Bất cập lớn nhất về xăng dầu vẫn chưa được tháo gỡ

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nếu không có mức chiết khấu cố định thì tình trạng cửa hàng bán lẻ xăng dầu lỗ chồng lỗ, không còn tài chính phải đóng cửa ngưng bán hàng sẽ vẫn xảy ra.
Bất cập lớn nhất về xăng dầu vẫn chưa được tháo gỡ
Ông Văn Công Thật

Dự thảo mới nhất liên quan xăng dầu của Bộ Công Thương đã tiếp thu và có nhiều điểm mới đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất của doanh nghiệp (DN) bán lẻ thời gian qua là vấn đề chiết khấu thì vẫn chưa được giải quyết”.

Đó là nhận định của ông Văn Công Thật, Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (TP.HCM), khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu mà Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ.

Đã tiếp thu nhưng chưa triệt để

. Tình hình chiết khấu, hoạt động kinh doanh của nhà bán lẻ xăng dầu thời gian qua như thế nào, thưa ông?

Đầu tư một cây xăng tốn rất nhiều chi phí

Nguồn vốn của DN đa số đều vay đến 60%. Đầu tư một cây xăng đến khi hoạt động tốn rất nhiều chi phí, không như các ngành nghề hoạt động kinh doanh khác.

Vì vậy chúng tôi mong các bộ, ngành lắng nghe, quy định mức chiết khấu cố định phù hợp cho DN bán lẻ để họ đủ sống, đủ khả năng hoạt động. Như vậy thị trường xăng dầu mới ổn định, không còn xảy ra tình trạng đứt gãy thị trường như vừa qua.

Ông VĂN CÔNG THẬT, Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc

+Ngày 2-2, công ty của tôi đang nhận mức chiết khấu khoảng 600-900 đồng/lít. Với mức chiết khấu này, chúng tôi chỉ hòa vốn. Tuy nhiên, mức chiết khấu như vậy sẽ không kéo dài.

Bởi mỗi lần giá xăng dầu được điều chỉnh tăng thì các nhà cung cấp (NCC) sẽ chiết khấu từng bước. Ví dụ khi cơ quan chức năng điều chỉnh giá ngày 30-1 thì đến ngày 31-1, các DN bán lẻ phải đi cắt phiếu nhập hàng ngay để lấy hàng bán. Lúc này NCC xuất hàng nhưng với chiết khấu rất thấp. Vì họ biết là nhà bán lẻ như mình phải có hàng để bán nên dù chiết khấu thấp hay cao, nhà bán lẻ vẫn buộc phải lấy hàng.

Khi nhà bán lẻ lấy hàng xong, NCC mới tăng chiết khấu cao. Và dù lúc này chiết khấu có tăng cao thì nhà bán lẻ cũng không lấy hàng được vì hàng đã lấy trước đó rồi, chưa bán hết.

Thực tế NCC dựa vào tình hình thế giới và dựa vào tồn kho để đưa ra mức chiết khấu. Do không có mức chiết khấu cố định nên nhà bán lẻ rất thua thiệt, NCC muốn đưa chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận…

Chính vì vậy, cả năm 2022, kinh doanh xăng dầu công ty của tôi lỗ khoảng 1,1 tỉ đồng.

. Bộ Công Thương vừa trình dự thảo lần hai Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu lên Thủ tướng Chính phủ. Ông đánh giá thế nào về những điểm mới của dự thảo lần này?

+ Trong dự thảo lần này, Bộ Công Thương đã tiếp thu và có nhiều điểm mới đáng hoan nghênh. Đơn cử như bộ đề xuất thương nhân phân phối chỉ được mua hàng từ tối đa ba thương nhân đầu mối, không được lấy từ thương nhân phân phối xăng dầu khác để kiểm soát tốt hơn số lượng đơn vị cấp hàng cho hệ thống thương nhân phân phối. Dự thảo cũng loại bỏ bớt khâu trung gian trong hệ thống phân phối xăng dầu là tổng đại lý kinh doanh xăng dầu.

Đặc biệt, trong dự thảo lần hai này, Bộ Công Thương thay đổi quan điểm khi đề xuất cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn (có thể giới hạn 2-3 nguồn). Đây là điều nên làm vì giúp đa dạng nguồn cung cấp xăng dầu cho đại lý, tăng vị thế cho đại lý trong quá trình đàm phán mua hàng. Như vậy bộ đã tháo gỡ được một khó khăn lớn cho nhà bán lẻ xăng dầu.

Tuy nhiên, bất cập lớn nhất của DN bán lẻ thời gian qua là vấn đề chiết khấu thì vẫn chưa được giải quyết. Nếu Nhà nước không can thiệp về giá thì vấn đề này vẫn ổn nhưng vì Nhà nước can thiệp vào giá nên Bộ Công Thương cần phải quy định mức chiết khấu cố định để nhà bán lẻ được hưởng mức lợi nhuận tối thiểu nhất, qua đó duy trì hoạt động cung cấp xăng dầu cho thị trường.

Các đơn vị bán lẻ xăng dầu kỳ vọng có quy định mức chiết khấu cố định phù hợp để họ đủ khả năng hoạt động. Ảnh: HOÀNG GIANG

Lo các nhà phân phối bắt tay nhau ép nhà bán lẻ

. Nhưng Bộ Công Thương đã đồng ý để đại lý bán lẻ được lấy hàng từ nhiều nguồn, nghĩa là các nhà phân phối sẽ phải cạnh tranh hơn về chiết khấu nhằm giữ chân khách hàng. Như thế tình trạng ép chiết khấu sẽ không còn xảy ra?

+ Không. Nó sẽ vẫn xảy ra. Các NCC có thể bắt tay ngầm với nhau. Chẳng hạn, đại lý bán lẻ được lấy hàng của ba đầu mối nhưng cả ba đầu mối ngầm bắt tay nhau. Đầu mối A cho chiết khấu 490 đồng, đầu mối B cho chiết khấu 500 đồng, đầu mối C cho chiết khấu 501 đồng. Mức chênh lệch này không bao nhiêu.

Quan trọng nhất là nhà bán lẻ như chúng tôi phải đăng ký lấy hàng của ba đầu mối đó và phải đăng ký sản lượng hàng lấy, số lượng mình bán ra. Như vậy khi các đầu mối bắt tay nhau, các cửa hàng bán lẻ vẫn chịu thiệt.

Hơn nữa, thị phần trên thị trường xăng dầu hiện nay đa số đều được hình thành từ lâu. Tất cả đầu mối khác nhập khẩu đều dựa vào giá của tập đoàn bán lẻ xăng dầu lớn nhất thị trường. Họ có thể cứ vin vào đó để đưa ra mức chiết khấu. NCC này đưa chiết khấu thấp thì NCC kia cũng đưa chiết khấu thấp.

Vì vậy, tôi xin nhấn mạnh: Nếu Nhà nước thả nổi giá để tự DN quyết định thì các đầu mối sẽ cạnh tranh bình đẳng với nhau. Còn khi Nhà nước quản lý giá thì vẫn cần phải ấn định mức chiết khấu cố định tối thiểu cho DN bán lẻ để bảo đảm duy trì hoạt động.

. Bộ Công Thương cũng giải thích trong dự thảo là trong trường hợp nhằm bảo đảm lợi ích của các cửa hàng bán lẻ, khi ký kết hợp đồng đại lý (nhượng quyền thương mại), các đại lý cần đưa ra điều khoản về mức chiết khấu tối thiểu với đơn vị cấp hàng?

+ Như tôi đã nói, NCC vẫn có thể bắt tay nhau để cùng chèn ép chiết khấu với nhà bán lẻ.

Thực tế trước đây cửa hàng của tôi lấy nguồn của một tập đoàn lớn. Mới đầu ký hợp đồng họ chiết khấu cao nhưng sau đó chiết khấu thấp. Sau đó một thời gian chúng tôi lại bị ràng buộc hợp đồng yêu cầu đầu tư mái che, bảng biểu… và bắt nhà bán lẻ phải trả dần theo sản lượng chứ không phải trả dần theo số tiền.

Thành ra dù chúng tôi có đưa ra điều khoản về mức chiết khấu tối thiểu với đơn vị cấp hàng thì mình vẫn chịu ràng buộc. Đến khi tính ra thiệt hại mỗi năm hàng trăm triệu đồng chúng tôi mới quyết định chấp nhận bồi thường, thanh lý hợp đồng.

Nhưng khi chuyển qua đầu mối khác, lúc này rất nhiều thương nhân phân phối, NCC chào mời. Có điều sau khi ký hợp đồng vài tháng, tình trạng ép chiết khấu cũng xảy ra như tập đoàn lớn trước kia.

Từ đó tôi mới nhận ra tình trạng các NCC bắt tay nhau là như vậy. Do vậy chúng tôi mới kiến nghị Nhà nước khi vẫn quản lý giá thì cần đưa vào mức chiết khấu cố định tối thiểu cho DN bán lẻ.

. Xin cám ơn ông.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật