Lo kinh tế bất ổn, dân Nga ồ ạt chuyển tiền ra nước ngoài

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dân Nga đang tìm cách đổi đồng rúp sang đô la Mỹ trên thị trường chợ đen và chuyển tiền vào tài khoản ở nước ngoài trong những tháng gần đây. Diễn biến này cho thấy mối lo lắng dai dẳng của họ về tác động kinh tế từ cuộc chiến ở Ukraine. Họ lo sợ tình hình kinh tế của đất nước sẽ tồi tệ hơn trong những tháng tới, thậm chí những năm tới.
Lo kinh tế bất ổn, dân Nga ồ ạt chuyển tiền ra nước ngoài
Stepan Ermakov, nhà đầu tư và blogger tài chính sống ở thành phố Saint Petersburg (Nga), chuyển tiền ra nước ngoài vì lo ngại đồng rúp mất giá. Ảnh: WSJ

Tiền chảy ra nước ngoài cao gấp 5 lần so với trước chiến tranh

Dòng tiền đã tháo chạy khỏi Nga trong những tháng đầu tiên sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine ngay cả khi phương Tây cắt đứt phần lớn sự tiếp cận của các ngân hàng Nga đối với đồng đô la Mỹ và đồng euro. Nhưng giờ đây, thay vì ổn định trở lại như các mức trước chiến tranh, dòng tiền tiếp tục chạy khỏi Nga trong năm nay, theo dữ liệu của Ngân hàng trung ương Nga (CRB).

Kể từ khi bắt đầu chiến tranh nổ ra đến tháng 4 năm nay, tiền gửi của các hộ gia đình Nga tại các ngân hàng nước ngoài đã tăng hơn gấp đôi, lên 5,4 nghìn tỉ rúp, tương đương 67,3 tỉ đô la. Dòng chảy hàng tháng của đồng rúp vào các tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài đang nhanh hơn 5 lần so với mức trước chiến tranh.

Dòng vốn chảy ra nước ngoài liên tục trái ngược với cách mà quan chức Điện Kremlin mô tả khả năng chống chịu kiên cường của nền kinh tế Nga mà họ cho là đã thích nghi tốt với đòn trừng phạt của phương Tây. Các nhà kinh tế ở phương Tây đang bất đồng về việc liệu kinh tế Nga sẽ tăng trưởng trở lại trong năm nay hay lại suy thoái như năm 2022. Nhưng hầu hết đều nhất trí rằng chiến tranh và tình trạng bị cô lập đã gây thiệt hại kinh tế lâu dài cho Moscow.

Nhiều người Nga đã đổ xô tìm kiếm các kênh giao dịch trên thị trường chợ đen để đổi đồng rúp thành các ngoại tệ. Những người Nga khác gửi tiền trong hệ thống ngân hàng của các nước láng giềng như Georgia, Kazakhstan và Armenia, nơi họ vẫn có thể mở tài khoản đô la và thẻ Visa.

Stepan Ermakov, nhà đầu tư và blogger tài chính sống ở thành phố Saint Petersburg, đã xoay xở rút tiền tiết kiệm ra khỏi các ngân hàng Nga bắt đầu vào ngày 24-2-2022, ngày Nga đưa quân sang biên giới Ukraina. Ermakov tiết lộ anh đã canh các máy ATM đang được nạp tiền vào ban đêm ở Saint Petersburg để rút đô la Mỹ cho đến khi CRB áp đặt các giới hạn rút đô la.

Sau đó, Ermakov tìm các cách khác, chẳng hạn chuyển đô la Mỹ từ tài khoản của anh ở chi nhánh Ngân hàng Raiffeisen Bank International (Áo) tại Nga sang tài khoản môi giới ở Mỹ cũng như sang các tài khoản ngân hàng của anh ở Armenia và Georgia. Anh nói đồng đô la Mỹ ổn định hơn so với đồng rúp.

“Nếu tôi có 1.000 đô la, tôi luôn có thể mua một chiếc iPhone. Giữ mọi thứ bằng đồng rúp rất nguy hiểm. Một kịch bản mà tôi lo ngại là giới chức trách phá giá đồng rúp để lấp đầy nguồn thu ngân sách đang bị sụt giảm từ lĩnh vực dầu khí”, Ermakov nói.

Người Nga có rất nhiều lý do để chuyển tiền ra ngoài tầm kiểm soát của hệ thống tiền tệ và ngân hàng của Nga. Đồng rúp đã giảm 8% trong năm nay so với đồng đô la khi các biện pháp trừng phạt năng lượng của phương Tây bắt đầu có tác động. Các cường quốc phương Tây đã mở rộng danh sách ngân hàng Nga bị trừng phạt, làm hạn chế hơn nữa các lựa chọn cho các giao dịch nước ngoài. Chính phủ Nga đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn được áp đặt trong những ngày sau khi chiến tranh nổ ra để ngăn chặn tình trạng hỗn loạn tài chính. Tuy nhiên, nhiều người dân lo sợ các biện pháp này có thể tái triển khai.

Dữ liệu của Ngân hàng trung ương Nga cho thấy, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra đến tháng 4-2023, tiền gửi của các hộ gia đình Nga tại các ngân hàng nước ngoài đã tăng hơn gấp đôi, lên 5,4 nghìn tỉ rúp, tương đương 67,3 tỉ đô la. Ảnh: WSJ

Kinh tế các nước láng giềng hưởng lợi

“Kinh tế Nga đang bất ổn cao hơn bao giờ hết. Điều này có nghĩa là dân Nga có thể đối mặt tổn thất tiềm tàng về tiền lương, lợi nhuận kinh doanh. Họ cần được đảm bảo an toàn vì những ngày tháng khó khăn rất có thể xảy ra”, Sofya Donets, nhà kinh tế học người Nga làm việc tại ngân hàng đầu tư Renaissance Capital (Anh), nhận định.

Donets dự báo các hộ gia đình Nga sẽ chuyển thêm 30 tỉ đô la nữa vào các ngân hàng nước ngoài trong năm nay.

Hàng trăm ngàn người Nga, đặc biệt là những nam giới muốn tránh nghĩa vụ quân sự, đã rời khỏi đất nước và mang theo tiền của họ. Một số công ty Nga cũng chuyển ra nước ngoài. Nhiều người Nga khác thiết lập trước các tài khoản ở ngân hàng nước ngoài để chuẩn bị cho chuyến di cư khỏi đất nước hoặc để mua hàng hóa và dịch vụ không bán ở trong nước.

Việc chuyển tiền ra nước ngoài thông qua ngân hàng mất nhiều thời gian đến mức người Nga phải sử dụng các phương pháp rủi ro, chẳng hạn như đổi tiền với người lạ. Sau khi Andrey Avramenko rời Nga để sang Montenegro sinh sống vào năm ngoái, anh đã đổi khoảng 400.000 rúp để lấy euro với một người đàn ông mà anh ta gặp trên một kênh Telegram quảng cáo trao đổi tiền tệ. Họ gặp nhau tại một nhà hàng ở thị trấn ven biển Budva, nơi Avramenko gửi đồng rúp từ ví di động đến tài khoản ngân hàng Sberbank ở Nga của người đàn ông này và nhận lại tiền mặt euro.

Tiền ảo, hoạt động chủ yếu bên ngoài hệ thống ngân hàng của Nga, cũng đã nổi lên như một phương thức để chuyển tiền ra nước ngoài. Gregory Shevchenko, một doanh nhân ngành tiếp thị ở Moscow, cần phải trả tiền để có được giấy phép kinh doanh ở Các Tiểu vương quốc Arab Saudi thống nhất (UAE). Anh đã trả số tiền rúp tương đương 8.000 đô la cho các luật sư ở Moscow, những người sau đó sử dụng tiền ảo để thực hiện các khoản thanh toán xuyên biên giới giúp Shevchenko.

Shevchenko cũng chuyển đồng rúp vào tài khoản của anh tại ngân hàng Freedom Bank ở Kazakhstan. Anh sử dụng tài khoản đó để mua đô la.

Dòng chảy tiền từ Nga mang lại lợi ích bất ngờ đối với các nước nhỏ thuộc Liên Xô cũ, những nước được cho là sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh ở Ukraine. Nền kinh tế của Armenia tăng trưởng 13% vào năm ngoái. Trong khi đó, Georgia và Kyrgyzstan lần lượt tăng trưởng 10% và 7%.

Georgia đã chứng kiến lượng chuyển tiền từ Nga tăng 565% trong năm tính đến tháng 3, trong khi tiền của Nga chảy sang Armenia tăng vọt 382% trong cùng kỳ, theo dữ liệu của S&P Global Ratings.

Tiền gửi của nước ngoài vào các ngân hàng ở Armenia đã tăng hơn gấp đôi lên 3,3 tỉ đô la vào cuối năm 2022. Người nước ngoài cũng gửi gần 514 triệu đô la vào hệ thống ngân hàng của Azerbaijan và 1,5 tỉ đô la vào các ngân hàng ở Georgia vào năm ngoái.

Một doanh nhân người Nga cho biết, ông thường xuyên đến các điểm đổi tiền ở một khu phố chọc trời ở Moscow. Tại đây, ông có thể bán một lượng rúp không giới hạn để đổi lấy đô la. Ông chấp nhận mua đô la với giá cao hơn 10% so với tỷ giá hối đoái chính thức.

“Bạn có thể cất giữ đô la ở nhà, hoặc có thể đào một cái hố trong vườn và chôn đô la của bạn xuống đó”, ông nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật