Hà Nội muốn ‘nâng một mức nguy cơ’ vì dịch nguy hiểm hơn

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Hà Nội thuộc nhóm nguy cơ thấp nhưng với diễn biến trong những ngày qua, cần nâng lên một mức vì thành phố đang ở mức độ nguy hiểm hơn”, ông Nguyễn Đức Chung nhận định.
Hà Nội muốn ‘nâng một mức nguy cơ’ vì dịch nguy hiểm hơn
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định thành phố “đang ở mức độ nguy hiểm hơn“ so với thực tế là một địa phương ở nhóm nguy cơ thấp. Ảnh: Sơn Hà.

Kết luận cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố chiều 6/8, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá tình hình dịch bệnh có nhiều đột biến. Các nước đang tập trung nghiên cứu vaccine nhưng phải cuối năm nay hoặc đầu năm sau mới có kết quả.

Ở Việt Nam, dịch xuất phát từ Đà Nẵng, Quảng Nam, đến nay đã lan ra 11 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội và TP.HCM.

Hà Nội đang ở mức độ nguy hiểm hơn

Ông Chung cho biết cả 3 ca nhiễm của Hà Nội đều từ Đà Nẵng về và đã có lịch trình di chuyển phức tạp trong thành phố. “Điều đó cho thấy việc lây nhiễm trong vùng dịch đã lan ra ngoài cộng đồng rộng rãi”, Chủ tịch UBND TP nhận định.

Với tinh thần khẩn trương, xác minh nhanh chóng, cách ly kịp thời, lấy mẫu xét nghiệm sớm, từ ngày 25/7 đến nay, Hà Nội đã xác định trên 94.000 người về từ Đà Nẵng, Quảng Nam hoặc có tiếp xúc với các ca bệnh.

Đặc biệt, thành phố xác định được 104 trường hợp F1 của bệnh nhân 714 và 6 bệnh nhân đi trên chuyến bay từ Đà Nẵng ra Nội Bài ngày 24/7. Đến nay, thành phố đã xét nghiệm được 43 người và cho kết quả âm tính.

Nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng về việc các địa phương tự đánh giá nguy cơ, ông Chung cho biết Hà Nội đang trong nhóm nguy cơ thấp. Tuy nhiên, với diễn biến trong những ngày qua, ông cho rằng Hà Nội cần “nâng lên một mức”. “Về chuyên môn chúng tôi sẽ xin ý kiến Bộ Y tế, nhưng về đánh giá thì Hà Nội đang ở mức độ nguy hiểm hơn”, ông Chung nói.

Dù vậy, Chủ tịch Hà nội yêu cầu các đơn vị một mặt tập trung phòng, chống dịch Covid-19, mặt khác, tiếp tục thực hiện các hoạt động kinh tế, các chính sách về an sinh xã hội.

Hà Nội cần 65.000 xét nghiệm RT-PCR trong 10 ngày tới

Về việc test nhanh cho những người về từ Đà Nẵng, người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết số lượng người lên tới 94.000, nhưng thành phố chỉ có 80.000 bộ test.

Ông cũng thẳng thắn đánh giá độ nhạy của phương pháp test nhanh này chỉ là tương đối, không phải tuyệt đối. Điển hình, nhiều ca test nhanh dương tính nhưng xét nghiệm lại bằng phương pháp RT-PCR là âm tính. Tuy nhiên, với trường hợp bệnh nhân 714, test nhanh âm tính nhưng xét nghiệm RT-PCR dương tính.

“Thành phố thực hiện công khai, minh bạch. Đây là giải pháp nhanh chóng, kịp thời, tức là tạm thời test nhằm khoanh vùng những nơi có khả năng dương tính nhiều để có biện pháp mạnh mẽ, chặt chẽ hơn, chứ đây không phải giải pháp duy nhất”, ông Chung nêu ý kiến.

Ông cho biết thêm năng lực của Hà Nội nếu huy động hết bộ máy có thể xét nghiệm 9.000-10.000 mẫu/ngày.

Khẳng định chỉ qua xét nghiệm RT-PCR mới xác định được các ca dương tính, ông Chung yêu cầu toàn bộ người về từ Đà Nẵng từ ngày 15/7 phải được xét nghiệm bằng phương pháp này.

Ông dự báo Hà Nội sẽ cần là 60.000-65.000 xét nghiệm RT-PCR trong thời gian tới. Nếu thực hiện xong trong 10 ngày, từ ngày 12-15/8, Hà Nội không có ca nhiễm thì tình hình mới an toàn.

Chủ tịch Hà Nội đề nghị Sở Y tế phối hợp với các quận, huyện vận động nhà hảo tâm, nhà tài trợ để hỗ trợ thành phố thêm máy móc, thiết bị và vật tư phòng dịch, nhất là các máy và bộ xét nghiệm RT-PCR.

Chủ tịch Chung đề nghị Bí thư Thành ủy kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng giải quyết nhanh các cơ chế mua sắm, trang bị vật tư y tế, máy móc để có thể “chạy đua với thời gian”.

Ngoài ra, lãnh đạo thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị kỳ thi THPT kỹ lưỡng, theo đó, các phòng thi phải được khử khuẩn, mỗi phòng có 24 học sinh phải được giãn cách, đeo khẩu trang và đo thân nhiệt.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật