Chuyên gia lo ngại việc đại học tổ chức kỳ thi riêng trở thành xu hướng

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến bày tỏ sự lo ngại khi việc các trường tự tổ chức kỳ thi riêng để phục vụ xét tuyển đại học dường như đang trở thành xu hướng.
Chuyên gia lo ngại việc đại học tổ chức kỳ thi riêng trở thành xu hướng
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM năm 2022 (Ảnh: TS).

Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, năm 2022, các trường đại học dành 31.435 chỉ tiêu (trên tổng số 587.786 chỉ tiêu) để xét tuyển từ kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

Tới nay, một số trường đại học như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội… đã tự tổ chức các kỳ thi riêng và sử dụng kết quả từ các kỳ thi này để xét tuyển đại học chính quy. Nhiều trường đại học khác cũng thông báo sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các đơn vị bạn tổ chức để xét tuyển.

Năm 2023, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM là đơn vị tiếp theo cho biết sẽ tự tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để phục vụ việc tuyển sinh. Nhiều chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, số trường đại học sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá tư duy, năng lực và chỉ tiêu dành cho kỳ thi riêng sẽ tiếp tục tăng lên.

Lo ngại khi việc tổ chức các kỳ thi riêng thành xu hướng

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) bày tỏ sự lo ngại khi việc tổ chức các kỳ thi riêng để phục vụ xét tuyển đại học dường như đang trở thành xu hướng, các trường "đua nhau làm".

Tiến sĩ Khuyến phân tích, Luật 34 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cho phép các trường được quyền tự chủ, tự quyết định phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, vấn đề này cần xét trên nhiều góc độ.

Theo đó, hiện chúng ta chỉ có một kỳ thi tuyển sinh quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi này vốn nhằm 2 mục đích, một mặt xét điều kiện tốt nghiệp THPT của học sinh, mặt khác là căn cứ để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng; trên tinh thần giảm gánh nặng thi cử, phiền hà cho người học.

"Thế nhưng, bây giờ chúng ta lại tổ chức thêm các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, trong khi vẫn còn kỳ thi tốt nghiệp THPT, như vậy có đúng tinh thần nói trên hay không?", Tiến sĩ Khuyến đặt vấn đề.

Theo ông, một trong những ưu điểm của kỳ thi chung là thí sinh có cơ hội trúng tuyển nhiều trường khác nhau, khi trượt trường này vẫn có thể sử dụng kết quả đó để trúng tuyển vào trường khác.

Tuy nhiên, với các kỳ thi riêng, kết quả chỉ được công nhận ở một số lượng trường nhất định. Thí sinh muốn tăng cơ hội trúng tuyển vào nhiều trường đại học có thể phải tham gia nhiều kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, bên cạnh việc vẫn phải ôn thi tốt nghiệp THPT.

Có rất nhiều lập luận khác nhau về vấn đề lý do cần tổ chức các kỳ thi riêng. Một số ý kiến cho rằng không tin tưởng vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT hay tính phân loại của kỳ thi chưa cao nên các trường phải tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

"Vậy tại sao chúng ta không cùng góp sức với Bộ GD&ĐT, phát huy trí tuệ tổng hợp của chuyên gia ở tất cả các trường để làm cho kỳ thi này tốt hơn, thay vì làm riêng. Đây là cách nhìn nhận mà cá nhân tôi không tán thành", Tiến sĩ Khuyến nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, ông cho hay, việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia rất am hiểu về đo lường, đánh giá trong giáo dục ra đề thi. Điều này có thể là khó khăn với các trường chuyên ngành, không phát triển về khoa học giáo dục.

"Theo tôi, trường nào quyết tâm trong việc tự tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy cần có đề án chứng minh mình đủ khả năng tổ chức. Và Bộ GD&ĐT không nên bỏ vai trò quản lý của mình, tức Bộ phải tổ chức các hội đồng chuyên môn để đánh giá về năng lực của những trường có thể đứng ra tổ chức kỳ thi riêng như vậy", Tiến sĩ Khuyến nói.

Với một số ý kiến cho rằng, tính phân loại của kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa cao, nhiều ngành hot lấy điểm chuẩn lên đến 29, 30 điểm, buộc các trường phải có kỳ thi riêng để sàng lọc thí sinh, theo Tiến sĩ Khuyến, giải pháp là kỳ thi phụ hay xét tiêu chí phụ cho những ngành hot, tỷ lệ chọi cao sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra.

"Tôi lấy ví dụ như trong trường Y, ngành Y khoa hay Răng Hàm Mặt là ngành hot, có tỷ lệ chọi cao, nhưng các ngành khác như Y học dự phòng, Y tế công cộng,… lại ít cạnh tranh hơn.

Như vậy, sau khi thí sinh trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, với việc xét tuyển các ngành hot, chúng ta có thể chọn ra một số lượng thí sinh ưu tú, điểm cao để tổ chức vòng thi phụ hoặc xét tiêu chí phụ. Điều này vẫn có thể giúp các trường sàng lọc, chọn được những thí sinh tài năng nhất mà không phải tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy", Tiến sĩ Khuyến nêu quan điểm.

Lý do các trường tổ chức kỳ thi riêng

Theo Trường ĐH Sư phạm TPHCM, đối với một số ngành học của trường, thí sinh dự thi cần có những năng lực chuyên biệt cụ thể, phù hợp với tính chất ngành học.

Chẳng hạn, thí sinh dự thi vào ngành Sư phạm Toán học cần được đánh giá năng lực Toán học để khẳng định mức độ phù hợp với ngành học cũng như khả năng tiếp thu các kiến thức ngành trong quá trình học tập ở bậc đại học. Tương tự như với các ngành khác như Hóa học, Vật lý học, Sinh học, các ngành Ngoại ngữ…

Nhà trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt nhằm thực hiện mục tiêu đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh. Đồng thời, hướng đến việc tuyển chọn được những thí sinh có năng lực chuyên biệt, phù hợp với yêu cầu đầu vào của các ngành học mang tính đặc thù của trường trong hoạt động tuyển sinh và thực hiện tự chủ trong công tác tuyển sinh theo Luật giáo dục đại học 2019.

Với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, việc xây dựng tổ chức kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực để xét tuyển đại học hệ chính quy nhằm mục đích đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, gia tăng cơ hội trúng tuyển và phân loại tốt hơn năng lực của các thí sinh. Từ đó, tuyển chọn được sinh viên phù hợp vào học một số khối ngành, nhóm ngành đào tạo trình độ đại học.

Với Đại học Bách khoa Hà Nội, nhà trường cho biết kỳ thi đánh giá tư duy hướng tới lựa chọn thí sinh có năng lực học tập tốt. Đây là lý do các câu hỏi trong bài thi có tính phân loại cao với phổ điểm rộng. Với phương thức này, những ngành nổi trội sẽ dễ dàng lựa chọn được sinh viên xuất sắc, đáp ứng tính khắt khe trong tuyển chọn.

Ngoài ra, việc tham gia kỳ thi đánh giá tư duy cũng là một cơ hội nữa cho các thí sinh xét tuyển vào trường đại học yêu thích, bên cạnh phương thức truyền thống xét tuyển bằng điểm thi THPT.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật