Bi kịch của thầy giáo dạy giỏi sau vụ án tai nạn

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đang là giáo viên giỏi với nhiều hoài bão, anh Hoàng Bá Dũng, 42 tuổi, phải sống đời thực vật sau khi bị ôtô tông trên đường di dạy thêm về nhà.
Bi kịch của thầy giáo dạy giỏi sau vụ án tai nạn
Thầy giáo Hoàng Bá Dũng lúc chưa gặp nạn. Ảnh: Hùng Lê

Trong căn phòng rộng khoảng 12 m2 của ngôi nhà mái bằng ở phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh, anh Hoàng Bá Dũng nằm bất động trên giường xếp. Từ chỗ là một thầy giáo dạy Toán giỏi, năng nổ trong mọi hoạt động đoàn thể của trường THPT Lê Quý Đôn (trụ sở ở huyện Thạch Hà), nay khuôn mặt anh Dũng biến sắc, đầu chi chít vết sẹo khi trải qua nhiều lần phẫu thuật để giữ mạng sống.

Chị Nguyễn Thị Thủy (39 tuổi, vợ anh Dũng) nói vẫn như như in buổi tối định mệnh khiến cuộc sống cả gia đình đảo lộn, bế tắc. Khoảng 23h ngày 21/5/2017, đang ru con ngủ, chị Thủy nhận được điện thoại từ người đi đường báo tin anh Dũng bị ôtô 5 chỗ tông bất tỉnh trên quốc lộ 1A, đoạn qua xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh. Chị hốt hoảng chạy ra hiện trường đưa chồng đi bệnh viện cấp cứu.

Cú tông khiến anh Dũng bị dập não gây di chứng sống kiểu thực vật, tổn hại sức khỏe 100%. Tài xế gây tai nạn là Đoàn Công Đức, 58 tuổi, trú phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, sau đó bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, theo khoản 2, điều 202 Bộ luật Hình Sự 1999. Cảnh sát xác định thời điểm gây án, ông Đức uống rượu bia, hơi thở có nồng độ cồn 0,879 mg/lít khí thở.

Tại phiên xử sơ thẩm cuối năm 2018, TAND thành phố Hà Tĩnh phạt ông Đức 3 năm tù giam. Đến phiên phúc thẩm mở đầu năm 2019, TAND tỉnh Hà Tĩnh chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ 1 năm hình phạt, tuyên Đức 2 năm tù giam. bị cáo được yêu cầu bồi thường 807 triệu đồng, trợ cấp chi phí chăm sóc đến khi nạn nhân hồi phục hoặc chết. Đến nay mới bồi thường được 267 triệu đồng.

Vụ tai nạn khiến mọi thứ trong gia đình chị Thủy đảo lộn một thời gian dài. Anh Dũng nằm một chỗ, không thể nói, cử động yết ớt, ai hỏi câu gì cũng đưa ánh mắt vô hồn nhìn xa xăm. 6 tháng đầu sau vụ tai nạn, chị Thủy phải xin nghỉ việc, ra chăm sóc anh Dũng tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội. Cuối năm 2017, sau nhiều ca mổ, gia đình đưa anh về bệnh viện phục hồi chức năng Hà Tĩnh.

Chị Thủy tâm sự, khi chưa xảy ra biến cố, hàng chục năm qua anh Dũng là giáo viên dạy Toán giỏi, luôn kín lịch công tác khi được nhiều trường THPT trên địa bàn mời dạy thêm, bồi dưỡng học sinh giỏi. Trước đó, vợ chồng ở nhờ nhà ông bà ngoại ở huyện Thạch Hà, tích góp nhiều năm đã mua được miếng đất rộng 160 m2 ở phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh cùng ôtô 5 chỗ để đi lại.

Từ chỗ có thu nhập ổn định, gia đình chị Thủy lâm vào cảnh túng thiếu. Bị dập não, anh Dũng phải trải qua nhiều đợt mổ để cứu tính mạng, chị Thủy phải vay thêm tiền của người thân, bạn bè để cứu chồng. Có khi túng quá, không thể xoay xở, chị Thủy phải rao bán ôtô. Biết chuyện, một người bác đang làm việc trong miền Nam đã trả tiền mua, nhưng để lại cho chị dùng để thỉnh thoảng chở chồng đi bệnh viện, đến Tết về mới sử dụng. Đến nay, kinh phí điều trị cho anh Dũng hết hơn 2 tỷ đồng, song chị mới trả được khoảng 1 tỷ đồng, còn lại xin khất nợ.

"Hai năm trước, có thời điểm một ngày tôi nộp hơn 60 triệu đồng tiền thuốc. Hiện tại, anh Dũng đang bị tắc dây dẫn não khiến dịch ứ lại, phải đặt ống dẫn lưu từ đầu xuống bụng. Anh không thể dùng cơm, lúc này chỉ ăn hồ và cháo xay, thuốc được trộn trong cháo. Lúc bệnh trở nặng thì phải ra Hà Nội thăm khám. Cứ hai tháng phải đi mua thêm thuốc, mỗi lần hết hơn 10 triệu đồng", chị Thủy kể.

Người vợ chia sẻ chồng rất yêu nghề, nhiệt huyết và tận tình với học trò. Nhiều lúc đang ăn cơm, học sinh gọi điện nhờ chỉ cho cách giải một bài toán khó, thầy giáo lập tức để lại bát đũa, ra ngoài nghe điện thoại, giải đáp khúc mắc trong hàng chục phút, đến khi hai bên tìm được tiếng nói chung mới thôi. Sự tận tâm của anh Dũng được nhiều thế hệ học trò và phụ huynh cảm động, nể phục.

Các con tặng hoa chúc mừng anh Dũng hôm 20/11 vừa qua. Ảnh: Hùng Lê

Giữa năm 2018, biết thầy giáo lâm bệnh nặng, một học trò cũ đang làm việc tại ban quản lý dự án xây dựng trong tỉnh đã cùng bố đứng ra đặt vấn đề, vận động nhiều bạn bè giúp vợ chồng anh Dũng xây căn nhà mái bằng rộng khoảng 100 m2 ở phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh. "Họ bảo muốn thầy có một nơi ở tốt và cố định để thuận tiện đi đến bệnh viện thăm khám lúc trái gió trở trời, đó là tấm lòng đền đáp công dạy dỗ. Đến nay, tiền xây nhà đã thanh toán xong từ lâu, song tôi cũng không biết chính xác là bao nhiêu. Nhiều lần gặng hỏi nhưng không được, ai cũng bảo đừng bận tâm, cố chăm chồng", chị Thủy kể.

Ngày Nhà giáo Việt Nam, khi thấy đông học trò, đồng nghiệp tới thăm hỏi, động viên, chị Thủy lại nói lớn bên tai "mọi người đến chúc mừng ngày lễ của anh kìa", anh Dũng không thể đáp, đôi lúc cố cử động nhưng rồi lại nghiêng đầu sang một bên. Ngày 20/11 vừa qua, con gái đầu đang học lớp 5 cùng con trai 5 tuổi đã mang một bó hoa đến bên xe lăn rồi ghé vào tai nói: "mừng ngày của bố", sau đó cùng đọc bức thư được lấy ra từ bó hoa với nội dung: "Bố ơi, vừa rồi con được cô khen viết đẹp và học tiếng Anh giỏi, được làm quản ca nữa. Con với em đang mong bố tỉnh, khi nào khỏe nhớ đưa con đi chơi bố nhé. Con hứa với bố sẽ học giỏi, giúp đỡ và ngoan, không làm phiền bố đâu".

"Tôi chỉ biết khóc khi đứng bên cạnh nghe con đọc thư. Động lực để tôi vượt qua tất cả để chăm chồng cùng hai con chính là niềm tin. Đến lúc này trong thâm tâm tôi chỉ nghĩ là anh Dũng ốm nằm đó thôi, chứ không phải bị liệt, sống đời thực vật. Thỉnh thoảng tôi rỉ tai nhắn với anh: Em tin một ngày anh sẽ tỉnh. Vì em, vì hai con của chúng ta", chị Thủy nói và cho hay, từ khi biết anh Dũng gặp nạn, mẹ chồng đã chuyển về ở với chị để cùng hợp sức hỗ trợ, lo cho con và cháu.

Công tác hàng chục năm với thầy Dũng, cựu Hiệu phó trường THPT Lê Quý Đôn Trần Thị Hường đánh giá đồng nghiệp chuyên môn tốt, đạt giáo viên giỏi tỉnh môn Toán, nằm tốp đầu của trường, nhiều năm được cấp tỉnh và huyện tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện các nhiệm vụ dạy và học.

Chị Nguyễn Thị Thủy cho biết thêm, sau tai nạn đến hai phiên xét xử tại tòa các cấp, ông Đoàn Công Đức cùng người thân rất hạn chế tiếp xúc với gia đình bị hại, không hoàn thành nghĩa vụ trả tiền bồi thường cũng như cấp dưỡng cho anh Dũng theo quy định của luật. Chị viết đơn kêu cứu, nhiều lần đến các cơ quan thi hành án ở Hà Tĩnh hỏi tiến độ xử lý song không nhận được phản hồi tích cực.

Anh Dũng (góc trái) hiện sống thực vật, mọi sinh hoạt đều do chị Thủy (góc phải) và mẹ ruột lo liệu. Ảnh: Hùng Lê

Ông Đinh Thế Tài, Chi cục trưởng Thi hành án dân sự thị xã Hồng Lĩnh nói việc thi hành án chậm do nguyên nhân khách quan. Hiện, ông Đức không có tài sản riêng, ngôi nhà đang ở đã thế chấp ngân hàng hơn 200 triệu đồng, vợ thương tật không thể lao động, phải nuôi thêm bố 80 tuổi. Sau nhiều cuộc họp, nhà chức trách thống nhất đưa vụ án này vào diện án chưa có điều kiện thi hành.

Theo ông Tài, ông Đức ra tù gần một tháng nay, đơn vị đã cử cán bộ đến gặp gỡ, động viên cố gắng kiếm công việc làm ăn để bồi thường cho bị hại. Theo quy định, 10 ngày sau khi bản án có hiệu lực, bị cáo bắt buộc phải thi hành, nếu họ không thực hiện thì phải cưỡng chế thu hồi tài sản theo quy định. Tuy nhiên, trường hợp này không có tài sản để cưỡng chế, nên phải đôn đốc theo hàng tuần, hàng tháng và hàng năm, thi hành án từng phần, làm được bao nhiêu trả từng đó.

"Nếu không hoàn thành thi hành án theo thỏa thuận dân sự mà tòa tuyên, ông Đức sẽ không được xóa án tích", Chi cục trưởng Thi hành án dân sự thị xã Hồng Lĩnh nói và cho hay.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật