Châu Âu khẳng định lập trường về Biển Đông

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vừa qua, Anh, Pháp, Đức đã gửi Công hàm chung lên Liên hợp quốc (LHQ) khẳng định lập trường của mình về Biển Đông. Với động thái này, giới chuyên gia quốc tế đánh giá, các nước châu Âu đang ngày càng thể hiện thái độ “cứng rắn” hơn trong việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Châu Âu khẳng định lập trường về Biển Đông
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. Ảnh: Hải quân Hoàng gia Anh

Thượng tôn luật pháp quốc tế

viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) đánh giá, Liên minh châu Âu (EU) có lợi ích rất lớn tại khu vực Biển Đông nên việc duy trì sự tự do, an toàn và ổn định tại vùng biển này là một trong những ưu tiên hàng đầu của EU. Giới chuyên gia quốc tế cùng chung nhận định trên và cho rằng, EU đang có cách tiếp cận đa dạng hóa với vấn đề Biển Đông và thể hiện nhiều nguyên tắc của chiến lược toàn cầu EU.

Đúng như nhận định của giới chuyên gia, trong tuần trước, 3 quốc gia châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức (nhóm E3) đã gửi công hàm chung lên LHQ khẳng định những tuyên bố về chủ quyền “lịch sử” của Trung Quốc trên Biển Đông (được nêu trong 7 Công hàm của Trung Quốc trước đó) không tuân thủ luật pháp quốc tế và các quy định của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Công hàm của 3 nước cũng nhấn mạnh rằng, phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) trong vụ kiện của Philippines và Trung Quốc ngày 12-7-2016 đã xác nhận rõ ràng những tuyên bố của Trung Quốc là không đúng. Đồng thời, Công hàm nêu rõ, lập trường của 3 nước lần này không ảnh hưởng đến các tuyên bố của các quốc gia ven biển có liên quan tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với các thực thể đất liền được hình thành tự nhiên và các khu vực thềm lục địa ở Biển Đông.

Trong Công hàm, nhóm E3 cũng chỉ rõ, UNCLOS năm 1982 đã quy định rõ ràng và đầy đủ việc xác định đường cơ sở thẳng và đường cơ sở quần đảo. Theo đó, việc một quốc gia lục địa như Trung Quốc xác định các quần đảo hay các đặc tính hàng hải như một thực thể là không có cơ sở, bởi không tuân thủ các điều khoản trong phần II hoặc trong phần IV của UNCLOS năm 1982.

Bước đi “mạnh mẽ”của châu Âu

Theo giới chuyên gia quốc tế, các nước EU đặt ra mục tiêu tăng cường hợp tác để ngăn chặn xung đột trên Biển Đông và triển khai hàng loạt các giải pháp trong việc thực thi Pháp Luật trên biển, thúc đẩy chia sẻ cách thức hành động có hiệu quả cao nhất nhằm giảm bớt căng thẳng, đồng thời tăng cường nhận thức, xây dựng lòng tin.

Anh và Pháp là 2 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ và cũng là các cường quốc sở hữu hạt nhân cùng lực lượng hải quân hùng hậu. Trong những năm gần đây, Pháp tích cực thúc đẩy cam kết chiến lược, mở rộng quan hệ kinh tế lẫn quốc phòng với các quốc gia như Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á để bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở và tự do. Nổi bật nhất, trong năm ngoái, Pháp đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong các nỗ lực của mình, Pháp cũng đã tăng cường sức mạnh hải quân theo sự dẫn dắt của Mỹ tại khu vực nhằm duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không.

Tại nước Anh, giới quan sát chính trị trong nước đánh giá, Anh thực chất vẫn chưa tham gia vào nỗ lực chung của quốc tế trong việc duy trì sự ổn định tại các vùng biển của châu Á, bởi nước này đang “vật lộn” với những vấn đề “nổi cộm” trong nước như chiến tranh thương mại, quá trình Anh rời EU (Brexit),... Tuy nhiên, ngay trong nước, chính quyền Anh cũng đang bị thúc giục phải khẩn trương tham gia vào nỗ lực chung của các đồng minh, trong đó, Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Anh vào thời điểm này. Những rủi ro an ninh quốc gia đang đè nặng lên nước Anh khiến Thủ tướng Anh Boris Johnson đang lên kế hoạch triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông nhằm củng cố cho sức mạnh gìn giữ trật tự quốc tế tại khu vực.

Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp. Ảnh: AP

Theo truyền thông quốc tế, đầu tháng này, Đức đã công bố bản chỉ dẫn chính sách dài 40 trang với tên gọi “Định hướng đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" với mục tiêu góp sức định hình trật tự quốc tế khu vực. Phân tích về động thái được đánh giá là tích cực của Đức, giới chuyên gia quốc tế cho rằng, phương hướng của Đức hiện nay là xây dựng khung chiến lược với nhiều giải pháp chính trị và hình thành các điểm kết nối cho việc tăng cường hợp tác tại khu vực. Theo đó, Đức muốn tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực, xây dựng hợp tác về chủ nghĩa đa phương, biến đổi khí hậu, thương mại tự do, chính sách an ninh,... Đặc biệt, Đức là quốc gia không sở hữu lãnh thổ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như không có năng lực hải quân lớn nhưng đã vào cuộc một cách quyết liệt, khẳng định cho sự đồng thuận lớn của quốc tế trong nỗ lực gìn giữ an ninh toàn cầu.

Đối với khu vực Đông Nam Á, châu Âu luôn khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn đối với các tiến trình do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dẫn dắt. Bởi đây chính là yếu tố thúc đẩy hơn nữa trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật pháp, củng cố hợp tác đa phương, cũng như hợp tác mật thiết hơn.

Giới chuyên gia quốc tế đánh giá, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong đó có Biển Đông chiếm một vị thế quan trọng trên bản đồ chiến lược toàn cầu bởi những giá trị thương mại “khổng lồ”. Nhiều nước phương Tây mới đây liên tiếp thể hiện thái độ “cứng rắn” hơn trong việc duy trì hòa bình, ổn định và tự do tại khu vực, trong đó, các nước châu Âu được đánh giá là một trong những nguồn lực quan trọng. Chính vì vậy, Công hàm của nhóm E3 gửi LHQ vừa qua tiếp tục cho thấy những “bước đi” mạnh mẽ hơn của các nước châu Âu, minh chứng rõ nét cho nỗ lực của thế giới trong việc gìn giữ trật tự, ổn định và thịnh vượng tại Biển Đông.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật