Tự ý bán dầu cho Mỹ, người Kurd Syria quá sai lầm

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ký thỏa thuận khai thác dầu với công ty của Mỹ, người Kurd thành bia đỡ đạn, chứ không phải được thể hiện chủ quyền trên phần lãnh thổ kiểm soát...
Tự ý bán dầu cho Mỹ, người Kurd Syria quá sai lầm
Binh sĩ Mỹ bảo vệ mỏ dầu tại Syria

Người Kurd tự thỏa thuận với Mỹ về khai thác dầu ở Syria

Ngày 5/8, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã phê chuẩn thỏa thuận giữa Công ty Delta Crescent Energy của Mỹ với chính quyền bán tự trị của người Kurd ở vùng đông bắc Syria về việc khai thác dầu mỏ tại khu vực này, theo CNN.

Theo thỏa thuận giữa Công ty Delta Crescent Energy với chính quyền bán tự trị của người Kurd Syria, hai bên sẽ cùng khai thác các giếng dầu ở đông bắc Syria, trong đó có mỏ dầu lớn nhất Syria ở Deir Ezzor là al-Omar.

Thỏa thuận này đã được bí mật thảo luận trong hơn một năm qua và được ký kết hồi tháng trước. Thỏa thuận được cho sẽ mang lại hàng tỷ USD cho người Kurd ở Syria nhưng không chia sẻ với chính quyền Syria.

"Chúng tôi được phê chuẩn tham gia mọi khía cạnh để phát triển năng lượng, vận tải, tiếp thị, lọc dầu, khai thác dầu, phát triển và tái phát triển hạ tầng ở khu vực, từ đó sẽ giúp người dân ở khu vực này đưa sản phẩm của họ ra thị trường quốc tế".

Đó là tiết lộ của ông James Cain, cựu Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush và là đồng sáng lập Công ty Delta Crescent Energy, với báo giới về thỏa thuận khai thác dầu ở đông bắc Syria với người Kurd.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng xác nhận : "Thỏa thuận mất nhiều thời gian hơn chúng tôi dự kiến, chúng tôi hiện đang trong quá trình thực hiện nó. Đây là thỏa thuận có giá trị rất lớn". Có được thỏa thuận là nhờ sự hỗ trợ tích cực của Washington.

Cụ thể, hồi tháng 4 năm nay, Công ty Delta Crescent Energy được Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách các thực thể được miễn trừ để tránh bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt đối với chính quyền của Tổng thống Assad.

Lý do chính phủ Mỹ hỗ trợ thỏa thuận khai thác dầu giữa công ty của Mỹ và chính quyền bán tự trị của người Kurd bởi nó phù hợp với mục tiêu lâu dài của Tổng thống Trump là đảm bảo sự kiểm soát của Mỹ đối với các mỏ dầu trong khu vực.

Ý nghĩa của thỏa thuận này còn được nhận diện là sẽ giúp Mỹ củng cố liên minh với chính quyền người Kurd, sau khi vị tổng thống doanh nhân tuyên bố rút quân đội Mỹ khỏi Syria, làm nản lòng người Kurd.

Cuộc nội chiến đã tàn phá Syria kể từ năm 2011, khiến ngành dầu mỏ nước này thiệt hại hàng trăm tỷ USD, vì trước cuộc xung đột, sản lượng dầu thô của Syria từng đạt gần 400.000 thùng/ngày. Hiện nay sản xuất dầu thô của nước này hoàn toàn suy sụp.

Bởi phần lớn các mỏ dầu ở phía đông và đông bắc, khu vực vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Syria, mà chủ yếu do người Kurd được Mỹ bảo trợ, kiểm soát. Đây là nguồn thu nhập chính cho chính quyền bán tự trị của người Kurd ở Syria.

Người Kurd đã sai lầm nghiêm trọng

Có thể nhận định, khi tự ý ký thỏa thuận khai thác dầu với Mỹ, chính quyền bán tự trị của người Kurd ở Syria đã mắc sai lầm nghiêm trọng, vì lợi ích người Kurd có được từ thỏa thuận chỉ mang tính cục bộ, nhưng phải đánh đổi lợi ích mang tính toàn cục.

Thứ nhất, chính quyền bán tự trị của người Kurd không có đủ tư cách pháp lý để ký kết các thỏa ước quốc tế, nên đây được xem là hành vi trộm cắp tài sản quốc gia.

Chính quyền Tổng thống Assad đã tuyên bố thỏa thuận người Kurd bán dầu cho Mỹ "không có hiệu lực và không có cơ sở pháp lý". Damascus tố cáo thỏa thuận là "hành vi trộm cắp" của người Kurd và cuộc tấn công của Mỹ vào chủ quyền của Syria.

Người Kurd tự minh biến thành bia đỡ đạn cho Mỹ

Trước nay, Washington được nhìn nhận là tìm cách tạo "thế chân vạc quyền lực" tại Syria như đã làm tại Iraq, từ đó đảm bảo "vị thế kép" cho người Kurd trong cơ cấu quyền lực tại Syria thời hậu chống IS.

Và vì thế Mỹ đã để người Kurd đứng ngoài tiến trình chính trị cho Syria, bao gồm cả cơ chế đàm phán của Hội nghị Quốc tế Geneva về Syria. Song cũng chính vì thế mà  việc xác lập cơ chế tự trị của người Kurd chỉ là chuyển động chính trị đơn phương.

Điều này khiến cho người Kurd "lợi bất cập hại". Không nói đâu xa, ngay trong cuộc chiến chống lại Covid-19, người Kurd đã phải bơ vơ giữa đại dịch, khi các tổ chức quốc tế không hỗ trợ vì sự không chính danh của thực thể chính trị đại diện.

Nay với hành vi trộm cắp tài sản quốc gia này, làm sao người Kurd có thể hy vọng có được vị thế tốt nhất khi tham gia vào bàn cờ chính trị Syria trong tương lai? Đơn giản là họ sẽ bị phản đối bởi cả chính quyền Damascus lẫn lực lượng đối lập Syria.

Thứ hai, với việc ủng hộ công ty Mỹ ký thỏa thuận với chính quyền bán tự trị của người Kurd khai thác dầu ở Syria, chính quyền Mỹ đã đưa người Kurd vào chỗ chết.

Người Kurd ở Syria đã bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là khủ‌ng b‌ố, vì Lực lượng Bảo vệ Nhân dân người Kurd bị Ankara xem là cánh tay nối dài của đảng Công nhân người Kurd, vì vậy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công người Kurd.

Đáng nói là khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd thì Mỹ lại đứng nhìn người anh em ôm đầu máu, và trong tình huống này mưu đồ xây thế chân vạc quyền lực của Mỹ đã khiến người Kurd trở thành đích ngắm của nhiều xạ thủ nhất.

Ngày 3/8, Thổ Nhĩ Kỳ đã tố cáo thỏa thuận giữa Công ty Delta Crescent Energy với chính quyền bán tự trị của người Kurd cùng khai thác dầu ở Syria và cho rằng đó là hành động "tài trợ cho khủ‌ng b‌ố".

Đây là cảnh báo hết sức nguy hiểm của Ankara với người Kurd và trong trường hợp này chính quyền bán tự trị của người Kurd khó có thể hy vọng Washington đỡ đòn giúp, nếu Ankara không tấn công vào những giếng dầu ở đông và đông bắc Syria.

Washington rất thâm hiểm khi ủng hộ công ty của Mỹ ký thỏa thuận với người Kurd để khai thác dầu ở Syria. Bởi Mỹ biết là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tấn công vào lợi ích Mỹ, nên Mỹ có thể tự đứng ra khai thác dầu trong lúc "người anh em" ôm đầu máu.

Mỹ vẫn sẽ để người Kurd lãnh đạn của Thổ

Cuối tháng 10/2019, Bộ Quốc phòng Nga từng cho biết tình báo Nga đã phát hiện  các tập đoàn hàng đầu của Mỹ, làm việc cùng các nhà thầu quân sự tư nhân, được hỗ trợ bởi Lực lượng đặc biệt và không quân Mỹ, thực hiện buôn lậu dầu mỏ Syria.

Doanh thu mỗi tháng buôn lậu dầu mỏ của Syria tại tỉnh Deir ez-Zor đạt tới 30 triệu USD. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin khẳng định những hành động như vậy của Washington là "không thể chấp nhận được", theo Sputnik.

Mỹ từng biện minh cho sự hiện diện của họ ở Syria là nhằm chống lại IS, nhưng thực tế là Washington cố nắm giữ nguồn dầu mỏ của Syria, và đó "chẳng khác nào hành động cướp đoạt tài nguyên dầu mỏ của Syria”, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định.

Tuy nhiên, khi việc khai thác dầu của Syria được thỏa thuận với chính quyền bán tự người Kurd - lực lượng đang kiểm soát vùng lãnh thổ có những giếng dầu - thì tiếng xấu Mỹ buôn lậu hay cướp đoạt tài nguyên của Syria sẽ phần nào nhẹ hơn.

Như vậy, khi ký thỏa thuận khai thác dầu với công ty của Mỹ, thực tế người Kurd đã biến mình thành bia đỡ đạn cho Washington, chứ không phải được thể hiện chủ quyền trên phần lãnh thổ mình kiểm soát như họ mộng tưởng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật