Cô giáo mầm non tâm huyết với nghề

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Yêu nghề, tận tâm với công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ, đó là những gì mà giáo viên, phụ huynh Trường Mầm non xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng nói về cô giáo Nguyễn Thị Lộc – người đã có 12 năm công tác, giảng dạy tại trường.
Cô giáo mầm non tâm huyết với nghề
Cô Nguyễn Thị Lộc hướng dẫn học sinh tập hát theo nhạc

Cô Nguyễn Thị Lộc sinh ra, lớn lên tại huyện Thường Tín, Hà Nội. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô đã có ước mơ trở thành cô giáo mầm non. Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên (năm 2011), cô đã về nhận công tác tại Trường Mầm non xã Cai Kinh, huyện Lữu Lũng đến nay. Cô Lộc chia sẻ, mặc dù ra trường phải công tác ở một nơi xa, lúc mới về trường, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, trang thiết bị phục vụ dạy học còn hạn chế. Với tình yêu thương, sự tâm huyết với nghề, tôi đã đem kiến thức đã học để chăm sóc, nuôi dạy trẻ, luôn không ngừng trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để vận dụng vào công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Cùng đó, cô giáo Lộc luôn có suy nghĩ ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng cần có ở một giáo viên mầm non là tình yêu thương, lòng nhân ái trong nuôi dạy trẻ, bởi ở lứa tuổi mầm non, nhất là ở nhà trẻ các bé còn nhỏ nên việc chăm sóc là hết sức vất vả. Do vậy, để hình thành những thói quen, nhân cách tốt cho trẻ và luôn ân cần chăm sóc chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ, uốn nắn cho trẻ từ những việc làm nhỏ nhất như cách cầm thìa xúc ăn, dạy trẻ đi vệ sinh đúng cách và dạy trẻ các kỹ năng sống phù hợp lứa tuổi, biết chào hỏi khi gặp người lớn và cảm ơn khi được người khác giúp đỡ. Cô còn thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin sức khỏe của từng trẻ để thông báo cho phụ huynh và phối hợp chăm sóc. Với cô, tất cả học sinh đến lớp đều được đối xử công bằng, được quan tâm, tận tình chăm sóc.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, trong quá trình công tác, cô còn chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, tìm ra các hình thức lôi cuốn để phát huy tính tích cực của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ được tìm tòi, khám phá, trải nghiệm… Đặc biệt, cô luôn nghĩ cách để làm sao giúp cho trẻ ngày càng tự tin, mạnh dạn tham gia phát biểu. Đồng thời, tích cực làm đồ dùng đồ chơi cũng như thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác soạn giảng và xây dựng các sáng kiến kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Trong những năm học gần đây, sáng kiến “Một số biệp pháp giúp trẻ tích cực trong hoạt động làm quen với toán cho trẻ lớp 3 tuổi B Trường Mầm non xã Cai Kinh” (năm học 2020 – 2021); “Giải pháp nâng cao tính tích cực lĩnh vực phát triển thể chất trong tiết thể dục cho trẻ mẫu giáo lớp 5 tuổi C Trường Mầm non xã Cai Kinh huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn” (năm học 2021 – 2022) của cô đã được Hội đồng sáng kiến kinh nghiệm huyện Hữu Lũng đánh giá cao.

Bà Trần Thị Họa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cai Kinh cho biết: Trong thời gian công tác tại trường, cô Lộc luôn không ngừng học hỏi từ đồng nghiệp và chịu khó tham khảo các tài liệu để nâng cao kiến thức, kỹ năng giảng dạy. Cô luôn bám sát kế hoạch và nhiệm vụ năm học của trường, của ngành và ứng dụng nhanh nhạy những sáng kiến kinh nghiệm mới vào công tác giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Cô cũng luôn nhã nhặn, hòa đồng nên được đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh tin tưởng và yêu quý. Với những nỗ lực, trách nhiệm trong công tác của mình, những năm qua, cô Nguyễn Thị Lộc được nhiều cấp, ngành biểu dương khen thưởng, nổi bật là trong năm học 2021 – 2022, cô được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích 2 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật