Hương quê

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lẽ ra xong công việc ở xã, tôi phóng xe máy về nhưng ông Hiểu, trưởng thôn - người tổ chức bữa cơm chiều nay, đã giữ tôi lại.
Hương quê
Ảnh minh họa

“Cháu đến đây lần đầu cố ở lại một tối để dự cuộc họp của Chi đoàn thôn. Các cô các cậu ở đây hát quan họ hay lắm, có tiếng đấy.

Này, cô Hồng Bí thư Chi đoàn đẹp người đẹp nết, cháu có thích không, bác làm mối cho.” Ông bảo vậy. Nói thực, chính câu cuối của ông mà tôi đã nhận lời. 

Chập tối ông có việc gì đó phải đi chốc lát để rồi về đưa tôi đến dự cuộc họp, khiến tôi trơ ra một mình với đứa cháu nhỏ. Tôi là nhân viên của Phòng Nông nghiệp huyện, mới về chưa đầy ba tháng. Việc của tôi về xã là nắm tình hình xây dựng nông thôn mới. Tôi đã đi nhiều xã đồng bằng nhưng quả thực rất bất ngờ khi tới đây - một xã nằm ven sông, cách huyện lỵ chừng hai chục cây số. Ngoài đường bê tông trải hết các thôn xóm, cả xã vẫn giữ nguyên quang cảnh nông thôn thuần khiết như xưa. Vẫn có những lũy tre dày đặc bao quanh. Vẫn có cây đa, giếng nước, đình chùa. Nhà cao tầng bề thế lạc lõng giữa những căn nhà ngói xung quanh. Thôn ông Hiểu ở ven đê có số dân đông nhất xã. Nhà ông ở sát đường liên thôn.

Tôi vác ghế gập ra sân, nằm cho thoáng mát và cũng để ngắm trăng. Đêm trăng tĩnh mịch. Âm thanh duy nhất trong không trung là tiếng kêu rối loạn của lũ côn trùng trong những hốc đất, những đám cây trước mặt. Tôi đang nghĩ miên man bỗng nghe tiếng nói cười ồn ã từ đâu đó, mỗi lúc càng rõ. Tiếng cô gái thanh thanh: “Hồng ơi, có cuộc họp liên hoan chia tay cái Nụ đi xuất khẩu lao động không?” Một giọng lanh lảnh cao vút: “Có chứ nhưng sẽ làm một thể với cái Xoan, cái Vân, anh Trường. Mấy người ấy cũng sắp đi làm công nhân trên tỉnh”. “Chả hiểu chị Hồng nghĩ thế nào chứ em như chị là đi luôn khỏi làng. Làm cán bộ nhà nước sướng vạn lần ở nông thôn”. “Hoa ơi, sướng hay khổ đều ở bàn tay mình. Với lại, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. “Năm ngoái chị Hồng gật với anh Lâm thì bây giờ đã có con bế trên tay rồi. Chị kén vừa thôi”. “Lão ấy cho không cũng chả ai thèm. Mắc nghiện rồi. Rõ là phí cả đời trai trẻ. Thôi, chấm dứt chuyện về tao. Hát đi, chúng mày ơi. Tối mai cái Lan vẫn hát bài tủ Bèo dạt mây trôi chứ?” “Không, tao hát bài Còn duyên”. “Hát bài ấy buồn quá, tự hạ thấp mình. Mày hát bài Khách đến chơi nhà đi”.

Từ nãy đến giờ tôi như nín thở để nghe cuộc trò chuyện của các cô gái. Không hiểu cô Hồng vừa được ai đó nhắc đến có phải là Hồng mà ông Hiểu đã kể. Tự dưng tôi thấp thỏm đến lạ.

Ông Hiểu đã về, oang oang từ ngõ:

- Tưởng là họp chốc lát, ai ngờ lâu đến thế.

Tôi cười:

- Đã họp là phải lâu, bác ơi!

- Thông qua lần cuối dự án của cái Hồng về sản xuất cà chua Nhật theo công nghệ cao. Tưởng là đơn giản mà cũng phức tạp ra phết. Dồn đất, vốn liếng, kỹ thuật chăm sóc, ký kết tiêu thụ sản phẩm.

Tự dưng tôi buột miệng:

- Ở thôn ta có cô Hồng nào suýt lấy anh Lâm không?

Ông Hiểu kêu toáng lên:

- Sao cậu lại biết chuyện này? Ai kể? Đó là Hồng Bí thư đấy. Thằng Lâm ở làng bên, cán bộ cán bèo gì đấy trên tỉnh, đẹp trai, con nhà giàu nhưng có tiếng là chơi bời. Nghiện m‌a tú‌y, bị đuổi việc rồi. Cái Hồng chí khí lắm. Học xong đại học nông nghiệp nó về làng, không đi thoát ly, quyết làm dự án đã định. Bố nó mất sớm. Nhà chỉ có hai chị em gái. Chị là công chức, lấy chồng ở trong Nam. Hẳn là thương mẹ, cái Hồng ở lại làng…

Ông Hiểu đưa tôi đến nhà văn hóa thôn. Có lẽ cuộc họp đã diễn ra từ lâu vì trong nhà đông người đang nghe một cô gái nói trước bục trên sân khấu. “Cái Hồng đấy”. Ông Hiểu nói nhỏ với tôi khi gần tới bậc thềm. Tôi nhìn Hồng. Đó là cô gái xinh xắn, nhỏ nhắn nhưng rắn chắc, có đôi mắt rất sáng và giọng nói trong trẻo ngân vang. Ông Hiểu vui vẻ chào trai gái đến họp, giải thích việc đến muộn của mình, trân trọng giới thiệu tôi tới dự trong tiếng vỗ tay ran ran mọi người. Tôi lẳng lặng ngồi phía sau ông, lặng lẽ nhìn Hồng đang đứng hội ý với cô gái trẻ măng tại góc sân khấu. Bỗng có tiếng cô gái nào đó oang oang ở cuối phòng họp:

- Đề nghị cán bộ trên huyện đứng dậy để chị em tôi biết mặt.

- Đúng rồi, đứng dậy đi.

Tiếng vỗ tay rào rào. Tôi nâng cặp kính cận trễ trước mũi, ngượng ngập đứng dậy, khẽ cúi đầu chào mọi người. Một giọng lanh lảnh ở góc phòng cất lên như hát:

- Nhác trông cái kính cũng xinh. Có thuận nhân tình, tôi lấy kính chơi. Mất một thì tôi đền mười. Hễ mà mất cả...

- Thì tôi đền chàng - Tiếng người con trai gào lên.

Cả phòng òa ra cười, rõ nhất là tiếng con gái. Tôi vội ngồi thụp xuống, cúi đầu chẳng dám nhìn ai.

Ở trên sân khấu, Hồng huơ huơ tay:

- Các bạn ơi, họp tiếp theo trình tự nội dung đã nêu lúc đầu. Đó là vấn đề môi trường. Bãi rác ven đường vào thôn ta trông rất chướng và mất vệ sinh, Ban Chấp hành có ý thế này, biến bãi rác thành đường hoa. Ta sẽ trồng mỗi loại hoa theo từng ô, từng đoạn. Hoa mười giờ, hoa cúc dại, hoa bớm trắng…

- Thế đổ rác ở đâu? - Một nam thanh niên gắt gỏng. 

- Bác Hiểu trưởng thôn đã thông báo, từ đầu tuần tới sẽ tập trung rác vào bãi Ổi sau làng. Rác sẽ được tập kết ở đó rồi xử lý theo cách mà huyện đã hướng dẫn.

Có tiếng kêu:

- ch‌ỗ ấ‌y xa lắm, phải gần cây số.

Hồng nghiêm giọng:

- Chẳng lẽ các bạn chấp nhận con đường vào thôn ta sẽ ngập ngụa rác, sặc mùi hôi thối? Đoàn Thanh niên chúng ta phải đi tiên phong trong việc giữ vệ sinh môi trường cũng như những việc khó khác. Thôn ta người già ngày càng nhiều, mọi công việc đều phải trông vào lớp trẻ.

Nhiều tiếng hô lớn:

- Nhất trí thôi. Ngày mai làm luôn đường hoa. Vào việc cụ thể đi.

Hồng giở cuốn sổ ra, đọc dự kiến phân công đội chuyển rác từng ngõ với sự luân phiên của mỗi gia đình, danh sách tổ trưởng, nhóm trưởng gom rác tới bãi Ổi.

Phòng họp ồn ã bởi những ý kiến bàn luận nhưng cuối cùng cũng nhất trí thông qua kế hoạch Hồng đề ra.

Hồng cười rất tươi, huơ huơ tay bảo mọi người trật tự.

- Việc này nữa, tối mai chúng ta đón tiếp một chi đoàn bộ đội đóng quân dã ngoại ở phía sau làng. Mọi việc vẫn theo đúng chương trình như hôm trước.

Tôi không ngờ cuộc giao lưu tối mai lại phong phú đến thế. Ngoài lễ nghi có cả ca múa - từ đơn ca, tốp ca đến hoạt cảnh, múa đôi. Tất cả bài hát đều là dân ca quan họ. Thật ngạc nhiên khi thôn có đội văn nghệ khá chững chạc.

Hồng tươi cười đi tới chỗ ông Hiểu:

- Trước khi mời bác Hiểu có ý kiến với chi đoàn, tôi xin trân trọng giới thiệu với các bạn, anh Vinh cán bộ nông nghiệp huyện có đôi lời.

Tôi không quen phát biểu chỗ đông người, nhất là ở nơi xa lạ có đông con gái, lại đang đứng trước đôi mắt đen nhánh, lóng lánh và nụ cười duyên dáng của nữ bí thư chi đoàn. Lúng túng mãi, tôi cũng nói được dăm ba câu mà chính tôi nhận thấy nhạt hoét, sáo rỗng.

Một chàng trai ở cuối phòng hô lớn:

- Đề nghị bí thư hát tặng khách một bài để đáp lễ. 

Tiếng vỗ tay ran lên. Hồng đỏ mặt, tránh đôi mắt tôi nhìn, mủm mỉm cười:

- Vâng, tôi xin hát bài trong Giã bạn, đó là Kẻ Bắc người Nam.

Nhao nhao trong phòng họp:

- Không! Không! Hát Người ở đừng về.

- Anh ấy là kỹ sư nông nghiệp, phải ở đây giúp dự án chứ.

- Hát đi! Hát thật hay vào!

Hồng nhoẻn cười, nhìn tôi rất nhanh rồi quay về phía cửa sổ chếch bên:

- Vâng, tôi hát. Chuông vàng gác cửa tam quan. Đêm nằm tưởng đến người ngoan em phiền. Người về em vẫn khóc thầm. Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa. Người về em vẫn trông theo. Trông nước nước chảy, trông bèo bèo trôi. Người về em dặn lời này, sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua. Người về em dặn người rằng, đâu hơn người kết, đâu bằng chờ em. Người ơi, người ở đừng về…

Từng lời từng lời ngân vang bay bổng. Những tiếng láy ý, ơ tha thiết như níu giằng người đi. Tiếng đừng về câu kết dồn tụ bao đằm thắm, thân thương. Tôi đã nghe biết bao lần bài ca này nhưng hôm nay sao thổn thức, bồi hồi. Có cái gì đó rất lạ lay động phập phồng giục giã trong tôi.

Tiếng cười nói nghiêng ngả. Tiếng vỗ tay náo động. Căn phòng tràn ngập âm thanh rộn rã.

Sáng hôm sau tôi cố ý dậy muộn vì nghe ai đó nói Hồng sẽ tới nhà ông Hiểu về việc dự án. Hình như có cả cuộc họp gì đó. Tôi cố ý làm mọi việc chậm chạp để chờ người ấy. Và, Hồng đến.

- Anh về ngay à? Mấy đứa chúng em vừa lập dự án sản xuất cà chua theo công nghệ cao. Em định hỏi anh…

Ông Hiểu oang oang xen vào:

- Định hỏi anh ấy có lấy vợ ở làng này không chứ gì?

Hồng đỏ mặt, ngượng ngùng:

- Bác này, cứ hay trêu…

- Tao bảo nhé, gần thì chẳng bén duyên cho, xa xôi cách mấy lần đò cũng đi.

Tôi cười:

- Bác Hiểu cũng vui tính ghê.

- Ối, bác ấy một thời là đội trưởng đội văn nghệ xã, hát quan họ hay lắm.

Nấn ná mãi, tôi cũng phải về. Hồng tiễn tôi ra tới cổng. Tôi ấp úng:

- Mấy hôm nữa anh sẽ quay lại…

- Anh nhớ nhé. Nói lời phải giữ lấy lời, đừng như con bướm đậu rồi lại bay. Ấy là lời quan họ chúng em.

Tôi khẽ nắm tay Hồng, dắt xe đi hết đường làng mát rượi. Những âm thanh náo nức của ngày mới đã bắt đầu trên làng quê quan họ.

Vẫn ngọt ngào giản dị thế này thôi. Tiếng trẻ con nô đùa. Tiếng gió thổi xào xạc trong những lũy tre. Tiếng xe máy xa gần trên đường. Bỗng vang lên ở đâu đó rất gần một giọng ca trong trẻo, thiết tha. Tôi nghe không rõ lời nhưng giọng hát đúng là một bài quan họ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật