Quốc tế nỗ lực giữ vững ổn định trên Biển Đông

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều quốc gia tiếp tục khẳng định, thay vì đối đầu thì đối thoại là giải pháp duy nhất để duy trì trật tự, ổn định trên Biển Đông. Đồng thời, việc tăng cường hợp tác sẽ mang tới những lợi ích hài hòa, thiết thực và bền vững cho tất cả các bên.
Quốc tế nỗ lực giữ vững ổn định trên Biển Đông
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hội đàm trực tuyến với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ngày 30-7. Ảnh: Antara

Giải pháp duy nhất

Trong cuộc đối thoại mới nhất với Trung Quốc diễn ra cuối tuần trước, Indonesia tiếp tục giữ vững lập trường rằng, đối thoại là giải pháp duy nhất giải quyết bất đồng tại Biển Đông, trên cơ sở của luật pháp quốc tế hiện hành, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Nhấn mạnh với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nêu rõ, các quốc gia đã ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), trong đó cần phải tôn trọng và tuân thủ nghiêm quy tắc ứng xử trong giải quyết các tranh chấp. TAC là sự thống nhất của nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Lạc quan trước tình hình Biển Đông, Tiến sĩ Gerhard Will - chuyên gia của viện Khoa học và Chính trị Đức (SWP) chỉ ra rằng, thực trạng hiện nay cho thấy, các bên tranh chấp sẽ khó có thể đưa đẩy diễn biến tới việc đối đầu quân sự trực tiếp. Thay vào đó, các bên liên quan sẽ tăng cường hợp tác chặn chẽ nhằm ngăn chặn những nguy cơ xấu, hướng tới việc đảm bảo hài hòa lợi ích cho tất cả.

Ngoại trưởng Marsudi khẳng định: “Đối thoại là cách duy nhất để giải quyết bất đồng”. Đồng thời, Indonesia nhất quán việc đề cao giải pháp hòa bình trong giải quyết mọi tranh chấp và phải tôn trọng, tuân thủ nghiêm luật pháp quốc tế. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Indonesia cũng bày tỏ, nước này có niềm tin tưởng rất lớn rằng, hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông chỉ có thể được duy trì khi luật pháp quốc tế, gồm cả UNCLOS năm 1982 được tôn trọng và thực thi nghiêm túc.

bình luận về quan điểm của Indonesia, giới chuyên gia quốc tế nhìn nhận, Indonesia vốn không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng dành nhiều quan tâm đến UNCLOS năm 1982 bởi sự liên quan chặt chẽ giữa trật tự khu vực này đối với cấu trúc lãnh hải quốc gia của Indonesia. Chính quyền Indonesia cũng từng khẳng định, UNCLOS năm 1982 cung cấp cơ sở pháp lý rõ ràng và cơ sở nhận thức tốt nhất để giải quyết bất đồng trên Biển Đông.

Ngày 3-8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Retno Marsudi nhằm thảo luận về căng thẳng khu vực liên quan đến vấn đề Biển Đông. Thông điệp chính được đưa ra trong cuộc điện đàm này cho thấy, cả 2 nước cùng thống nhất mục tiêu chung là tuân thủ nghiêm luật pháp quốc tế. Ngày 4-8, Ngoại trưởng Mỹ tiếp tục điện đàm với người đồng cấp Singapore Vivian Balakrishnan nhằm thảo luận và thống nhất quan điểm phản đối những hành động phi pháp trên Biển Đông.

Tương tự như Indonesia, Singapore là quốc gia Đông Nam Á nhưng không có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Ngoại trưởng Singapore khẳng định, nước này không tham gia phe cánh nào trong các tranh chấp. Đồng thời nhấn mạnh, Singapore đề cao việc duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông, bởi đây chính là lợi ích chủ yếu của “đảo quốc Sư tử”.

“Chúng tôi ủng hộ quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông; ủng hộ giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp theo nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS năm 1982” - Tuyên bố của Ngoại trưởng Singapore.

Trong cả 2 cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra thông điệp rằng, quan điểm của Mỹ là ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích theo luật pháp quốc tế. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc tăng cường hợp tác nhằm phục hồi sự suy yếu do đại dịch Covid-19 gây ra, cũng như duy trì trật tự an ninh tại toàn khu vực.

Trật tự sẽ đem đến lợi ích

Trung tướng Gilbert Gapay, Tổng Tư lệnh quân đội Philippines khẳng định, nước này đang áp dụng cách tiếp cận thực tế và thực dụng trong việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông. “Chúng tôi kiên quyết giải quyết mọi xung đột bằng giải pháp hòa bình và dựa trên luật pháp quốc tế” - Tổng Tư lệnh quân đội Philippines khẳng định nguyên tắc phòng vệ của nước này. Đồng thời, tướng Gapay cũng nhấn mạnh, việc giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình sẽ đảm bảo không làm xói mòn lợi ích quốc gia.

Đảo Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Theo giới chuyên gia quốc tế về vấn đề Biển Đông, việc quân sự hóa biện pháp giải quyết bất đồng là điều không mang tới kết quả. Trong đó, các quốc gia liên quan đều thống nhất cao việc phi quân sự trong giải quyết vấn đề Biển Đông. Trên thực tế, cần phải nhìn nhận rằng, trên Biển Đông đang hiện hữu cuộc cạnh tranh về vị thế và tầm ảnh hưởng giữa các cường quốc thế giới.

Một trong những yếu tố chính dẫn tới thực trạng này là tiềm năng và tài nguyên to lớn của Biển Đông. Tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới này chiếm hơn 50% thị phần vận tải hàng hải toàn cầu, có giá trị hơn 5 nghìn tỷ USD mỗi năm. Thực tế những năm qua, trọng tâm kinh tế, chính trị toàn cầu đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ, nhất là tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Điều này khiến giá trị chiến lược của Biển Đông ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Việc duy trì trật tự, ổn định và hòa bình, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông sẽ mang tới lợi ích rất lớn cho toàn thế giới nói chung và các quốc gia liên quan tại khu vực nói riêng. Chính vì vậy, tình hình Biển Đông đang được cả thế giới quan tâm, nỗ lực đóng góp đảm bảo hòa bình, ổn định thông qua luật pháp quốc tế.

Vấn đề Biển Đông cũng là một chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự của Liên hợp quốc. Việc tôn trọng lẫn nhau, thượng tôn luật pháp quốc tế, gây dựng lòng tin, giải quyết bất đồng bằng đối thoại... chính là nền tảng mang tới lợi ích thực chất và bền vững cho tất cả các bên. Ngược lại, nếu những thế lực mạnh tham gia tranh chấp thể hiện thái độ cứng rắn, hung hăng sẽ gây nên thiệt hại lớn cho tất cả các bên.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật