IMF mách nước ưu tiên chính sách để tối đa hóa tăng trưởng 2023

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong dự báo mới nhất về kinh tế thế giới, bên cạnh lạc quan thoát nguy cơ suy thoái, IMF còn đưa ra một số khuyến nghị ưu tiên chính sách để tối đa hóa tăng trưởng kinh tế năm nay.
IMF mách nước ưu tiên chính sách để tối đa hóa tăng trưởng 2023
Ảnh minh họa

Đầu tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023. Triển vọng mà IMF dự đoán có vẻ khá lạc quan, song vẫn còn nhiều yếu tố có thể gây “đảo chiều dự đoán” mà các chính phủ cần thận trọng xem xét và có những ưu tiên chính sách chuẩn xác để tối đa hóa tăng trưởng kinh tế.

Lạc quan nhưng cần thận trọng

Dự báo kinh tế thế giới vẫn sẽ chậm trong năm nay khi các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, song IMF mô tả triển vọng kinh tế năm nay sẽ ổn định hơn so với dự đoán trước đây và có thể tránh được suy thoái toàn cầu, theo The Washington Post.

Khoảng thời gian này, triển vọng kinh tế toàn cầu không xấu đi. Đó là tin tốt nhưng chưa đủ. Con đường trở lại phục hồi hoàn toàn, với tăng trưởng bền vững và giá cả ổn định cho tất cả mọi người, chỉ mới bắt đầu.

Ông GOURINCHAS,

nhà kinh tế trưởng của IMF

IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống 2,9% trong năm 2023 (từ mức 3,4% vào năm ngoái) trước khi tăng lên mức 3,1% vào năm 2024. Lạm phát dự kiến sẽ giảm xuống 6,6% trong năm nay (giảm từ mức 8,8% của năm 2022) và sau đó giảm xuống 4,3% vào năm 2024.

Tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2023 ở mức 1,4%, tăng từ mức 1% dự đoán hồi tháng 10-2022. IMF dự báo các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi sẽ chứng kiến mức tăng trưởng lần lượt là 4% và 4,2% trong năm nay và năm tới. IMF cũng điều chỉnh mức tăng trưởng của Trung Quốc (TQ) lên 5,2%, tăng 0,8% so với dự đoán hồi tháng 10 năm ngoái. IMF ghi nhận việc TQ mở cửa lại là một trong những lý do để lạc quan hơn về triển vọng kinh tế. Ấn Độ vẫn là một điểm sáng khi cùng TQ chiếm một nửa tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay.

Anh là nền kinh tế duy nhất IMF dự báo sẽ suy thoái trong năm 2023, với mức tăng trưởng -0,6%. Theo ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF, “Anh đang phải đối mặt với một môi trường khá thách thức”, đó là lạm phát cao và thị trường lao động chưa lấy lại được mức trước đại dịch.

Báo cáo của IMF ghi nhận khả năng phục hồi bất ngờ ở nhiều nền kinh tế trong nửa cuối năm 2022; cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu ít nghiêm trọng hơn so với lo ngại ban đầu; sự cải thiện về điều kiện tài chính toàn cầu khi lạm phát bắt đầu giảm bớt; và đồng USD suy yếu. Việc đồng USD suy yếu giúp giảm áp lực cho các thị trường mới nổi chuyện trả nợ nước ngoài, theo kênh CNBC.

Người dân London (Anh) đổ xô “săn” hàng giảm giá, ngày 26-12-2022. Ảnh: REUTERS

Tuy triển vọng kinh tế khá lạc quan, song bức tranh toàn cảnh không hoàn toàn tích cực. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở Thụy Sĩ giữa tháng 1, Giám đốc điều hành IMF - bà Kristalina Georgieva cảnh báo “chúng ta phải thận trọng”.

Ngay trong báo cáo mới nhất, IMF cũng cảnh báo về một số yếu tố có thể làm xấu đi triển vọng trong những tháng tới. Trong đó có việc mở cửa lại của TQ có thể bị đình trệ do nguy cơ tái bùng phát COVID-19; lạm phát có thể vẫn ở mức cao, dai dẳng, buộc các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất và do đó làm tăng nguy cơ suy thoái; cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài có thể làm mất ổn định thị trường năng lượng hoặc thực phẩm và làm chia rẽ hơn nữa nền kinh tế toàn cầu...

Ưu tiên chính sách để tối đa hóa tăng trưởng

Trong báo cáo mới nhất, IMF cảnh báo cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc, kêu gọi các ngân hàng trung ương tránh “bị cám dỗ mà thay đổi hướng đi”. Tờ The New York Times dẫn đánh giá của ông Gourinchas rằng cuộc chiến chống lạm phát đang bắt đầu có kết quả nhưng các ngân hàng trung ương phải tiếp tục nỗ lực.

Theo ông Gourinchas, khi áp lực lạm phát vẫn còn quá cao, các ngân hàng trung ương cần tăng lãi suất và giữ chúng ở đó cho đến khi lạm phát cơ bản giảm xuống rõ rệt. Việc nới lỏng quá sớm có nguy cơ hủy hoại tất cả thành quả đã đạt được cho đến nay.

Ngoài ra, theo IMF, nhiều nước đã ứng phó với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt bằng cách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bằng các chính sách “hào phóng” nhằm giúp giảm bớt gánh nặng từ các cú sốc. Nhiều biện pháp trong số này đã cho thấy khá tốn kém và ngày càng không bền vững. Thay vào đó, tổ chức này đề xuất rằng các quốc gia nên áp dụng các biện pháp có mục tiêu nhằm tiết kiệm tài chính, đồng thời cẩn thận trong điều chỉnh giá năng lượng để giảm cầu mặt hàng này và tránh kíc‌h thí‌ch nền kinh tế quá mức.

các chính phủ cũng nên xem xét các chính sách trọng cung. Chúng có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh, tăng cường khả năng phục hồi, giảm áp lực về giá và giúp loại bỏ các hạn chế tăng trưởng quan trọng.

IMF nhấn mạnh thế giới phải củng cố hợp tác đa phương, đặc biệt là trong các lĩnh vực cơ bản có lợi ích chung như thương mại quốc tế, mở rộng mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu, chuẩn bị cho sức khỏe cộng đồng và quá trình chuyển đổi khí hậu. Trong đó, theo IMF, để đối phó với COVID-19, các nước cần nỗ lực phối hợp để tăng cường khả năng tiếp cận vaccine và thuốc ở những quốc gia có mức độ bao phủ còn thấp, cũng như triển khai các biện pháp chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch, gồm giải trình tự gen virus và chia sẻ dữ liệu toàn cầu.•

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật