Bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, người lao động

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tính đến thời điểm này, tỉnh Vĩnh Phúc còn có 5.027 hộ nghèo đa chiều, chiếm 1,51% số dân. Dự kiến, đến cuối năm 2022, Vĩnh Phúc sẽ là một trong 10 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều thấp nhất cả nước. Nguồn kinh phí thực hiện các chính sách an sinh luôn được quan tâm, bố trí đầy đủ, kịp thời, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, người lao động trên địa bàn tỉnh...
Bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, người lao động
Các đại biểu chia sẻ tại chương trình làm việc với đoàn khảo sát của Ủy ban Xã hội.

Các chính sách hỗ trợ được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở. Các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh có mức hưởng cao gấp hơn 1,24 lần so với mức do Trung ương ban hành. Các mục tiêu, chỉ tiêu về an sinh xã hội, giải quyết việc làm đều hoàn thành, thậm chí nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch. Năm 2021, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 18.986 lao động, vượt kế hoạch đề ra. Trong sáu tháng đầu năm 2022, giải quyết việc làm cho 12.331 lao động, đạt 72,5% kế hoạch; dự kiến cuối năm 2022 sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 18 nghìn lao động.

Trong chương trình làm việc của Đoàn khảo sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội tại Vĩnh Phúc về tình hình thực hiện chính sách, Pháp Luật bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016-2021, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc Lưu Văn Dũng cho biết, thời gian qua Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội và các chính sách an sinh xã hội luôn được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đáng chú ý, các chính sách, giải pháp liên quan việc hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, kịp thời, với sự phối hợp của các cấp chính quyền và nhận được sự đồng thuận cao của toàn xã hội. Các chính sách an sinh xã hội đặc thù đã giúp đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; an sinh xã hội đã trở thành điểm tựa vững chắc cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương.

Vượt chỉ tiêu tham gia bảo hiểm xã hội

Theo đánh giá của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2016-2021, Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã bám sát chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong triển khai các chính sách an sinh xã hội ở địa phương. Vì vậy, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng năm tăng lên đáng kể, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 21.167 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 17.119 người so cuối năm 2015, đạt khoảng 3,2% lực lượng lao động, vượt 2,2% mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Trong sáu tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 5.874 đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội cho 224.134 người lao động; 4.762 đơn vị tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho 216.308 người lao động và 17.489 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện...

Đặc biệt, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 quy định chính sách hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện giai đoạn 2020-2025, trong đó quy định toàn bộ người dân có hộ khẩu tại Vĩnh Phúc khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hỗ trợ kinh phí từ tháng 8/2020, với ba mức hỗ trợ như quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội (30% mức đóng đối với hộ nghèo, 25% mức đóng đối với hộ cận nghèo và 10% mức đóng đối với đối tượng khác), đã góp phần thúc đẩy, khích lệ nhiều người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Phó Giám đốc phụ trách Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc Lê Đình Tuấn cho biết, giai đoạn 2016-2021, Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã nỗ lực phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội bằng nhiều giải pháp; thường xuyên rà soát dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp; tăng cường tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình; tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện...

Nhờ đó, lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đã tăng nhanh chóng, hằng năm chỉ tiêu người tham gia vượt kế hoạch 5%-10%. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 247.925 người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 38% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 20.192 người so năm 2020 và vượt 3% so chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Tăng cường giải pháp hạn chế nợ bảo hiểm xã hội...

Tuy nhiên, thời gian qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn ở tất cả các nhóm ngành, lĩnh vực. Rõ nhất là việc khắc phục tình trạng chậm đóng, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp ngày càng khó khăn. Năm 2019, tỉnh Vĩnh Phúc có 438 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội với số tiền 40,811 tỷ đồng; nhưng đến hết tháng 6/2022, tỉnh có tới 2.031 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội với số tiền 169,45 tỷ đồng...

“Để hạn chế nợ bảo hiểm xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã đề nghị Quốc hội sửa Luật Bảo hiểm xã hội phù hợp thực tế, trong đó cần quy định cụ thể việc xử lý đối với khoản nợ kéo dài do chủ sử dụng lao động bỏ trốn, đi khỏi địa phương; xem xét, bổ sung quy định về việc tạm dừng sử dụng hóa đơn đối với các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh nợ bảo hiểm xã hội từ ba tháng trở lên.

Đối với xử lý nợ bảo hiểm xã hội kéo dài, cũng đề nghị đưa nhóm này vào khoanh nợ, xóa nợ hoặc ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với nhóm phá sản, chủ bỏ trốn và có hướng dẫn để người lao động được chốt sổ bảo hiểm xã hội và hưởng quyền lợi”, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Ngô Thục Phương đề xuất.

Vấn đề này Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai khẳng định, câu chuyện nợ bảo hiểm xã hội tồn tại từ lâu mà chưa có giải pháp tháo gỡ, nếu chờ sửa Luật Bảo hiểm xã hội thì phải từ hai đến ba năm sau mới thực hiện được. Vì vậy, với các vấn đề đang vướng thì Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội để ra Nghị quyết xử lý, bởi tiền doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội không thể thu hồi được thì người lao động không được hưởng chế độ.

Hằng năm, Ủy ban Xã hội đều tổ chức giám sát và nghe Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và vấn đề nợ bảo hiểm xã hội vẫn “dai dẳng” từ năm này sang năm khác. “Vì vậy, để bảo vệ người lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo, đánh giá cụ thể về số doanh nghiệp, số người lao động của các doanh nghiệp phá sản... gửi Quốc hội để có giải pháp tốt nhất xử lý vấn đề này”...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật