Đổi không gian triển lãm để gần khán giả

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đặt tác phẩm trong những không gian như quán cà phê, văn phòng làm việc chia sẻ… một phần nào đó có hạn chế về mặt tiếp cận nhà sưu tập chuyên nghiệp. Nhưng không ít họa sĩ trẻ chấp nhận mạo hiểm để mang nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, nhất là tương tác giữa người xem và tác phẩm nghệ thuật.
Đổi không gian triển lãm để gần khán giả
Không gian cà phê tích hợp triển lãm tại XYZ Café và Artspace

Lối đi khác biệt

Khác với những triển lãm tranh tại các gallery (tạm dịch: phòng tranh, phòng trưng bày nghệ thuật) chuyên về hội họa thường thấy, xem triển lãm ở quán cà phê hay đi cà phê vô tình gặp triển lãm được nhiều người hứng thú hơn.

Chụp ảnh với bức tranh mình thích cùng ly cà phê còn nóng hổi trong không gian triển lãm tại quán cà phê XYZ Café & Artspace (50 Nguyễn Văn Mai, phường Võ Thị Sáu, quận 3), chị Lê Thị Hoài Thư (ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Tôi thích cách trưng bày này, không gian không quá dày đặc tác phẩm, có những khoảng không vừa đủ để khách xem tranh và chụp hình”.

Quán cà phê tích hợp không gian triển lãm ngày càng thu hút khách lẫn người hoạt động trong giới mỹ thuật, bởi đây là cách để nghệ sĩ có thể tự tổ chức triển lãm cho mình với mức chi phí dễ chịu nhất. Chị Minh Phương, thành viên sáng lập XYZ Café & Artspace, chia sẻ: “Triển lãm trong quán cà phê giúp mọi người có cái nhìn khác hơn trong việc đi xem triển lãm, nó không chỉ có ở các phòng tranh, nơi khách đến xem rồi về, đôi khi khá ngại ngùng để tìm hiểu về tác phẩm hay trò chuyện cùng họa sĩ. Không gian quán cà phê là không gian mở, mọi người đến coi triển lãm hay đến cà phê đều thoải mái và đây cũng có thể xem như cách làm “win-win” (đôi bên cùng có lợi), nghệ sĩ có không gian triển lãm phù hợp, quán cà phê có chủ đề để thu hút khách”.

Lối đi khác biệt trong mô hình cà phê tích hợp triển lãm cũng khiến chủ quán lẫn nghệ sĩ lăn tăn không ít. Mỗi triển lãm một chủ đề, đòi hỏi không gian quán phải thay đổi linh hoạt, hệ thống ánh sáng chuyên phục vụ triển lãm và đặc biệt là vấn đề bảo vệ tác phẩm, khi trong nước hiện tại vẫn chưa có những dịch vụ bảo hiểm riêng cho tác phẩm nghệ thuật... cũng được đặt ra.

“Ngoài tôi thì 4 thành viên sáng lập đều làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, nên việc định hướng và lựa chọn triển lãm phù hợp cho không gian quán không có gì quá lo. Nhưng quán cà phê là không gian mở, đôi khi khách chụp hình vô tình va chạm vào tác phẩm là điều không thể tránh được, vì vậy mình tìm cách trưng bày khéo léo cũng như nhắc nhở khách, để không mất lòng “thượng đế” và bảo vệ được tác phẩm ở mức cao nhất có thể”, chị Minh Phương chia sẻ thêm.

Mạo hiểm để thử nghiệm

Khi thẩm mỹ cộng đồng vẫn chưa cao và chưa đồng đều, việc đưa nghệ thuật đến gần hơn với khán giả trong nhiều không gian khác với không gian triển lãm chuyên biệt, để tạo sự gần gũi là điều cần thiết. Nó giúp người xem dễ dàng thẩm thấu và chấp nhận dần tính nghệ thuật trong đời sống.

Đặt tác phẩm của mình triển lãm trong không gian làm việc chia sẻ (co-working space) tại TPHCM, họa sĩ Vũ Tuấn Việt bày tỏ: “Sự phổ biến của nghệ thuật chuyên sâu cũng chưa thật sự tiếp cận đến với khán giả theo đúng nghĩa. Vậy nên việc mang những tác phẩm nghệ thuật hòa nhập cùng không gian sống, giúp sự thẩm thấu nghệ thuật vào đời sống dễ dàng hơn. Nghệ thuật không chỉ phản ánh hiện thực, nghệ thuật còn làm đẹp cho đời. Cái đẹp ở đây mang tính hài hòa và phù hợp, việc trưng bày những tác phẩm tạo điểm nhấn cho không gian sống cũng phần nào thỏ‌a mã‌n được nhu cầu hài hòa đó. Với không gian công cộng, tác phẩm sẽ tạo cảm giác gần gũi hơn và là xu hướng trong tương lai. Tôi nghĩ, không gian cho nghệ thuật sẽ ngày càng được mở rộng và đa dạng hơn”.

Khi nghệ sĩ đặt tác phẩm của mình trong các không gian này, phần lớn coi đó là một thử nghiệm để đến gần với công chúng hơn là việc thương mại hóa tác phẩm. Họa sĩ Min Đan (có tác phẩm trong triển lãm Ủ em tại XYZ Café & Artspace) nhìn nhận: “Tôi không đặt nặng vấn đề thương mại ở đây, nó như một cuộc trưng bày để mình đến gần hơn với khán giả của mình và lắng nghe thị hiếu của công chúng đương thời về hội họa”.

Vừa triển lãm, họa sĩ Vũ Tuấn Việt vừa thực hiện 2 tác phẩm trực tiếp tại không gian trưng bày ở Toong (126 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3), để người xem hiểu hơn về quá trình thực hiện tác phẩm cũng như chất liệu sơn dầu, toan…“Tôi nghĩ sẽ có những mặt hạn chế trong việc tiếp cận khán giả, nhà sưu tập và nếu làm không khéo sẽ vô tình biến cuộc triển lãm thành tác phẩm trang trí cho không gian đấy, khán giả đến xem sẽ không ý thức được việc tác phẩm có thể bán. Việc tiếp cận nhà sưu tập tuy có trở ngại, nhưng với họa sĩ trẻ như tôi, việc lan tỏa tác phẩm cũng rất quan trọng và với những không gian công cộng, điều này sẽ dễ hơn. Tuy nhiên, khâu tổ chức phải thật tốt, chu đáo”, họa sĩ Tuấn Việt phân tích.

Việc thay đổi những không gian triển lãm gần gũi hơn cũng là cách để từng bước mang nghệ thuật hòa vào đời sống, góp phần nâng tầm hiểu và cảm về mặt mỹ học trong công chúng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật