Bắc Tân Uyên: Rộn ràng phiên chợ vui

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thời gian qua, trong khuôn khổ chương trình đưa hàng Việt về nông thôn - cụm công nghiệp các phiên chợ vui đã được Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp (Sở Công thương) tổ chức tại nhiều địa phương có đông công nhân lao động. Tại Bắc Tân Uyên, hình thức tổ chức này đã tạo thuận lợi để người lao động không mất nhiều thời gian di chuyển, dễ dàng tham quan, mua sắm và tham gia các hoạt động bên lề sôi nổi, bổ ích…
Bắc Tân Uyên: Rộn ràng phiên chợ vui
Người lao động tham quan mua sắm tại phiên chợ

Xem Video: Bắc Tân Uyên: Rộn ràng phiên chợ vui

Niềm vui phiên chợ vùng xa

Những ngày giữa tháng 11, không khí tại thị trấn Tân Thành sôi động hẳn lên khi đông đảo người lao động hào hứng tham gia khai mạc phiên chợ vui. Phiên chợ vui đã đáp ứng yêu cầu mua sắm của người lao động, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Các doanh nghiệp (DN) đem đến hội chợ nhiều sản phẩm phù hợp với thị hiếu, giá cả phải chăng nhằm tạo cơ hội cho công nhân lao động và nhân dân có cơ hội mua được những mặt hàng chất lượng, giá cả phải chăng do DN trong nước sản xuất. Phiên chợ có rất nhiều gian hàng bày bán nhiều loại sản phẩm, như: Thực phẩm, giày dép, chăn ga… đáp ứng nhu cầu mua sắm của người lao động. Các sản phẩm được cung ứng từ các nhà sản xuất uy tín, bảo đảm chất lượng, với giá thành giảm từ 10 - 50% so với giá niêm yết trên thị trường.

Là một trong số đông người lao động có mặt tại phiên chợ do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp (Sở Công thương) tổ chức, chị Hồ Lan Anh hào hứng cùng con trai dạo chơi và tranh thủ mua sắm hàng hóa tại phiên chợ này. Khệ nệ xách giỏ đồ đầy ắp thực phẩm, chị Lan Anh cho biết: “Nhiều ngày nay, thấy chương trình quảng bá khi đi làm ngang qua khu vực chợ Tân Thành tôi rất mong đến ngày tổ chức. Rất tiện lợi khi phiên chợ tổ chức vào ngày cuối tuần, lại cách nhà trọ không xa nên các thành viên trong gia đình tôi đều tham dự đông đủ. Tôi tranh thủ mua một số vật dụng giảm giá, thực phẩm để dành dùng dần…”. Theo cảm nhận của chị và nhiều lao động, phiên chợ được trang trí bắt mắt với đèn nháy; các gian hàng bố trí khoa học, lại bày bán rất nhiều đồ thủ công mỹ nghệ đẹp mắt, thu hút người lao động tham quan, mua sắm. Nhờ vậy, phiên chợ thực sự trở thành “bữa tiệc” tinh thần ý nghĩa, tạo khí thế vui tươi, sôi nổi trong những ngày tất bật với công việc cuối năm.

Với nhiều công nhân, những buổi dạo chợ dịp cuối năm không chỉ đem đến niềm vui sau những giờ làm việc mà còn giúp họ mua sắm quà tết cho người thân. Với công việc 8 tiếng tại phân xưởng, chưa kể tăng ca và làm thêm ngoài giờ, công nhân luôn mong đợi đến ngày nghỉ, ngày cuối tuần để có thời gian mua sắm. Các mặt hàng được công nhân lao động chọn lựa chủ yếu là hàng may mặc, vật dụng gia đình để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề. Vừa tan ca làm, vợ chồng anh Ngô Văn Hùng, hiện đang làm việc tại KCN Đất Cuốc, tranh thủ ghé vào phiên chợ để mua quần áo cho gia đình. “Tôi vào Bình Dương làm việc được 5 năm, sinh con xong chúng tôi gửi cháu về nhờ ông bà nội chăm sóc. Tết năm nay, hai vợ chồng đã đặt vé xe về quê ăn tết cùng gia đình. Nhưng gần đây công ty tăng ca suốt nên tôi không có thời gian để đi mua sắm. Hôm nay, được về sớm tôi tranh thủ ghé phiên chợ mua ít đồ về cho con cái và biếu ông bà. Tết năm nào chúng tôi cũng chờ chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức tại Bắc Tân Uyên để mua sắm những sản phẩm tốt, giá cả hợp lý”, anh Hùng cho biết.

Sẽ nỗ lực hơn

Với mong muốn đồng hành cùng người lao động, các DN tổ chức trưng bày, giới thiệu các sản phẩm trong phiên chợ vui tại Bắc Tân Uyên bảo đảm 3 tiêu chí đúng chất, đủ lượng và giảm giá bán so với giá bán trên thị trường. Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp, chia sẻ: “Chúng tôi rất vui khi phiên chợ ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều DN và đông đảo người lao động trên địa bàn. Đây không chỉ là hoạt động lớn trong chuỗi hoạt động đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, mà còn trở thành sợi dây gắn kết bền chặt giữa người tiêu dùng và DN. Với những ý nghĩa đó, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, đổi mới tổ chức các hoạt động thiết thực, sáng tạo phiên chợ trong thời gian tới”.

Trên thực tế, để có những phiên chợ diễn ra trong những ngày cuối năm, khi các DN dồn lực cho sản xuất, cán bộ trung tâm đã nỗ lực lớn trong vận động các DN tham gia phiên chợ. “Chúng tôi đã chủ động liên hệ, mời gọi các DN tham gia trên tinh thần vì người lao động, không vì lợi nhuận. Sau khi nắm rõ số lượng đơn vị đăng ký tham gia, các chủng loại mặt hàng, Ban tổ chức lựa chọn địa điểm phù hợp, phân bổ không gian và tư vấn nhân viên công ty trình bày sản phẩm hợp lý, đáp ứng tối đa nhu cầu mua sắm, vui chơi và giải trí của người lao động khi tham gia phiên chợ”, bà Duyên chia sẻ.

Theo bà Trương Thị Thúy Diễm, chủ cơ sở sơn mài Thùy Vân, những ngày cuối năm rất bận rộn sản xuất, song nhận được liên hệ của cán bộ trung tâm, bà đã cố gắng sắp xếp để tham gia chương trình. Rất vui là mặt hàng mỹ nghệ truyền thống được người dân địa phương quan tâm, tham quan mua sắm… Và chỉ cần nhận được sự quan tâm từ chính những khách hàng địa phương, bao nhiêu khó khăn trong di chuyển hàng hóa tan biến. Trong những phiên chợ năm sau, cơ sở sẽ cố gắng đem đến đa dạng chủng loại hàng hóa hơn để phục vụ nhu cầu mua sắm, tham quan của người dân.

Thời gian qua, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn không chỉ là cầu nối, mà còn tạo hiệu ứng tích cực từ DN và phía người tiêu dùng. Chương trình này không chỉ giúp người dân tiếp cận được nguồn hàng phong phú, đa dạng mà bên cạnh đó, nhiều DN nhỏ và vừa tìm được thị trường mới và quảng bá sản phẩm rộng rãi. Các phiên chợ hàng Việt cũng là cơ hội để các sản phẩm công nghiệp nông thôn đến gần với người tiêu dùng hơn. Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ganoluci Trường Sinh (TX.Tân Uyên), cho biết những hoạt động này là cơ hội tốt để quảng bá sản phẩm cũng như tìm kiếm bạn hàng. “Việc tham gia các phiên chợ hàng Việt để đưa hàng về vùng ven, vùng nông thôn được chúng tôi xác định là rất có ý nghĩa và là nơi để chúng tôi lắng nghe phản hồi của người tiêu dùng để hoàn thiện sản phẩm của mình tốt hơn…”, ông Thành cho biết.

Trong dòng người hối hả, các tấm biển giảm giá, khuyến mại lớn, “đồng giá sản phẩm” vài chục ngàn đồng được trưng bày nổi bật ở nhiều gian hàng. Đó cũng là những gian hàng tập trung đông công nhân với tiếng trao đổi, chào mời rộn vang cả một góc thị trấn Tân Thành.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật