Hàng Việt chuyển hướng để không bị lép vế trên “sân nhà”

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tập trung vào lợi thế giá rẻ gắn với chất lượng, hay nhắm tới phân khúc khách hàng cao cấp… đang là hướng đi mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam dù đi sau nhưng tiếp cận khá tốt với thị trường nội địa. Có thể nói, nếu đi đúng hướng, hàng Việt sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại, xóa bỏ nguy cơ khi hàng ngoại ’đổ bộ’ thì hàng nội phải chịu lép vế.
Hàng Việt chuyển hướng để không bị lép vế trên “sân nhà”
Hàng Việt nỗ lực khẳng định lợi thế trên “sân nhà“.

95% sản lượng cà phê của Công ty TNHH Delingoo Việt Nam được tiêu thụ ở thị trường nội địa thay vì đẩy mạnh xuất khẩu như nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện.

Tìm lợi thế cạnh tranh

Vì sao Delingoo quyết tâm chinh phục thị trường đồ uống vốn gặp phải sự canh tranh găy gắt từ các thương hiệu nội cũng như ngoại từ rất lâu đời?

Ông Nguyễn Lữ, người đồng sáng lập Công ty TNHH Delingoo Việt Nam, cho rằng đó là do doanh nghiệp đã chọn hướng đi riêng là cung cấp các dòng cà phê cao cấp vào phân khúc nhà hàng, khách sạn 5 sao ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Muốn tiếp cận phân khúc cao cấp, ông Lữ cho rằng việc quan trọng nhất là tập trung vào phát triển cà phê mộc sạch, liên kết với các trang trại lớn của nông dân ở tỉnh Đắk Lắk, Điện Biên… Muốn tạo ra sản phẩm ngon thì nguyên liệu phải đạt chất lượng.

Tất nhiên, trong hành trình chinh phục người Việt, Delingoo Việt Nam cũng vấp phải vô vàn khó khăn. Trong đó, phải kể tới việc thay đổi nhận thức, thói quen trong tiêu dùng cà phê của người Việt. "Muốn người tiêu dùng hiểu rõ về sản phẩm của mình, chúng tôi phải kể cho khách hàng những câu chuyện về cà phê, thế nào là cà phê mộc, nguồn nhân đến từ đâu, sản xuất thế nào, nguồn gốc xuất xứ ra sao…", ông Lữ chia sẻ.

Theo đó, trước khi phân phối cà phê vào nhà hàng, khách sạn, Delingoo Việt Nam phải hỗ trợ đào tạo nhân viên của đối tác phân phối hiểu rõ hơn về sản phẩm, chất lượng và hương vị… Bên cạnh đó, một trong những yếu tố cạnh tranh là sản phẩm phải gắn với chất lượng cao nhưng đổi lại giá cả hợp lý.

Công ty cổ phần Sữa Chua Trân Châu Hạ Long cũng đang chọn cho mình một cách làm riêng biệt. Mặc dù trên thị trường, việc cạnh tranh ở phân khúc sữa chua, sữa tươi đã rất khắc nghiệt, song năm 2022, Trân Châu Hạ Long quyết định tung ra thị trường dòng sản phẩm sữa chua sấy lạnh, hướng tới đối tượng khách hàng là trẻ em, và cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm ăn liền như bim bim.

Ông Lê Hồng Huy, Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Chua Trân Châu Hạ Long, cho biết tại thị trường Việt Nam đã có những dòng sản phẩm tương tự nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản với giá lên tới hơn 70.000 đồng/gói. Do vậy, để cạnh tranh, doanh nghiệp phải vừa đảm bảo chất lượng, hương vị riêng biệt, trong khi giá cả phải chăng, chỉ hơn 20.000 đồng/gói.

Trong năm 2022, Sữa Chua Trân Châu Hạ Long đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng chuỗi cửa hàng, đồng thời đẩy mạnh hệ thống phân phối để đưa sản phẩm sữa chua sấy lạnh đến tay người tiêu dùng từ thành thị đến nông thôn.

Đồng thời, sau khi tiếp cận thành công thị trường nội địa, doanh nghiệp cũng hướng tới xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản. "Hy vọng đến năm 2023, 2024, sản phẩm có thể vượt ra khỏi thị trường Việt Nam và chạm tới nước ngoài", ông Huy nói.

Cần thêm sự hỗ trợ của Nhà nước

Có thể thấy, nếu có sự bài bản thì hàng hóa Việt Nam chắc chắn vẫn có lối đi rộng, cho dù doanh nghiệp có đi sau hay tiềm lực không mạnh bằng các doanh nghiệp lớn, cũng như các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi người tiêu dùng toàn cầu đang chịu áp lực về lạm phát, dẫn tới cắt giảm chi tiêu, tổng cầu xuống thấp, cước vận chuyển khá cao…, việc đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường trong nước rõ ràng là hướng đi rất quan trọng.

Theo Bộ Công Thương, trong 7 tháng đầu năm 2022, lưu thông hàng hóa trên thị trường không còn chịu tác động quá lớn của dịch bệnh COVID-19. Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 đạt 485.984 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 19,5% do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều địa phương). Trong đó, riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 29,4%. Tính chung 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt quy mô cao, đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh và tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm trước giảm 0,3% do ảnh hưởng của dịch COVID-19).

Tất nhiên, để các doanh nghiệp đứng vững ở thị trường nội địa, chắc chắn sự hỗ trợ của Nhà nước là rất quan trọng. Đơn cử với ngành ô tô, ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco), kiến nghị Chính phủ giúp doanh nghiệp lắp ráp sản xuất ôtô trong nước gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Cụ thể, ông Tài mong muốn Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó giá tính thuế giá trị đặc biệt đối với ôtô sản xuất trong nước được tính theo hướng giá trị sản xuất trong nước (tức là tỷ lệ nội địa hóa) được khấu trừ vào giá thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đối với ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, Tổng Giám đốc Thaco kiến nghị Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Luật Phát triển công nghiệp vào chương trình xây dựng Pháp Luật năm 2023 được Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... Làm được điều này, sản phẩm ôtô của Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh về giá so với hàng nhập khẩu.

Liên quan tới hàng Việt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết hiện nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đã lên đến 80-90%, riêng tỷ lệ hàng Việt tại chuỗi siêu thị Go của Tập đoàn Central Retail đã lên đến 94-96%; tại chợ truyền thống đạt 60-70%... Thời gian qua, việc triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng như thỏa thuận ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau đã mang lại hiệu quả thiết thực như xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng Việt Nam bền vững; tăng tỷ lệ hàng Việt Nam có thế mạnh tại hệ thống phân phối...

Để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, ông Hải cho rằng các doanh nghiệp lớn đầu mối cần đẩy mạnh gắn kết, hỗ trợ với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ nông dân tạo ra hệ sinh thái cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam giúp người tiêu dùng nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”. Việc thỏa thuận ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau sẽ giúp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng Việt Nam bền vững.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật