Đức nới lỏng chính sách nhập cư nhằm thu hút lao động có tay nghề khắp thế giới

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chính phủ Đức ngày 29/03 công bố dự luật mới về nhập cư với nhiều sửa đổi quan trọng theo hướng nới lỏng điều kiện nhập cư, kèm theo rất nhiều ưu đãi nhằm thu hút các lao động có tay nghề từ khắp nơi trên thế giới, trong bối cảnh kinh tế khó khăn và việc thiếu hụt lao động tại Đức đang ngày càng nghiêm trọng.
Đức nới lỏng chính sách nhập cư nhằm thu hút lao động có tay nghề khắp thế giới
Đức đang thiếu lao động nhập cư có tay nghề cao. Ảnh: Reuters

Theo dự luật nhập cư mới được hai Bộ Nội vụ và Bộ Lao động Đức trình lên chính phủ Đức trong ngày 29/03, Đức sẽ xây dựng một chính sách nhập cư mới dựa trên một hệ thống tính điểm với 5 tiêu chí, bao gồm: năng lực chuyên môn, trình độ tiếng Đức, kinh nghiệm nghề nghiệp, các mối liên hệ với nước Đức và độ tuổi.

Nếu được Nghị viện Liên bang Đức thông qua, dự luật mới này sẽ thay thế bộ luật nhập cư đối với các lao động có tay nghề được chính phủ liên minh của cựu Thủ tướng Angela Merkel áp dụng từ tháng 03/2020. Dự luật mới về nhập cư được xem là sẽ nới lỏng rất nhiều điều kiện về xin giấy phép lao động, giấy cư trú dài hạn, kèm theo rất nhiều ưu đãi cho các lao động có tay nghề cao đến từ những quốc gia bên ngoài Liên minh châu Âu, như việc dễ dàng bảo lãnh và đoàn tụ gia đình, dễ dàng xin giấy phép cư trú dài hạn tại Đức cũng như được tự do lựa chọn công việc hơn khi đến Đức.

Phát biểu trước Nghị viện Liên bang Đức chiều ngày 29/03, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định, nước Đức cần phải có một chính sách nhập cư hoàn toàn mới để đối phó với các thách thức kinh tế tương lai. “Chúng ta cần phải mang đến nước Đức những lao động có tay nghề cao, không chỉ từ các nước trong Liên minh châu Âu mà còn từ nhiều nước khác. Để làm được điều đó, nước Đức cần phải có một chính sách nhập cư với lao động tay nghề cao hiện đại nhất tại châu Âu, một chính sách mà nước Đức có thể mang ra so sánh với toàn thế giới. Đây là một bước đi sống còn nhằm tiếp tục hiện đại hóa nước Đức, tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế trong nhiều thập kỷ sắp tới”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói.

Theo các tính toán của Bộ Nội vụ và Bộ Lao động Đức, tính đến hết quý IV năm 2022, nước Đức có đến 1,98 triệu việc làm thiếu vắng lao động tay nghề cao, con số cao nhất trong lịch sử. Đến đầu năm 2023, số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức cho thấy hơn một nửa số công ty tại Đức (53%) rơi vào tình trạng thiếu lao động, tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực chế tạo thiết bị điện tử, hó‌a chấ‌t và công nghiệp ô tô, dẫn đến thiệt hại kinh tế trên 100 tỷ euro. Các phân tích trước đây cho thấy, đến cuối thập kỷ này nước Đức sẽ thiếu khoảng 5 triệu lao động có tay nghề nếu không thay đổi chính sách nhập cư.

Với dự luật mới về nhập cư, Bộ Nội vụ Đức tính toán, mỗi năm nước Đức có thể thu hút thêm ít nhất 60 ngàn lao động có tay nghề đến từ các nước nằm ngoài Liên minh châu Âu – EU, con số cao gấp đôi so với trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Do các tác động của đại dịch và xung đột tại Ukraine, kinh tế Đức từ vài năm nay đang gặp rất nhiều khó khăn khi tăng trưởng ở mức rất thấp. Trong ngày 29/03, số liệu từ Cơ quan thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố cũng cho thấy nợ công của Đức tính đến hết năm 2022 đã tăng lên 2,37 ngàn tỷ euro, tăng 2% trong 1 năm và hiện tương đương khoảng trên 65% GDP nước này. Mặc dù tỷ lệ này thấp hơn nhiều đa số các nước châu Âu khác nhưng cũng là một con số cao kỷ lục với quốc gia vốn nổi tiếng về kỷ luật ngân sách như Đức.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật