Trong tương lai, bay từ Huế, Quảng Bình ra Quảng Trị

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
(Tin tức thời sự) - Bộ GTVT vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030 tại xã Gio Quang và xã Gio Mai, huyện Gio Linh.
Trong tương lai, bay từ Huế, Quảng Bình ra Quảng Trị
Ảnh: Tuổi trẻ

                                                     Xem Video: cảng hàng không Quảng Trị
                                                       

Theo phê duyệt, cảng hàng không Quảng Trị là cảng nội địa có tính chất sử dụng chung dân sự và quân sự, có tổng diện tích hơn 316ha. Cụ thể, diện tích khu hàng không dân dụng hơn 87ha, diện tích đất quân sự hơn 51ha, diện tích dùng chung hơn 177ha. Cấp sân bay thuộc loại 4C theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và sân bay quân sự cấp II, có công suất 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm.

Loại tàu bay khai thác là code C hoặc tương đương. Sân bay có năm vị trí đỗ tàu bay code C (có khả năng đỗ tàu bay code E). Hệ thống đường cất hạ cánh gồm một đường cất hạ cánh theo hướng 04-22; kích thước 2.400m x 45m, lề vật liệu mỗi bên rộng 7,5m. Hệ thống đường lăn gồm một đường lăn song song, chiều dài khoảng 711,5m. Còn có hai đường lăn nối từ đường cất hạ cánh vào đường lăn song song; hai đường lăn nối từ đường lăn song song vào sân đỗ máy bay.

Các đường lăn có chiều rộng 23m, lề vật liệu đường lăn mỗi bên rộng 5m. Cùng với đó là hệ thống tự động cảnh báo xâm nhập đường cất hạ cánh (ARIWS), hệ thống giám sát đa điểm (MLAT), hệ thống ra đa thời tiết, hệ thống giám sát bề mặt đường cất hạ cánh, hệ thống thiết bị phát hiện và xua đuổi chim khi có nhu cầu.

Các công trình quản lý, điều hành bay gồm: đài kiểm soát không lưu; đài dẫn đường VOR/DME; hệ thống thiết bị hạ cánh, hệ thống đèn tiếp cận, hệ thống quan trắc khí tượng tự động AWOS đồng bộ với đường cất hạ cánh. Quy hoạch khu phục vụ mặt đất gồm có nhà ga hành khách 2 cao trình với tổng công suất thiết kế đạt 1 triệu hành khách/năm và nhà ga hàng hóa.

Khu vực quy hoạch xây dựng sân bay Quảng Trị tại xã Gio Quang (Gio Linh, Quảng Trị). 

Quy hoạch giao thông gồm đường trục vào cảng mỗi bên rộng ba làn xe chạy, có giải phân cách giữa. Bố trí trạm thu phí tại vị trí thích hợp để bảo đảm quản lý, khai thác xe ra vào cảng hàng không. Ngoài ra còn có cầu cạn, đường nội bộ, đường công vụ. Hệ thống sân đỗ ô tô được xây dựng phía trước nhà ga hành khách có khả năng mở rộng đồng bộ với việc mở rộng nhà ga hành khách. Các công trình phụ trợ cảng hàng không gồm nhà điều hành Cảng hàng không, nhà làm việc của Cảng vụ hàng không, văn phòng các cơ quan Nhà nước, khu văn phòng làm việc các hãng hàng không.

Ngoài ra còn có trạm sửa chữa, bảo dưỡng và đăng kiểm xe cơ giới, khu cấp nhiên liệu, khu dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng máy bay, trung tâm dịch vụ thương mại, khu hàng không chung, hệ thống cấp điện, nước, trạm trung chuyển chất thải rắn và chất thải nguy hại, hệ thống tường rào bảo vệ cảng...

Về thông tin này, hôm 26/1, ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị xác nhận Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng hàng không Quảng Trị.

Hiện Tập đoàn T&T đã được UBND tỉnh Quảng Trị cho chủ trương khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

"Bộ đã phê duyệt thì hành lang pháp lý đã thông. Chúng tôi sẽ chờ đến tháng 6/2021, nếu có nhiều nhà đầu tư cùng tham gia sẽ tổ chức đấu thầu. Nhưng sẽ quyết tâm khởi công trong năm nay", ông Tiến khẳng định.

Trước đó, thông tin về sân bay Quảng Trị đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận bởi Quảng Trị chỉ cách sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) và sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) chưa đầy 100km, nếu đi cao tốc chỉ mất chừng hơn 1 tiếng đồng hồ.

Từng trao đổi với Đất Việt, chuyên gia logistics Lê Văn Bảy bày tỏ lo ngại, việc quy hoạch cảng hàng không quá dày đặc sẽ gây lãng phí nguồn lực. Đặc biệt, khi các sân bay quá gần nhau, vùng không lưu để điều phối máy bay lên xuống rất phức tạp.

Trong khi đó, đề cập đến quy hoạch phát triển sân bay, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, cần có một quy hoạch chặt chẽ, không thể làm ồ ạt, tỉnh nào cũng đua nhau làm sân bay để rồi lại hoạt động èo uột, không đủ khách đi. Lãnh đạo địa phương có thể không muốn tỉnh mình thua kém tỉnh bạn, nhưng đó là  tiền của người dân chứ không phải tiền của một số người nào đó, do đó phải biết chắt chiu, dùng đồng tiền phải tính kỹ.

Hiện nay, ngành hàng không Việt Nam đang quản lý, khai thác hệ thống 22 cảng hàng không gồm 13 cảng hàng không quốc nội và 9 cảng hàng không quốc tế, trong đó 4 cảng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh là cửa ngõ quốc tế. Các cảng hàng không được chia theo 3 khu vực: Bắc-Trung-Nam, ở mỗi khu vực có các cảng hàng không quốc tế đóng vai trò trung tâm và các cảng hàng không nội địa vây quanh tạo thành một cảng càng không.

Cụ thể, khu vực miền Bắc có 7 cảng hàng không gồm 3 cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi) và 4 cảng hàng không quốc nội (Điện Biên, Vinh, Thọ Xuân, Đồng Hới).

Khu vực miền Trung có 7 cảng hàng không gồm 3 cảng hàng không quốc tế (Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh) và 4 cảng hàng không quốc nội (Chu Lai, Pleiku, Phù Cát, Tùy Hòa).

Khu vực miền Nam gồm 8 cảng hàng không, gồm 3 cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc) và 5 cảng hàng không quốc nội (Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau).

Còn tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030, khu vực miền Trung có 8 cảng hàng không, trong đó bổ sung thêm cảng hàng không nội địa Quảng Trị.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật