp với vườn keo bị héo úa. Sau đó, âm thầm cho trồng keo thay thế.

Nhiều gốc cây rừng bị đẽo vỏ để chết dần chết mòn.

Một gốc cây gỗ rừng tự nhiên giữa rừng keo trồng có dấu hiệu bị đốt rồi đốn hạ.

Liên quan đến thực trạng này, PV đã có buổi làm việc với Hạt kiểm lâm Nam Đông. Từ vị trí tọa độ PV cung cấp, cán bộ kỹ thuật hạt này thông tin diện tích rừng bị chặt phá, lấn chiếm để trồng keo là khu vực rừng tự nhiên thuộc lô 2, khoảnh 13, tiểu khu 370, chủ rừng là UBND xã Hương Phú. Một phần tọa độ này có cả diện tích rừng tự nhiên thuộc vùng đệm vườn Quốc gia Bạch Mã.

Ông Hoàng Văn Chúc, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Nam Đông nhấn mạnh, trên cơ sở các tọa độ mà PV cung cấp, hạt sẽ triển khai lực lượng cho tiến hành kiểm tra thực địa. Qua kiểm tra, xác định được chủ rừng, phía hạt sẽ yêu cầu đơn vị đó báo cáo, đồng thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật