Thủy điện tích nước làm ngập đường, người dân chịu khổ

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hơn một tháng nay, việc thủy điện tích nước làm ngập, hư hỏng con đường dân sinh đi khu sản xuất của gần 70 hộ dân ở 2 thôn Đăk Dé và Đăk Kon (xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô) khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa vô cùng khó khăn. Không những vậy, việc tích nước làm nhiều ao cá, cây trồng, hoa màu bị ảnh hưởng, thiệt hại cho người dân.
Thủy điện tích nước làm ngập đường, người dân chịu khổ
Anh A Dam vất vả bơi qua dòng nước ngập sâu để vận chuyển hàng hóa. Ảnh: P.N

Khoảng tháng 9/2020, thủy điện Plei Kần bắt đầu tích nước nghiệm thu. Việc tích nước của thủy điện đã gây ngập tuyến đường dẫn vào khu sản xuất của 70 hộ dân thuộc 2 thôn Đăk Dé, Đăk Kon (xã Đăk Rơ Nga). Khu sản xuất này có diện tích hơn 300ha. Từ khi con đường bị ngập nước, người dân không thể vận chuyển nông sản, không chỉ không có nguồn thu mà còn gây nhiều thiệt hại.

Trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum, ông Lâm Thế Hiển- Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Nga cho biết: Sự việc đã được người dân phản ánh lên chính quyền xã Đăk Rơ Nga, UBND xã đã đi kiểm tra thực tế và tiến hành làm việc với đại diện đơn vị chủ đầu tư thủy điện Plei Kần là Công ty cổ phần Tấn Phát để bàn hướng giải quyết. Tại buổi làm việc, đại diện chủ đầu tư cũng đã hứa và cam kết sẽ dừng việc tích nước, tiến hành sửa chữa, gia cố lại tuyến đường để phục vụ việc đi lại của người dân nhưng sau đó, thủy điện này vẫn tích nước làm con đường bị ngập sâu, không thể đi lại.

Sáng 20/10, ông Hiển trực tiếp cùng một cán bộ văn phòng xã dẫn chúng tôi đến thực tế khu vực người dân phản ánh. Tại đây, con đường nối khu sản xuất mà người dân phản ánh đã bị ngập sâu, trước mắt chúng tôi là mênh mông biển nước, không thấy dấu vết của con đường. Tại hiện trường, chúng tôi chứng kiến anh A Dam (thôn Đăk Dé) đang hì hục bám vào bè tre (do người dân tự làm) để vận chuyển lương thực, thức ăn cho công nhân đang làm công cho gia đình anh và tranh thủ vận chuyển một ít mủ cao su ra bán lấy tiền mua lương thực, thực phẩm.

Trao đổi với phóng viên, anh A Dam cho biết, gia đình anh đang sản xuất  16 ha cao su, 3 ha cà phê tại khu sản xuất bên kia suối Đăk Kon. Gần một tháng nay, khi thủy điện tích nước, dòng suối qua ngầm Đăk Kon dâng cao làm con đường duy nhất vào khu sản xuất bị ngập sâu trong nước. Sau khi nước rút thì con đường bị xói lở, đứt đường không thể đi được. Chúng tôi buộc phải dùng cây tre kết thành bè để đi tạm nhưng sau đó thủy điện tích nước lại làm ngập hoàn toàn con đường.

“Gia đình tôi hiện đang thuê 9 nhân công cạo mủ cao su với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng. Từ khi thủy điện tích nước, số mủ cao su của tôi không thể vận chuyển ra ngoài bán và hàng chục tấn mủ cao su của gia đình đành chất đống, không bán được khiến gia đình thất thu khá nhiều. Hôm nay hết gạo tôi phải dùng bè chở một ít mủ cao su ra ngoài bán để đổi lấy lương thực”, anh Ram nói. Anh còn cho rằng, nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thêm vài tháng thì gia đình anh chắc phải bỏ vườn cây.

Tương tự, gia đình ông Ngọc Văn Hồng (thôn Đăk Dé) cũng đang sản xuất  hơn 10 ha cao su và cà phê tại khu sản xuất bên kia con suối Đăk Kon. Mỗi ngày gia đình ông thu khoảng 3-4 tạ mủ cao su. Tuy nhiên, từ khi thủy điện tích nước, con đường bị ngập sâu quá đầu người, mủ cao su, cà phê của gia đình ông sau thu hoạch không thể vận chuyển ra ngoài nên đang phải chất đống trong vườn.

Vì không có đường vận chuyển số lượng lớn, người dân phải chở từng ký cao su để bán. Ảnh: PN

Ông Ngọc Văn Hồng cho biết: Trước đây, khi thủy điện chưa tích nước, hàng ngày bao nhiêu nông sản thu hoạch đều được vận chuyển bằng máy cày qua ngầm được hết. Nông sản vừa thu hoạch bán kịp thời, đảm bảo chất lượng nên giá cả ổn định. Như bây giờ, sau khi thu hoạch vài ngày không vận chuyển ra bán được thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và giá thành sẽ giảm, tất nhiên sẽ gây thất thu. Vì vậy, chúng tôi đề nghị ngừng việc tích nước và cần sửa chữa nâng cấp con đường cao hơn cao trình tích nước để đảm bảo đi lại, vận chuyển của người dân.

Cũng ngay trong sáng 20/10, khi phóng viên Báo Kon Tum đang làm việc với UBND xã Đăk Rơ Nga, ông Trần Hùng Tuấn (66 tuổi, trú ở xã Đăk Rơ Nga) đã đến trụ sở UBND xã gửi đơn kiến nghị về việc thủy điện Plei Kần tích nước ảnh hưởng đến nhà cửa, hoa màu của gia đình ông. Trong đơn ông Tuấn nêu rõ: Khi xây dựng thủy điện Plei Kần thì bên thủy điện có đo đạc phần nhỏ diện tích đất. Bên thủy điện bảo nước không ngập lên đến nhà ở nhưng đến nay, khi thủy điện đi vào vận hành thì nước đã ngập lên đến nhà ở, sân phơi, vườn cây, ao cá… Ông Tuấn cũng đề nghị chính quyền xem xét kiến nghị đơn vị chức năng sớm giải quyết.

Khi trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Thế Hiển - Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Nga cũng nêu rõ quan điểm là thủy điện phải dừng ngay việc tích nước, sửa chữa nâng cao đoạn đường bị ngập. Sau khi xử lý xong thì mới được tích nước trở lại. Không thể để người dân chịu khổ như thế được.

Hàng trăm hécta cao su và hàng chục hécta cà phê đang vào thời kỳ thu hoạch cũng không thể thu hoạch do không vận chuyển được sản phẩm ra ngoài…nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến nhiều gia đình bị thất thu, rơi vào cảnh túng thiếu và không có thu nhập. thiệt hại này ai sẽ chịu(?)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật