Lai tạo giống lúa chỉ để... tặng Nhà nước!

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chuyện nhà khoa học “chân đất” Hoa Sĩ Hiền lai tạo hơn 50 giống lúa chỉ để tặng Nhà nước khiến nhiều người tò mò. Hôm gặp chúng tôi, câu chuyện về lúa giống ùa về trong ông cùng với những ngày của khoảng 20 năm về trước...
Lai tạo giống lúa chỉ để... tặng Nhà nước!
Tiền giải thưởng, bằng khen, ông Hiền dành hết cho việc mua lúa giống hoặc dụng cụ nghiên cứu, lai tạo giống.

Nhai đất biết... độ mặn

Hoa Sĩ Hiền là một nông dân chính hiệu tại Tân Châu (An Giang). Ở tuổi 52, ông có hàng chục năm “ăn bờ, ngủ bụi” với cây lúa. Tiếp chúng tôi, ông ngồi trầm ngâm bên bộ bàn ghế thô kệch được lắp ghép từ những mảnh gỗ tạp trong vườn. Rồi ông kể lại câu chuyện làm ra giống lúa TC7 khó khăn như thế nào. Năm 2009, qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông biết bà con nông dân ở Hòn Đất (Kiên Giang) khổ sở vì lúa bị chết do nhiễm mặn. Ông tức tốc lên đường, lội ra đồng chứng kiến cảnh bà con đòi “chết lên chết xuống” vì lúa bị mặn chết hết. Nhiều người nói với ông sẽ bỏ xứ ra đi... Giọng nói, khuôn mặt buồn rầu của bà con nông dân Hòn Đất chiếm trọn suy nghĩ của ông trong những ngày dài sau đó. “Phải có giống lúa chịu mặn để cứu bà con” - ông Hiền tự hứa với lòng mình.

Mặc cho trời nắng như đổ lửa, ông lang thang trên những cánh đồng, tìm những bụi lúa tốt nhất còn sót lại sau đợt nước mặn xâm nhập mang về thử nghiệm. Nhưng vùng đất Tân Châu quanh năm nước ngọt lấy đâu ra nước mặn trồng lúa? Nghe tin có mấy người trong xóm đi Phú Quốc (Kiên Giang), ông Hiền tìm tới nhờ lấy nước mặn giùm… 4 lít nước mặn đầu tiên, sau khi thử nghiệm vài lần đã hết, ông liền ra chợ mua muối để tạo nước mặn. Nhiều người thấy lạ, hỏi ông mua muối để làm gì? Ông Hiền nói vui: “Mua muối về bón lúa”. Sau câu trả lời vui của ông, bà con tiểu thương ở chợ gọi ông là “nhà khoa học khùng” cho đến bây giờ.

Câu chuyện nước mặn không lo nữa, nhưng làm sao để biết đất bị nhiễm mặn bao nhiêu phần trăm? “Khi ruộng còn nước, chỉ cần lấy nước cho vào miệng là tôi biết được độ mặn bao nhiêu. Nhưng khi lúa chín, ruộng hết nước, để xác định đất đó có độ mặn bao nhiêu thì tôi phải lấy đất cho vào miệng nhai thử. Với cách bất đắc dĩ này mà tôi biết được độ mặn trong đất bao nhiêu để tính toán cho vụ sau. Cứ thế, giống lúa TC7 ra đời và chịu mặn được từ 5-7‰” - ông Hiền kể.

Tháng 1-2019, Cục Trồng trọt công nhận giống lúa TC7, cho sản xuất thử ở ĐBSCL. Và khi trận hạn mặn lịch sử cách nay 4 năm lặp lại ở vùng sông nước miền Tây, nhiều nông dân ở Cà Mau, Kiên Giang gọi điện báo tin cây lúa khỏe, trúng mùa, không chết vì nước mặn khiến ông rất mừng, bởi “đứa con tinh thần” TC7 đã tạo nên sự khác biệt tích cực trên đồng trong mùa hạn mặn.

Tặng 50 giống lúa cho Nhà nước

Hàng chục giống lúa ra đời, trong đó có nhiều giống tạo nên “hiện tượng” trên đồng nhưng ông Hiền lại không nhớ rõ cơ duyên đến với nghề lai tạo lúa giống. Ông chỉ nhớ khoảng những năm 1999-2000, lúa giống cực kỳ hiếm và vô cùng đắt đỏ. Mặc dù có “giá” như vậy, nhưng năm nào sâu bệnh nhiều là mất trắng…

Năm 2000, viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang phối hợp thực hiện Chương trình “Xã hội hóa giống lúa” ở tỉnh An Giang. Hoa Sĩ Hiền cùng một số nông dân ưu tú trên địa bàn hăng hái “nhập ngũ”. Nhờ đó, ông có cơ hội tham gia nhiều lớp tập huấn về lai chọn giống lúa cùng các kỹ thuật canh tác mới. Với tính cần cù, tỉ mỉ, kiên trì, sau 4 năm ở thao trường lai tạo lúa giống, anh nông dân chỉ học hết lớp 6 Hoa Sĩ Hiền “xuất ngũ” với hành trang là 4 giống lúa TC1, TC2, TC3, TC4 cho gạo mềm ngon, năng suất cao cùng khả năng chống rầy nâu, đạo ôn mà không cần dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Những năm đó, ông Hiền nhận được nhiều bằng khen, từ cấp tỉnh đến Trung ương.

Có thể nói, từ khi những “đứa con tinh thần” ra đời, ông Hiền như một hiền sĩ lui về ở ẩn, chăm nom, cày cấy trên mảnh ruộng 4.000m2 cùng một cái nhà rộng khoảng 16m2 mà hiện nay ông gọi là “viện nghiên cứu” tại xã Tân An. Còn 18.000m2 đất sản xuất nông nghiệp mà ông tích cóp mua được đã nhường hết cho vợ để trồng lúa nuôi 3 con ăn học. “Đến giờ này, ngoài sự giúp đỡ của cán bộ ngành nông nghiệp An Giang, việc tôi tạo ra được 50 giống lúa như ý mình là có sự đồng cảm, chia sẻ của vợ, con tôi rất nhiều. Suốt 20 năm qua, trên mảnh ruộng này, tôi chưa hề mang về dù chỉ là 1.000 đồng cho vợ con. Còn tiền thưởng, tôi cũng dành mua dụng cụ nghiên cứu lúa giống, chưa mua được cho vợ con một bộ quần áo mới nào” - ông Hiền thổ lộ.

Ông kể tiếp, cách đây 7-8 năm, có ít nhất 2 công ty nông nghiệp lớn đến mời ông về làm cố vấn kỹ thuật, chuyên lai tạo giống lúa với mức lương trên 10 triệu đồng/tháng nhưng ông không ký kết hợp tác. Vì ông không muốn những “đứa con tinh thần” của mình bị tư nhân hóa, trôi nổi theo cơ chế thị trường… Ông Hứa Long Sơn, Phó Trưởng Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu, nói: “50 giống lúa anh Hiền đang sở hữu đã nói lên công sức, niềm đam mê và sự am hiểu kỹ thuật lai tạo lúa giống của anh như thế nào. Mặc dù kiến thức của anh rộng, sâu về khoa học đất về kỹ thuật lai tạo giống, chu trình sinh trưởng của cây… nhưng lúc nào anh cũng khiêm tốn, sẵn sàng chia sẻ cho cán bộ, bà con nông dân”.

Hằng ngày, “nhà khoa học” chân đất Hoa Sĩ Hiền đều đặn đạp xe đến “viện nghiên cứu” chia sẻ những kiến thức cho các sinh viên Trường Đại học An Giang đến thực tập. Hết lớp này đi, lớp khác đến, tính đến nay có trên 500 cử nhân của Trường từng “lên bờ xuống ruộng” với ông. Trong đó, có nhiều bạn bây giờ là thạc sĩ, tiến sĩ ngành nông nghiệp. Ông Hiền tâm sự: “Khi trồng lúa hay trồng cây ăn trái, liều lượng phân hữu cơ, vô cơ và vi sinh rất quan trọng. Cái nào nhiều quá sẽ có tiêu cực và ngành nông nghiệp của chúng ta đã có thời gian dài lạ‌m dụn‌g phân vô cơ quá nhiều. Vì thế đã đến lúc, chúng ta phải chăm sóc lại môi trường đất, nước, vì đây mới là điều căn cơ. Còn những giống lúa của tôi chịu phèn, chịu mặn chả là gì đâu, vì ngoài kia nước mặn còn mặn lắm”.

Hoa Sĩ Hiền tiết lộ, tất cả giống lúa ông lai tạo ra đã được viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, bảo quản trong kho lạnh. Hiện ông đang viết lại chu trình, cách thức lai tạo cũng như lịch sử của những giống lúa để hiến tặng hết cho Nhà nước.

Ông Hiền mang một túi lúa thơm, có hạt dài ra cho chúng tôi xem. Ông khoe đây là giống lúa Hương thơm Tân Châu có ưu điểm mềm, dẻo, thơm cơm. Chỉ còn ngoại hình cây lúa chưa đẹp mắt nên ông đang tiếp tục lai tạo để hoàn thiện, sớm mang ra đấu trường quốc tế thi gạo ngon nhất thế giới. “Nếu giống lúa này thành công và đạt giải gạo ngon nhất thế giới, tôi sẽ dành tặng cho Nhà nước” - ông Hiền nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật