Vừa tốt nghiệp ĐH thì phát hiện ung thư máu, chàng trai từng tuyệt vọng khi nhìn người mẹ trầm cảm: Hay mình về nhà đi mẹ...

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày nhận kết quả mắc ung thư máu thể hiếm, cả bầu trời phía trước Hường bỗng tối đen. Người mẹ trầm cảm giấu nỗi đau đớn, động viên con “mẹ sẽ nghĩ cách, con yên tâm!“.
Vừa tốt nghiệp ĐH thì phát hiện ung thư máu, chàng trai từng tuyệt vọng khi nhìn người mẹ trầm cảm: Hay mình về nhà đi mẹ...
Đỗ Danh Hường trong ngày tốt nghiệp hồi tháng 11 năm ngoái. 2 tháng sau, cậu nhận kết quả mắc ung thư máu thể hiếm (Ảnh: NVCC)

Tốt nghiệp Đại học được 2 tháng, Đỗ Danh Hường, 23 tuổi, cựu sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội được chẩn đoán mắc ung thư máu dòng tùy, thể đột quỵ, hiện đang điều trị tại viện huyết học Truyền máu Trung ương.

Ước mơ và đam mê của chàng thanh niên trẻ đầy hoài bão buộc phải tạm khép lại, thay vào đó là những chuỗi ngày cơ cực trong bệnh viện.

1

Chỉ tháng trước thôi, mình còn là một tân cử nhân đầy hoài bão và mộng mơ

Mình sinh ra và lớn lên tại thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Lên 3 tuổi, do nhiều nguyên nhân, bố mẹ li hôn. 2 mẹ con ôm nhau về quê ngoại, xin bác gái nương tựa. Năm mình lên cấp 2, mẹ mắc bệnh trầm cảm, không làm được việc nặng, chỉ quẩn quanh ở nhà với mấy sào ruộng. Bà phải uống thuốc quanh năm, thương con nhưng cũng đành bất lực.

Xem Video: Hoàn cảnh đáng thương của 2 cháu bé mồ côi

//

Phấn đấu thi đỗ khoa Viết văn - Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội, mình luôn nỗ lực học tập và tham gia các hoạt động trong, ngoài trường. Trên hành trình cuộc đời này, chưa bao giờ mình thôi cố gắng, vì mình là niềm động viên, chỗ dựa tinh thần duy nhất của mẹ.

Sau 4 năm Đại học, mình luôn hy vọng sớm nhận được bằng tốt nghiệp, rồi tìm một công việc ổn định, bù đắp những thiếu thốn, thiệt thòi của hai mẹ con.

Vì Covid-19, nhà trường lùi lịch nhận bằng. Mãi đến tháng 11/2020, mình hạnh phúc cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp loại Giỏi, thành quả của những năm tháng nỗ lực. Khi đó, mình cũng vừa xin được vào một công ty media.

Hường của những năm tháng sinh viên sôi nổi và đầy nhiệt huyết (Ảnh: NVCC)

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, mình phát hiện c‌ơ th‌ể có nhiều khác lạ, yếu hơn trước rất nhiều. Bình thường mình có thể leo 6 tầng cầu thang, nhưng đợt vừa rồi, chỉ mới 3 tầng, mình đã thở không ra hơi.

Cuối tháng 12/2020, mình bị sốt cao, phải đi cấp cứu tại bệnh viện 103. Các bác sĩ chẩn đoán mình bị nhiễm trùng máu và yêu cầu nằm lại viện điều trị. Tiếp đó, mình được chọc tủy và bất ngờ nhận kết quả... ung thư máu.

Mình đã rất sốc và suy sụp.

Mọi thứ đến quá nhanh khiến mình không kịp thích ứng. Mình bật khóc như đứa trẻ con.

Chỉ tháng trước thôi, mình còn là một tân cử nhân đầy hoài bão và mộng mơ. Mình ôm nhiều dự định về con đường phía trước. Nhưng, bệnh tật chẳng chừa một ai.

Mẹ mình, bà thực sự đau khổ, còn hơn cả bản thân mình. Bà chỉ biết than trời sao bất công với 2 mẹ con mãi thế, mọi chuyện thật trớ trêu! 53 tuổi gian truân, về già chưa kịp cậy nhờ con trai, bà đã phải vào viện chăm sóc mình. Cũng từ đó, 2 mẹ con đồng hành cùng nhau qua từng bệnh viện.

2

Hay là mình về nhà đi mẹ, đến đâu thì đến!

Mình mắc ung thư máu thể đột quỵ, là một thể hiếm gặp. Nếu 100 người mắc căn bệnh này, chỉ có khoảng 10 người "va" phải nó. Biểu hiện bệnh thường là xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng,... Chỉ cần chảy máu ở bất kỳ vị trí nào trên c‌ơ th‌ể, bệnh nhân đều phải nhập viện kiểm tra gấp.

Tết vừa rồi, lịch tái khám là mùng 8. Nhưng mùng 6, hai mẹ con đã phải quay lại viện huyết học Truyền máu Trung ương, vì mình bị chảy máu chân răng.

Theo phác đồ điều trị, để có thể hóa trị, mình cần ít nhất 2 tỷ “đối đầu” với cuộc chiến cam go này. "Căn bệnh nhà giàu" khiến mình chùn bước, nói với mẹ, "hay là mình về nhà đi, đến đâu thì đến!". Bà đã luôn động viên mình, rằng "mẹ sẽ nghĩ cách, con yên tâm!".

Mình thực sự không muốn mẹ khổ, không muốn chứng kiến cảnh vào giờ trưa, bà phải chạy vội xuống cổng viện, đưa tờ giấy giới thiệu hiến máu, để chờ "xin" máu cho con trai, rồi ăn tạm suất cơm hộp.

Hường (bên trong) nằm chung giường bệnh cùng một bệnh nhân nữa

Đôi lúc mình tự hỏi, tại sao ung thư đến với mình khi mọi thứ chỉ mới chớm bắt đầu. Nếu bệnh đến vào một thời điểm khác, thì có lẽ mình sẽ ít nuối tiếc hơn. Nhưng chuyện đến, mình nghĩ cách tốt nhất là đón nhận. Mình đã bình tĩnh hơn, biết đối mặt và chấp nhận, nhờ những lời động viện của thầy cô, bạn bè và người thân.

Có người sống cùng căn bệnh này tận 10, 20 năm cơ mà, mình vẫn kiên cường lắm!

Nằm viện, với mình là một trải nghiệm rất khác. Mình biết muôn cảnh mỗi nhà, so lên chẳng bằng ai, so xuống thì chả ai bằng mình. bệnh viện là nơi suất cơm, hộp cháo cũng phải tính hàng ngày... hiểm nghèo, điều trị dài ngày càng cần chắt chịu.

3

Every day is a second chance - Mỗi ngày là một cơ hội

Mình rất thích viết. Mỗi lần buồn, mình lại viết, chia sẻ trên một trang Fanpage lớn của Hà Nội mà mình làm admin và được rất nhiều người gửi lời chúc. Mình nghĩ lại, cuộc đời còn dài, nhiều người còn chiến đấu thành công, thì sao mình lại dễ dàng bỏ cuộc. Hơn nữa, mọi người vẫn ở bên cạnh, mình không thể buông tay được.

Đến bây giờ, mình nhớ lại và ám ảnh kiểu đề văn: "Nếu thời gian bạn sống chỉ còn được tính bằng ngày, bạn sẽ làm gì?".

Sợ không? Dĩ nhiên là có...

Trong khoảnh khắc biết bản thân mắc ung thư và cả những ngày sau đó, lắm khi mình muốn ra ban công và làm điều gì đó để giải thoát. Nhưng cuộc đời vốn vậy. Chí ít, trong khoảng thời gian còn lại này, mình vẫn còn nhiều cơ hội thứ hai, để làm lại và làm thêm những gì mình cần làm.

Và mình cũng biết rằng, luôn có nhiều cách để tiếp nối một cuộc đời. Ngày kí vào giấy đăng ký hiến nộ‌i tạn‌g và giác mạc khi mất, cũng là giây phút mình chẳng còn luyến tiếc điều gì.

Mình đã hiểu, chúng ta luôn có nhiều hơn một cách để kéo dài niềm sống thay vì tồn tại vô định giữa cuộc đời. Có một lời thoại trong phim "chu‌yện tìn‌h Cây Táo Gai" thế này: "Cuộc sống chính là sự tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác".

Vậy nên, mình vẫn sẽ luôn ở đây hoặc đâu đó ngoài kia, trong đôi mắt ngây thơ hay trái tim ấm nồng... của một cô bé, cậu nhóc nào đó!

Mẹ đã luôn bên cạnh, đồng hành cùng Hường kể từ khi cậu phát hiện mắc ung thư máu thể hiếm

4

Chuyện của những ngày sau...

Những ngày sau, bạn có thể thấy mình với mái đầu trọc lóc vì xạ hay hoá trị.

Những ngày sau, bạn có thể thường xuyên bắt gặp mình ở viện huyết học hoặc một cơ sở điều trị ung thư nào đó.

Những ngày sau, có thể bạn sẽ ít thấy mình viết những mẩu chu‌yện tìn‌h dễ thương hay nhiều điều mơ mộng của Hà Nội.

Những ngày sau, dù bạn gặp mình trong hình hài, thể trạng nào, thậm chí là qua di ảnh...

Thì, hãy cứ tin rằng mình đã, đang sống hết mình cho chính mình và những con người đã đổ mồ hôi, rơi nước mắt vì mình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật