Italy và sức mạnh của những kẻ bị chối bỏ

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hàng triệu CĐV Italy trên toàn thế giới và cả những khán giả trung lập có lẽ đều chưa quen với danh tính đầy mới mẻ, bốc lửa và đam mê đến thế của ’Azzurri’.
Italy và sức mạnh của những kẻ bị chối bỏ
Ảnh minh họa

Trước khi Euro 2020 khởi tranh, những người Italy lạc quan nhất có lẽ cũng không thể tin đội bóng của HLV Roberto Mancini sẽ toàn thắng sau hai lượt trận, ghi tới 6 bàn vào lưới đối thủ, giành vé dự knock-out theo cách thuyết phục đến vậy.

Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sĩ hẳn nhiên không phải những ông lớn máu mặt để vội vã kết luận Italy sẽ trở thành điều gì đó lớn lao tại kỳ Euro đặc biệt nhất lịch sử này. Song với những CĐV yêu mến đội bóng áo màu thiên thanh, họ có quyền tin rằng Italy giờ không sợ bất kỳ đối thủ nào tại lục địa già.

"Chiến thắng ở nơi đâu?"

"Dov’è la Vittoria" (Chiến thắng ở nơi đâu) là câu hát nổi tiếng nhất trong bản quốc ca "Fratelli d’Italia" trứ danh của Italy. "Azzurri" đã luôn tự đặt ra câu hỏi đó cho chính mình ở những giải đấu lớn. Đáp án luôn là phòng ngự phản công với nền tảng hàng thủ chắc chắn.

Thứ tư duy ấy vốn được hình thành sau khi Italy thất bại trong việc giành vé dự World Cup 1958 trên đất Thụy Điển bằng lối chơi tấn công. Người Italy sau đó tin rằng chỉ phòng ngự mới giúp họ đạt tới vinh quang: Trước khi thắng, bạn phải đảm bảo không thua, và 0-0 là "tỷ số hoàn hảo".

Italy thắng thuyết phục Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters.

Nhưng đó đã là câu chuyện của quá khứ. "Italy đá để thắng", HLV Mancini nhấn mạnh sau chiến thắng 3-0 trước Thụy Sĩ. Ở Euro 2020, chiến thắng của Italy tới từ tư duy tấn công cùng cả tập thể di chuyển không biết mệt mỏi. Thụy Sĩ có lẽ đã không lường được việc Italy lao tới ăn tươi nuốt sống họ ngay sau tiếng còi khai cuộc.

Đó không chỉ là đánh phủ đầu. Tuyển Italy dồn đối thủ vào góc võ đài, liên tục ra đòn cho đến khi tiếng còi báo hết hiệp vang lên. Không làm nóng, không thăm dò, Italy lật ngửa bài ngay lập tức, buộc đối thủ phải chơi theo ý mình.

3 bàn từ Locatelli (cú đúp) và Ciro Immobile có thể vẫn là chưa đủ so với những cơ hội mà "Azzurri" đã tạo ra. Họ tung ra tới 13 cú sút trong cả trận, gấp đôi đối thủ, liên tục pressing ngay bên phần sân đối phương và chuyển đổi trạng thái cực nhanh để dàn xếp phản công.

Gần 60% số đường chuyền Italy tung ra trong trận này là chuyền lên, 26,4% nhắm thẳng vào 1/3 phía cuối sân đối phương. Hình ảnh Italy lùi sâu phòng ngự bên phần sân nhà, nhường quyền chơi bóng cho đối thủ và phản công ăn bàn ngay sau tiếng còi khai cuộc giờ hoàn toàn là câu chuyện của ngày hôm qua.

Song Italy cũng chưa bao giờ quên họ là ai. Sau khi dẫn 2-0 tới phút 70, Mancini rút tiền đạo phải Domenico Berardi khỏi sân để thay bằng Rafael Toloi. Italy chuyển từ 4-3-3 sang 5-3-2 và chủ động nhường quyền chơi bóng cho đối phương ("Azzurri" chỉ cầm bóng 31% trong 20 phút cuối trận).

Song ngay cả khi ấy, Italy vẫn tung ra 4 cú sút về phía Thụy Sĩ, gấp 4 lần điều đối thủ làm được ở chiều ngược lại và có bàn thứ ba của Ciro Immobile, bắt nguồn từ pha dâng cao giành lại bóng ngay từ phần sân đối thủ của Toloi.

Mancini và những cầu thủ Italy không quên họ có thể phòng ngự phản công tốt thế nào, song họ hiểu rõ đó chỉ là một giai đoạn chứ không phải đấu pháp xuyên suốt. Muốn chiến thắng, Italy phải tấn công. Và họ đã làm quá tốt.

Giá trị của những kẻ bị chối bỏ

Điều gì đã khiến Italy lột xác đến vậy sau 4 năm từ thời khắc không thể giành vé dự World Cup?

Giới quan sát đã mất nhiều giấy mực để mổ xẻ về cuộc cách mạng tư duy của Mancini cũng như sự trưởng thành của lứa cầu thủ trẻ tại xứ sở mỳ ống. Song sự khao khát của những cá nhân từng bị ruồng bỏ có lẽ là thứ giá trị ẩn chứa sâu nhất bên trong thành công tính đến lúc này của Italy tại Euro 2020.

Manuel Locatelli, người hùng của Italy trước Thụy Sĩ, thực tế chẳng phải cái tên xa lạ. Ngày 22/10/2016, Locatelli tạo ra khoảnh khắc chấn động Italy khi sút tung lưới Gianluigi Buffon, giúp Milan quật ngã Juventus. Chưa tròn 1‌8 tuổ‌i, nhưng Locatelli khi ấy đi vào lịch sử bóng đá Italy khi là cầu thủ trẻ nhất từng chọc thủng lưới huyền thoại của Juve.

Manuel Locatelli là hình ảnh biểu tượng cho Italy đến lúc này: Trẻ trung, không hào nhoáng, hiệu quả và bùng nổ. Ảnh: Reuters.

Song khoảnh khắc lóe sáng ấy lại là vinh quang cuối cùng của Locatelli trong màu áo Milan. Anh không được thể hiện nhiều ở những mùa giải tiếp theo khi chìm nghỉm ở đội hình "Rossoneri" vốn gặp vô vàn vấn đề từ thượng tầng đến ghế huấn luyện. Năm 2019, Locatelli bị Milan bán sang Sassuolo với giá vỏn vẹn 14 triệu euro.

Hai năm ở đội bóng tỉnh lẻ Sassuolo là thời điểm Locatelli nỗ lực tột bậc trên cả sân cỏ lẫn phòng gym để cải thiện kỹ thuật và sức mạnh thể chất. Anh khao khát chứng minh mình không phải kẻ bỏ đi. Locatelli đã làm được. Ở tuổi 23, Locatelli giờ dày mình hơn, kinh nghiệm hơn, khát khao hơn và bùng nổ ở sân khấu lớn Euro 2020 cùng tuyển Italy.

Leonardo Spinazzola, ngôi sao tấn công không biết mệt mỏi bên hành lang cánh trái của "Azzurri", cũng là người thừa theo cách khác. Thuộc biên chế Juventus trong gần 10 năm, nhưng Spinazzola chỉ đá vỏn vẹn 12 trận cho "Bà đầm già" và bị đem cho mượn khắp nơi.

Tháng 1/2020, Spinazzola suýt đổi đời khi được Inter Milan của Antonio Conte đánh tiếng chiêu mộ. Thương vụ hoàn tất đến phút chót thì Inter lật kèo. "Nerazzurri" tin Spinazzola quá gầy và dễ chấn thương. Bị từ chối, Spinazzola tiết lộ bản thân đã rơi vào cảnh u uất trong thời gian dài. Song chính anh quyết định mình phải thay đổi để tích cực hơn.

Giờ thì Spinazzola với những pha leo biên không biết mệt mỏi bên cánh trái của tuyển Italy chắc chắn đã chứng tỏ anh chẳng có vấn đề gì về thể lực và hoàn toàn đủ khả năng chơi bóng ở đẳng cấp cao nhất.

Ciro Immobile, trung phong ghi 2 bàn cho Italy tại Euro lần này, lại là một nhân vật bị chối bỏ kiểu khác. Ghi tới 155 bàn tại Serie A, nhưng chân sút sinh năm 1989 chưa từng được ghi nhận như là một tên tuổi lớn tại giải đấu cao nhất xứ sở mỳ ống.

Những giải đấu thất bại cùng tuyển Italy khiến Immobile luôn bị coi nhẹ trên quê hương mình. Nicky Baldini, ký giả chuyên về bóng đá Italy cho Guardian, tiết lộ Immobile từng bị gọi là tiền đạo "chẳng làm được trò trống gì tại tuyển quốc gia" ngay trên truyền thông nước này. Giờ thì tại Euro 2020, ở tuổi 31, Immobile đã liên tục nổ súng cho Italy.

Spinazzola, Locatelli và Immobile, 3 ngôi sao ở ba tuyến của tuyển Italy, đều là những nhân vật bị chối bỏ. Họ tới Euro lần này không đơn thuần để phục vụ ĐTQG, mà còn để khẳng định những người ruồng bỏ họ đã sai.

Italy của Mancini lúc này là tập thể mà phần lớn đều vô danh với những khán giả quen theo dõi Premier League hay Champions League. Một nửa đội hình xuất phát của họ trước Thụy Sĩ không được thi đấu tại Champions League mùa vừa rồi.

Song chính những con người ít tên tuổi ấy đã tạo ra sức bật cho "Azzurri". Họ không nổi tiếng hay đẹp trai như những bậc đàn anh, nhưng khát khao chứng tỏ và làm nên chuyện thì chắc chắn không thua kém ai.

Italy của Mancini đã chiến thắng nhờ những cá nhân và tinh thần ấy trong một danh tính tấn công đầy bất ngờ, lộng lẫy và cả lãng mạn bậc nhất lịch sử.

Italy dứt điểm nhiều gấp đôi Thụy Sĩ. Đồ họa: Minh Phúc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật